Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trước các cáo buộc về sự kiện được gọi là “vụ thảm sát ở Bucha”, ngoại ô thủ đô Kiev của Ukraine.
Nga đang thay đổi chiến thuật, chuyển quân tới miền Đông Ukraine
Liên quan đến sự kiện trên, các nhà lãnh đạo EU hiện đang chịu nhiều áp lực hơn nữa trong việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga.
Các báo cáo đã dẫn đến một loạt lời kêu gọi từ bên trong EU để khối này tiến xa hơn trong việc trừng phạt Moscow. EU hiện đang làm việc về gói trừng phạt thứ năm chống lại Nga, với một vòng các biện pháp mới dự kiến sẽ được thông qua vào cuối tuần này.
Các biện pháp trừng phạt mới có thể sẽ dựa trên các lệnh trừng phạt trước đó, nhưng điều khác là lần này EU có thể nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Hiệu ứng domino
Lệnh cấm nhập khẩu ngay lập tức khí đốt từ Nga có thể không nhận được sự nhất trí của toàn bộ khối 27 quốc gia, ít nhất là không phải trong ngắn hạn. Nhưng từng quốc gia thành viên EU có thể có những động thái riêng, từ đó tạo ra hiệu ứng domino ngay trong khối.
Lithuania (Litva) hôm 2/4 tuyên bố đã hoàn toàn ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga. Theo đó, quốc gia Baltic, nơi cách đây 7 năm hầu như chỉ phụ thuộc vào khí đốt của Nga để duy trì hoạt động, đã trở thành quốc gia EU đầu tiên tuyên bố chấm dứt phụ thuộc năng lượng vào Moscow.
Tuyên bố trên có hiệu lực ngay từ đầu tháng 4, Bộ Năng lượng Lithuania cho biết hôm 2/4.
Cùng ngày, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda đã đăng một dòng trạng thái lạc quan trên tài khoản Twitter của mình và kêu gọi các quốc gia châu Âu khác làm như vậy.
Các nước láng giềng Baltic của Lithuania là Latvia và Estonia, phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, cũng không còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ nước này kể từ đầu tháng 4, CEO của Conexus Baltic Grid, công ty điều hành truyền tải và lưu trữ khí đốt tự nhiên của Latvia, cho biết hôm 2/4.
Thị trường Baltic hiện đang được phục vụ bởi trữ lượng khí đốt được lưu trữ dưới lòng đất ở Latvia, vị CEO này bổ sung.
EU có kế hoạch giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga từ giờ đến cuối năm. Nhưng điều đó có thể xảy ra nhanh hơn nếu có thêm các quốc gia thành viên khác hưởng ứng lời kêu gọi của Lithuania về ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga ngay bây giờ.
Điều đó đồng thời cũng gây thêm áp lực lên phần còn lại - bao gồm cả các nhà nhập khẩu lớn như Ý hoặc Đức - để đẩy thời hạn của khối lên sớm hơn.
Liệu các nước EU khác sẽ làm theo? Điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố, với việc việc một số quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga hoặc nằm sâu trong đất liền khiến việc tìm kiếm nguồn cung thay thế khó khăn hơn.
Tuy nhiên, đã có những tín hiệu đầu tiên ủng hộ động thái này. Trong một cuộc khảo sát gần đây, hầu hết người Ba Lan ủng hộ việc cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Đa số người Đức cũng chia sẻ quan điểm này trong một cuộc khảo sát do công ty YouGov tiến hành vào đầu tháng 3.
Các nhà lãnh đạo châu Âu nhận ra đã đến lúc đi đến quyết định khó khăn cuối cùng, dù họ biết rằng các cử tri sẽ không thể không buồn khi hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Một lệnh trừng phạt nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Moscow thực sự có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Nga.
Yêu cầu gần đây của Tổng thống Vladimir Putin về thanh toán khí đốt bằng đồng rúp đang khiến các giao dịch khí đốt giữa các nước châu Âu và Nga trở nên khó khăn hơn.
