Thủ tướng Đức Olaf Scholz thích những câu văn phức tạp; chúng thường dài đến mức cuối cùng người nghe không còn nhớ được ông ấy đã nói gì lúc bắt đầu. Nhưng hồi tháng 2, khi Rheinmetall, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất nước Đức, tổ chức lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất đạn dược mới, Thủ tướng đã nói rất rõ ràng.
Từ lâu Đức vẫn cho rằng mua vũ khí cũng giống như mua một chiếc ô tô: chỉ cần đặt hàng và nhận xe. “Nhưng đó không phải là cách sản xuất vũ khí diễn ra”, ông Scholz nói. “Xe tăng, lựu pháo, máy bay trực thăng và hệ thống phòng không, không nằm trên kệ hàng ở đâu đó. Nếu không đặt hàng trong nhiều năm thì sẽ không có gì được sản xuất”.
Đó là cách ông vạch ra tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà Chính phủ Đức phải đối mặt. Nhu cầu về vũ khí và đạn dược là rất lớn và không chỉ để cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Tại lễ khởi công, Thủ tướng Scholz cho biết tầm quan trọng của việc “có được một ngành công nghiệp quốc phòng linh hoạt, hiện đại và có năng lực”. Khi tiếp đón Thủ tướng Latvia Evika Silina ở Berlin hồi tuần trước, ông Scholz nói thêm một cách rõ ràng: “Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa; chúng ta cần tăng cường sản xuất”.
“Chúng ta không thể lúc nào cũng dựa vào người Mỹ trong việc thanh toán mọi thứ hoặc cung cấp những vật liệu cần thiết”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết khi phát biểu tại một hội nghị hồi tháng 3. “Điều đó có nghĩa là việc tăng cường sản xuất quân sự, các ngành công nghiệp quốc phòng và vũ khí cũng như các kịch bản bao gồm cả quốc phòng – tất cả đều cần phải được kích hoạt lại”.
Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay nhu cầu về xe tăng, tên lửa, đạn dược là rất lớn, và Thủ tướng Scholz không phải là người duy nhất muốn thấy nhiều loại vũ khí như vậy được sản xuất ở Đức. Nhưng vẫn là câu chuyện nói dễ hơn làm.
Vẫn chưa làm đủ
Sau nhiều thập kỷ giải trừ quân bị, điều trên không khác gì một bước ngoặt 180 độ. Sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 và sự thống nhất nước Đức năm 1990, cả quy mô của Quân đội Đức (Bundeswehr) và chi tiêu cho thiết bị quân sự đều bị cắt giảm.
Theo một nghiên cứu của Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES), ngành công nghiệp quốc phòng của Đức đã bị thu hẹp tới 60%. Trong số 290.000 việc làm, chỉ còn lại dưới 100.000 việc làm.
Phù hợp với tư tưởng chủ đạo thời đó, các chính trị gia cũng giữ khoảng cách với ngành công nghiệp vũ khí. Vào năm 2014, Phó Thủ tướng Đức lúc bấy giờ là ông Sigmar Gabriel nói rằng ông không quan tâm đến việc “làm ăn với Thần chết”.
Thủ tướng Đức lúc bấy giờ là bà Angela Merkel cũng không đặc biệt quan tâm đến việc kinh doanh vũ khí. Các tập đoàn lớn như Rheinmetall ngày càng chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, một phần để lách các hạn chế xuất khẩu vũ khí của Đức.
Vào cuối năm 2021, khi ông Scholz lên cầm quyền với liên minh “đèn giao thông”, gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông, Đảng Xanh của ông Habeck và Đảng Dân chủ Tự do (FDP), Berlin vẫn có kế hoạch hạn chế hơn nữa các giao dịch vũ khí của Đức.
Tình hình đã thay đổi kể từ khi Nga mang quân vào Ukraine hồi tháng 2/2022. Nhưng “bước ngoặt thời đại” mà Thủ tướng Scholz tuyên bố khi công bố khoản “quỹ đặc biệt” trị giá 100 tỷ Euro để hiện đại hóa Bundeswehr vẫn chưa đến sau hơn 2 năm xung đột Nga-Ukraine.
Đảo ngược tiến trình đã diễn ra hàng thập kỷ là rất khó. Mặc dù phần lớn khoản tiền trên đã được gắn với các hợp đồng vũ khí trong thời gian kỷ lục, việc giao hàng sẽ mất nhiều năm và hầu hết các thiết bị sẽ không được sản xuất ở Đức. Ví dụ, hơn 120 xe tăng bánh lốp do Chính phủ Đức đặt hàng sẽ được sản xuất tại nhà máy của Rheinmetall ở Australia.
