Tính đến 18h ngày 9/3/2020, Việt Nam đã phát hiện thêm một ca mới nhiễm virus SARS-COV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 là 31. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân lo lắng.
Tuy nhiên, theo BS Ngô Việt Hùng (chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Hữu nghị Việt-Tiệp) thì đây mới là một nỗi lo. PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi cùng “hiệp sĩ’ chống dịch về vấn đề này.
Ông có thể lý giải vì sao người dân lại mang tâm lý “thất thần” khi nghe đến dịch Covid-19?
Có thể, virus này phát tán rất nhanh, nhất là chúng ta đang nhìn vào thế giới, những nước tiên tiến kiềm chế sự lây lan của virus khá chậm. Người dân cũng có quyền lo sợ, nhưng đừng quá mức. Bởi, từ xưa đến nay, Việt Nam chúng ta là nước chống dịch rất giỏi.
Trong đợt dịch đầu tiên chúng ta đã chữa thành công cho 16 ca nhiễm Covid-19. Nhiều nước chống dịch không thể bằng Việt Nam vì chúng ta đã chịu những đợt dịch từ khá lâu rồi, chúng ta đã có kinh nghiệm, có sự va vấp…
Ở thời điểm hiện tại người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cần làm gì để đẩy lùi dịch bệnh?
Tôi nghĩ, cách tốt nhất là người dân cần phải bình tĩnh, lắng nghe các ý kiến, biện pháp của cơ quan chức năng về việc phòng chống dịch bệnh một cách tốt nhất.
Chỉ cần người dân tuyệt đối không di chuyển đến vùng dịch, không tiếp xúc với những người đã tiếp xúc với người bệnh, và khi di chuyển người nhiễm dịch về cần phải cách ly thật tốt vì nguồn truyền nhiễm là cái quan trọng nhất. Việc cách ly bệnh nhân nguồn cần phải đảm bảo, an toàn vì đây là “đầu mối” dịch bệnh.
Người dân nên thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế mà hàng ngày vẫn gửi vào tin nhắn điện thoại. Tôi cho rằng khuyến cáo này quá đầy đủ để người dân có thể phòng tránh dịch bệnh một cách tốt nhất, tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc như vệ sinh tay sạch sẽ, đeo khẩu trang. Người dân sử dụng khẩu trang vải, khi ra đường về giặt sạch sẽ và có thể dùng tiếp. Hãy phun thuốc khử trùng thường xuyên, nhất là bàn làm việc của một người để đảm bảo độ an toàn.
Đối với những bệnh nhân khi phát hiện ra mình là F3, F4 thì nên tự giác đi cách ly. Ví dụ như mình đang ở trung tâm vùng dịch, có biểu hiện như sổ mũi, ho khan, khó thở thì phải tự giác đến cơ quan y tế, xin cách ly hoặc cơ quan chức năng cho phép mình cách ly ở đâu, có thể trong bệnh viện hoặc tại nhà thì cũng cần phải tuân thủ.
Việc không ít người đã tích trữ lương thực vì sợ mình bị “cô lập”, theo ông điều này có cần thiết?
Tôi cho rằng người dân không cần tích trữ lương thực vì như thế nó đã gây ra một tâm lý lo sợ chứ nói gì đến việc chống dịch. Chúng ta hãy nhìn vào một Sơn Lôi kiên cường trong suốt thời gian qua, dù cách ly nhưng vẫn được cung cấp lương thực, đảm bảo đầy đủ đời sống sinh hoạt cho người dân. Và Sơn Lôi – Vĩnh Phúc đã đẩy lùi được dịch bệnh.
Là chuyên gia trong lĩnh vực chống dịch, ông có thể chia sẻ từ đâu mà chiến thắng được dịch bệnh?
Có những thời điểm dịch sốt xuất huyết, dịch hạch bùng phát cả tháng, dịch sởi kéo dài mùa đông xuân, hay như sốt xuất huyết dengue, SARS, H5N1, viêm màng não do liên cầu lợn... nhưng ngay lập tức đã có hứơng điều trị để giập dịch một cách nhanh nhất. Khi ấy, mỗi bác sĩ phải mang một tinh thần tích cực nhất góp phần vào cuộc “bao vây giập dịch” có như thế mới chiến thắng được mọi dịch bệnh.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Mai Thu