Tọa đàm là nơi trao đổi, cung cấp những thông tin hữu ích, nơi chia sẻ những kinh nghiệm về kỹ năng, thái độ để thay đổi tư duy của sinh viên và đưa ra những giải pháp tích cực để giảm tỷ lệ sinh viên thất nghiệp.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Dương Thị Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng trường đại học Công đoàn đã chỉ ra một số thực trạng: “Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, công tác xã hội đã trở thành một ngành chuyên biệt, nhưng ở Việt Nam, đây vẫn còn là một ngành mới, sinh viên chưa thực sự “bắt nhịp” được.
Trong năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến ngành công tác xã hội. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo các bậc học về công tác xã hội đang dần được triển khai tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước.
Tuy nhiên, ngành công tác xã hội tại Việt Nam mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa thực sự phát triển theo đúng ý nghĩa trên tất cả các khía cạnh. Thực tế cho thấy, đa phần nhân lực ngành chưa được đào tạo cơ bản, đội ngũ nhân viên ngành phát triển có tính tự phát, chủ yếu là các tổ chức đoàn thể… làm việc nhờ kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản, dẫn đến hiệu quả giải quyết các vấn đề cá nhân, vấn đề gia đình, xã hội không cao”.
“Hiện nay, nhân lực ngành công tác xã hội có 4 vấn đề cơ bản, làm trái ngành nghề, thiếu nhân lực trầm trọng, tuyển sinh khó khăn dù điểm tuyển sinh không cao, mức lương chưa thỏa đáng.
Nhận thức xã hội chưa đủ, chưa đúng đối với ngành công tác xã hội và thậm chí sinh viên ngồi trong trường đại học, cao đẳng vẫn còn đang “lơ mơ” về ngành nghề mình lựa chọn.
Vì vậy, cần phải thay đổi tư duy và đưa ra những giải pháp hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”, TS. Dương Thị Thanh Xuân phân tích.
Phó Hiệu trưởng trường đại học Công đoàn hy vọng buổi tọa đàm sẽ góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên; giúp giảng viên, sinh viên nhìn nhận, đánh giá và chung sức phát triển, góp phần giải quyết những phát sinh trong cuộc sống; truyền cảm hứng cho sinh viên ngành công tác xã hội, giúp sinh viên lựa chọn đúng ngành học, yên tâm rèn luyện để có thể phát triển ngành công tác xã hội”.
Ông Dương Văn Bá, Giám đốc công ty cổ phần Nhân lực quốc tế VMAT chia sẻ: “Đối với nhân lực ngành công tác xã hội, phải có niềm đam mê, tình yêu thương, sự chia sẻ, mới có thể làm tốt.
Hiện nay, doangh nghiệp chê sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng và các kỹ năng còn kém, đó là những lý do khiến sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều”.
Theo ông, nguyên nhân chủ yếu từ việc sinh viên lười học và còn ỷ lại; không có định hướng, thiếu động lực, thờ ơ; thiếu quá nhiều kỹ năng, thái độ và kiến thức cần thiết; sinh viên không định vị được bản thân; mất cân đối giữa cung và cầu lao động (đặc biệt ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh).
Chính vì vậy, sinh viên cần thay đổi tư duy ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường càng sớm càng tốt.
“Điều tiên quyết là bồi dưỡng kỹ năng và tiếng Anh, cần có đủ thời gian học và môi trường rèn luyện ngay từ trong trường đại học, nếu không chịu tận dụng ngay sẽ không còn cơ hội.
Đồng thời, sinh viên trong ngành cũng cần rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm một cách năng động và hiệu quả. Sinh viên sau khi tốt nghiệp, đi xin việc có gặp những doanh nghiệp yêu cầu từ 2 năm kinh nghiệm trở lên không? Đó chính là nhu cầu thiết yếu, sinh viên cần trải nghiệm để bồi dưỡng các kỹ năng”, ông Dương Văn Bá chia sẻ.
Thông qua buổi tọa đàm, các chuyên gia ngành công tác xã hội và cựu sinh viên chia sẻ những kinh nghiệm để sinh viên học hỏi và sẵn sàng thay đổi tư duy, thay đổi bản thân, nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm cao hơn cũng như cải thiện vị thế của ngành công tác xã hội trong thị trường lao động.