Các đảng đối lập bảo thủ, CDU và CSU, đã chỉ trích rằng liên minh cầm quyền đã làm quá ít để thúc đẩy năng lực sản xuất ở Đức. Nhóm nghị sĩ CDU/CSU cho biết trong một bản kiến nghị được tranh luận tại Bundestag hồi giữa tháng 3: “Trong khi Nga đã chuyển sang nền kinh tế thời chiến, Chính phủ Đức vẫn chưa thực hiện đầy đủ các bước để củng cố ngành công nghiệp quốc phòng”.
Vào mùa hè năm 2023, Chính phủ Đức hứa sẽ cập nhật phiên bản năm 2020 của chiến lược cho ngành an ninh và quốc phòng cưa đất nước. Điều này cũng vẫn chưa xảy ra.
Liên minh cầm quyền vẫn cần thảo luận về vấn đề này, Phó Thủ tướng Habeck thừa nhận. Điều quan trọng là “các câu hỏi, mối quan tâm và lo ngại về việc sản xuất vũ khí” phải được đưa ra đúng chỗ.
Vấn đề về tiền
Những gì ông Habeck đang đề cập có thể được nhìn thấy trong các cuộc tranh luận ở Hạ viện Đức (Bundestag). Ví dụ, trong cuộc tranh luận về ngành công nghiệp vũ khí, Nghị sĩ Đảng Xanh Merle Spellerberg cho biết, không thể chỉ tranh cãi về việc làm thế nào có thể tăng cường nhanh nhất năng lực sản xuất quân sự trong bối cảnh những gì đang xảy ra ở Ukraine. “Chúng ta cũng phải có khả năng giảm bớt chúng một lần nữa ngay khi tình hình an ninh thay đổi”, bà Spellerberg nói thêm.
Nhà lập pháp này cho rằng sản xuất vũ khí phải phù hợp với giá trị và lợi ích, đồng thời vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Bà nói: “Vũ khí có nên được sử dụng để kiếm lợi nhuận không và chính xác nên làm gì với những khoản lợi nhuận này? Chúng ta cần các chính sách ưu tiên hòa bình và an ninh của chúng ta chứ không phải lợi nhuận của các công ty vũ khí riêng lẻ”.
Những bình luận như vậy có khả năng gây bất bình trong ngành công nghiệp vũ khí. Nhưng các công ty quốc phòng biết rằng họ hiện đang nắm lợi thế trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine. Với 135.000 công nhân chỉ riêng ở Đức và doanh thu hàng năm khoảng 30 tỷ USD, các công ty quốc phòng Đức đã nằm trong số những nhà sản xuất quan trọng nhất thế giới.
Ngay trước Lễ Phục sinh vào ngày 31/3, đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Đức đã gặp đại diện của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế để thảo luận về những gì đảm bảo cho ngành này nhằm tăng sản lượng.
Các công ty quốc phòng muốn có những hợp đồng dài hạn với các cam kết mua hàng cố định – điều này nghĩa là cần phải có đủ tiền trong ngân sách liên bang. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Khoản “quỹ đặc biệt” dành cho Bundeswehr sẽ cạn kiệt vào năm 2027, để lại một “lỗ hổng” lớn mà các chuyên gia ngân sách ước tính vào khoảng 50 tỷ Euro mỗi năm.
Vấn đề là phải lấy tiền từ đâu? Thủ tướng Scholz nhận thức rõ rằng Đảng SPD của ông sẽ không ủng hộ việc cắt giảm phúc lợi xã hội, và nhiều người Đức cũng vậy, trong khi đây lại là một vấn đề có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch bầu cử liên bang năm 2025.
Lời kêu gọi của Thủ tướng về một kỷ nguyên mới trong chính sách quốc phòng vẫn chưa thực sự in sâu vào tâm trí nhiều người Đức. Điều này đã trở nên rõ ràng trong việc tìm kiếm địa điểm mới để sản xuất vũ khí.
“Không có nhà máy sản xuất đạn dược ở Troisdorf, chúng tôi sẽ không cúi đầu trước áp lực từ Berlin!” là khẩu hiệu phản đối các kế hoạch xây dựng của Diehl Defense hiện đang được người dân và các chính trị gia địa phương sử dụng tại thị trấn nhỏ ở North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất ở Đức. Một lý do được đưa ra cho sự phản đối là các khu vực phải giải phóng mặt bằng cũng cần thiết để làm nhà ở.
Troisdorf không phải là trường hợp cá biệt. Cũng có những cuộc phản đối ở Saxony khi vào mùa xuân năm 2023 có thông báo rằng Rheinmetall đang xem xét xây dựng một nhà máy ở đó. Tuy nhiên, cuối cùng, kế hoạch này được cho là đã thất bại vì chính phủ liên bang không sẵn lòng cung cấp nguồn vốn ban đầu.
Minh Đức (Theo DW, Foreign Policy)