Nga bán lượng khí đốt trị giá khoảng 400 triệu Euro (373,7 triệu USD) mỗi ngày cho khối và có rất ít lựa chọn để chuyển hướng các chuyến hàng đó sang các thị trường khác.
Vì xuất khẩu khí đốt sang châu Âu chiếm hơn 2% GDP của Nga, các lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tài trợ cho các hoạt động quân sự của nước này. Nó cũng có thể làm mất đi đòn bẩy khí đốt trong tương lai của Nga.
Lập luận trái chiều
Bên cạnh những lập luận ủng hộ trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga, cũng có những lập luận trái chiều.
Ngoài việc gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, một lệnh trừng phạt như vậy có thể gây ra một cuộc suy thoái ở châu Âu.
Niềm tin của các nhà đầu tư Eurozone hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Cấm nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ chỉ làm tăng khả năng suy thoái đang rình rập ở EU, điều mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã liên tục cảnh báo khi bảo vệ việc loại trừ khí đốt khỏi các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.
"Trong trường hợp khí đốt của Nga ngừng chảy, tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn", CEO của Deutsche Bank, Christian Sewing, cho biết trong một tuyên bố. "Một cuộc suy thoái đáng kể là khó có thể tránh khỏi".
Việc người dân châu Âu mất việc làm với số lượng lớn có thể làm đảo lộn làn sóng ủng hộ mạnh mẽ hiện nay của người dân EU đối với việc giúp đỡ Ukraine và trừng phạt Nga.
“Áo không ủng hộ các biện pháp trừng phạt liên quan đến khí đốt. Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Tôi cho rằng những biện pháp trừng phạt như vậy sẽ làm tổn thương chúng tôi nhiều hơn là Nga. Đó là lý do tại sao chúng tôi không ủng hộ các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng”, ông Magnus Brunner, Bộ trưởng Tài chính Áo, tuyên bố trong một cuộc họp ở Luxembourg hôm 4/4.
Theo ước tính của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Áo đã nhập khẩu gần 59% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga trong năm 2020. Bulgaria, Cộng hòa Séc, Latvia và Hungary đã nhập khẩu một lượng khí đốt tự nhiên từ Nga thậm chí cao hơn trong cùng năm đó, theo Eurostat.
Hôm 1/4, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, khí đốt của Nga là lựa chọn duy nhất của đất nước ông, một quốc gia nằm trong đất liền và không thể trực tiếp nhận LNG chở đến bằng tàu biển từ Mỹ.
Phát biểu trên một đài phát thanh của nước này, ông Orban tuyên bố, Hungary không thể "khóa van khí đốt giá rẻ của Nga và mua năng lượng đắt đỏ của Mỹ", cho rằng sẽ không khả thi khi châu Âu trông chờ vào việc vận chuyển đủ khối lượng LNG từ Mỹ qua đại dương, và không có sự thay thế nào cho nguồn cung từ Nga trong tương lai gần, đặc biệt là đối với Hungary.
Việc không bên nào có thể lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại là một thực tế. Ví dụ, cả Mỹ và Qatar, về mặt kỹ thuật đều có khả năng bù đắp sự thiếu hụt khí đốt từ Nga thông qua các chuyến tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Một số quốc gia EU đã ký các thỏa thuận với 2 “ông lớn” này để thực hiện điều đó.
Tuy nhiên, lượng LNG mà người Mỹ và người Qatar có thể gửi đi trong thời gian tới thấp hơn nhiều so với những gì người Nga hiện đang cung cấp.
Một lựa chọn khác là Algeria, nhưng các cuộc đàm phán giữa nước này và EU đã bị đình trệ do những tranh cãi gần đây giữa Algeria với Morocco và Tây Ban Nha về vấn đề Tây Sahara.
Minh Đức (Theo GZeroMedia, USNews, CNN, CNBC)