Những ngày qua, cái tên Nam Em một lần nữa khiến dư luận “dậy sóng” sau khi người đẹp đăng tải đoạn clip lái xe ô tô trong tình trạng liều lĩnh bỏ hai tay khỏi vô lăng, nhún nhảy theo điệu nhạc.
Ngay khi đăng tải đoạn clip trên, Nam Em đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng. Phần lớn ý kiến đều chỉ trích hành động của Nam Em quá liều lĩnh, không chỉ gây ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân mà cả những người tham gia giao thông khác.
Quá phẫn nộ với hành động coi thường mạng sống người đi đường của Nam Em, một số cư dân mạng còn yêu cầu xử phạt nghiêm hành vi của chân dài này.
Trước sự bức xúc của dư luận, Nam Em đã gỡ đoạn clip trên khỏi trang mạng xã hội cá nhân. Giữa “bão” chỉ trích của dư luận, người đẹp gốc miền Tây lên tiếng giải thích, do chiếc xe ô tô mà cô điều khiển có chế độ lái tự động, và cô đã chọn con đường vắng mới dám buông tay để hát hò như vậy. “Tôi có khùng đâu mà đánh đổi mạng sống của mình như thế? Tôi chỉ muốn tạo niềm vui cho mọi người mà mọi người không thấy vui, mọi người lại chửi thì tôi cũng không biết nói gì nữa”, Nam Em nói.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi của Nam Em có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân cô gái này và những người xung quanh.
Trước những ý kiến yêu cầu cảnh cáo và xử phạt nghiêm hành vi của Nam Em, luật sư Đặng Văn Cường cho hay: “Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt không quy định xử phạt vi phạm đối với hành vi “lái xe buông vô lăng khi xe đang chạy” của người điều khiển phương tiện giao thông.
Tại nghị định này, chỉ quy định các hành vi liên quan đến việc điều khiển vô lăng như: Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường, điều khiển xe lạng lách, đánh võng, dùng chân điều khiển vô lăng khi xe đang chạy trên đường… Đồng thời, muốn xử phạt vi phạm hành chính thì phải có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Do đó, đối với hành vi lái xe buông tay lái khi điều khiển xe ô tô đang chạy thì pháp luật hiện nay chưa có quy định xử lý vi phạm”.
Tuy nhiên, luật sư Cường cũng phân tích thêm: “Việc điều khiển phương tiện giao thông đang lưu thông mà buông tay lái là hành vi nguy hiểm cho chính người điều khiển giao thông và những người đang tham gia lưu thông trên đường. Chỉ cần tài xế sơ ý là có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc do hành vi này mang lại.
Trong trường hợp để xảy ra tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt lên tới 15 năm tù và còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Song Ngư