Di sản của những người tiền nhiệm
Trong tuần qua, một trong những sự kiện đáng chú ý nhất đối với nước Mỹ và thế giới chính là việc lần đầu tiên sau 7 tháng cầm quyền, chính quyền Donald Trump chính thức tuyên bố về can thiệp quân sự của Washington tại Afghanistan. Mười sáu năm trước, Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan nhằm trả đũa cho vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 ở thành phố New York.
Khi ấy, Washington cho rằng Taliban đã tiếp tay cho mạng lưới khủng bố al-Qaeda tấn công Mỹ. Sau đó, Mỹ lật đổ được Taliban ở Afghanistan, nhưng không tiêu diệt được Taliban, trong khi tình hình an ninh và chính trị ở quốc gia này vẫn rơi vào bế tắc. Có thể nói, hai người tiền nhiệm của ông Trump là cựu Tổng thống George W.Bush và Barack Obama đã để lại cho ông những di sản tồi tệ ở Afghanistan. Di sản đó đẩy ông Trump vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi rút quân đi cũng không được, mà điều quân đến cũng không xong.
Trong tuyên bố của Tổng thống Trump, ông bỏ ngỏ khả năng đưa thêm quân tới Afghanistan và cũng không nêu rõ thời hạn cho việc rút quân Mỹ khỏi quốc gia này. Hiện tại, Mỹ còn khoảng 8.400 lính đồn trú tại đây nhằm huấn luyện, hỗ trợ lực lượng Afghanistan chống Taliban, đồng thời thực hiện sứ mệnh chống khủng bố, tiêu diệt các tổ chức như al-Qaeda hay IS.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho hay, chiến lược mới tại Afghanistan sẽ chuyển từ cách tiếp cận phụ thuộc vào yếu tố thời gian, sang việc dựa vào những điều kiện thực tế.
“Từ giờ trở đi, những điều kiện trên thực địa mới là yếu tố quyết định chiến lược của chúng ta, chứ không phải những thời gian biểu cố định”, Tổng thống Trump tuyên bố.
Qua bài phát biểu của Tổng thống Trump, giới quan sát nhận thấy Mỹ dường như đang hướng tới việc tiếp tục bảo vệ Afghanistan, đối phó với khủng bố và dùng các biện pháp quân sự nhằm gây suy yếu Taliban. Những mục tiêu này về bản chất không có sự khác biệt so với hai chính quyền tiền nhiệm. Cái mới nếu có chỉ là ông Trump biết cách “né” mang tiếng thất bại ở Afghanistan khi không nêu thời gian cụ thể chấm dứt chiến tranh và rút binh sĩ về nước để đỡ lâm vào tình trạng “nói trước bước không qua” mà ông Bush và Obama từng mắc phải.
Những ẩn họa mới
Thực tế cho thấy, cho tới nay Chính phủ Afghanistan đang phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức hơn, đặc biệt là nguy cơ đến từ chủ nghĩa khủng bố.
Taliban đang trỗi dậy mạnh mẽ, chiếm lại nhiều khu vực trên lãnh thổ Afghanistan và thường xuyên thực hiện những vụ tấn công đẫm máu. Chưa hết, tổ chức IS sau khi nếm những thất bại đau đớn ở Syria và Iraq nay đã bắt đầu tìm kiếm địa bàn mới. Afghanistan đã trở thành một nơi đặt căn cứ đầy tiềm năng.
Chính thực tế đó khiến Mỹ tới nay vẫn chần chừ vì quyết định đi hay ở. Nếu quyết “dứt áo ra đi” vào lúc này, không khác gì Washington đang tự thừa nhận thất bại, đồng thời đó cũng là cơ hội để chủ nghĩa khủng bố và các lực lượng cực đoan thêm phát triển mạnh mẽ ở Afghanistan, trái ngược với mục tiêu mà Nhà Trắng đề ra.
Bước đầu, tuyên bố về chiến lược mới của chính quyền Donald Trump được Afghanistan và một số quốc gia đồng minh hoan nghênh. Tuy nhiên, đa phần giới quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi về tương lai của Afghanistan sau bài phát biểu còn nhiều phần mơ hồ và mang tính chung chung của Tổng thống Mỹ.
Dù đề cập về mục tiêu “chiến thắng” ở Afghanistan, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ không nói rõ về chiến thắng đó, khiến người ta phải tự đặt câu hỏi, phải chăng ông đang ám chỉ việc giúp xây dựng Afghanistan dân chủ, kết liễu Taliban hay diệt sạch chủ nghĩa khủng bố?
Ông Trump đã để mở khả năng đưa Taliban tham gia giải pháp chính trị ở Afghanistan, nhưng hiện tại lực lượng này đang nắm ưu thế tại chiến trường, liệu nhóm này có sẵn sàng chấp nhận thỏa hiệp và ngồi vào bàn đàm phán? Nếu tiếp tục rầm rộ kéo quân tới Afghanistan và tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm oanh kích Taliban, IS hay al-Qaeda, điều gì đảm bảo Mỹ sẽ “chiến thắng”? Bởi thực tế 16 năm qua cho thấy “nắm đấm” của Washington chẳng hề mang lại kết quả tích cực.
Nhìn chung, cho tới nay tương lai chiến lược của Mỹ tại Afghanistan vẫn tỏ ra mơ hồ. Muốn giành “chiến thắng”, ông Trump phải nhanh chóng tìm cách thay đổi, nếu không Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ phải tiếp tục đối diện với “vũng lầy” này cho tới hết nhiệm kỳ và trao lại di sản xấu xí đó cho người kế nhiệm.
Xem thêm: Cuộc tập trận Zapad 2017 của Nga: “Quả đấm thép” khiến NATO đứng ngồi không yên
D.T