Câu chuyện cộng động mạng cả tuần qua có lẽ không có gì hot hơn anh chàng kỳ dị có nghệ danh là Tùng Sơn. Một anh chàng gàn dở, không có bất kỳ tài cán nào nhưng lại nổi như cồn vì sự nhố nhăng cực kỳ phản cảm. Chỉ sau 1 tuần xuất hiện lượng like (thích/ yêu thích) và share (chia sẻ) hình ảnh của anh chàng này cũng càn quét mạng xã hội. Những hình ảnh nhảm nhí của anh chàng này được phổ rộng khắp nơi.
Chàng trai Tùng Sơn này tên thật là Sơn Chanh Ny (sinh năm 1995, quê Trà Vinh), mang trong người hai dòng máu Việt và Campuchia. Tùng Sơn đang chấp nhận hình ảnh gàn dở và phản cảm để nhiều người nhắc đến. Anh chàng có vẻ bề ngoài xấu kinh dị này sử dụng chiêu trò không khác gì của Kenny Sang, giọng hát cũng thảm họa không kém gì Lệ Rơi. Tùng Sơn đã làm mọi cách để lôi kéo sự chú ý của mọi người đến với mình.
Chiến thuật của anh chàng này và ê kíp có vẻ như thành công mỹ mãn bởi sự vô trách nhiệm của cộng đồng mạng, mà ở đây đa phần là những người trẻ. Cũng chính việc like và share vô tội vạ đã khiến cho những giá trị nhảm nhí cứ thế được phổ biến ra cộng đồng xã hội. Trước Tùng Sơn, Lệ Rơi, Kenny Sang hay Bà Tưng (Lê Thị Huyền Anh) cũng đã càn quét mạng xã hội và trở thành người nổi tiếng bằng những chiêu trò như thế. Tiếp tay cho việc nổi tiếng này tất nhiên là đến từ việc like và share vô tội vạ.
Nhìn những hình ảnh uốn éo và những hành động kỳ dị của anh chàng được gọi là Tùng Sơn đang phổ biến ra cộng đồng mới thấy với nhu cầu nổi tiếng người ta sẵn sàng làm mọi thứ kể cả đi ngược lại những giá trị đơn thuần. Có thể trong thời gian tới, dư luận lại được chứng kiến những chia sẻ của Tùng Sơn trên sóng truyền hình, điều này rất dễ xảy ra bởi Lệ Rơi đã từng như thế. Cứ như vậy, sự tào lao trên thế giới ảo không còn là ảo nữa mà nó nhào vào đời sống thật.
Với tâm lý bắt trước, sự nổi tiếng kiểu “khủng bố” người khác như Tùng Sơn, Lệ Rơi sẽ nhanh chóng xuất hiện những phiên bản mới. Những phiên bản sau tất sẽ càng khủng khiếp hơn phiên bản cũ. Điều này quả thật nguy hiểm vô cùng.
Bên cạnh anh chàng Tùng Sơn được cộng đồng tiếp tay để sự dở hơi trở lên nổi tiếng, câu chuyện của cô bé 1000 like để đốt trường. Chính cộng đồng mạng và những người bạn đã ép cô bé làm những điều sai trái như vậy. Cô bé đó chỉ là một trong nhiều nạn nhân khác chấp nhận làm những điều sai trái thậm chí là mất mạng chỉ vì để đạt được những giá trị ảo. Sự tiếp tay một cách vô trách nhiệm của cộng đồng đã dồn ép những người ưa sống ảo, bị chi phối vào những điều sai trái.
Nhìn Tùng Sơn, Lệ Rơi, hay những cô cậu mới lớn sống ảo mới thấy trên mạng xã hội không biết đâu là đúng đâu là sai chỉ cần tạo ra sự hiếu kỳ. Với những người vô tâm, không suy nghĩ nhiều... thì đơn giản mình sẽ trở thành công cụ và tiếp tay cho sự lan truyền đó.
Thật khó để yêu cầu những quy tắc ứng xử mực thước nào đó cho mạng xã hội. Thế nhưng có lẽ đến lúc cần phải có sự giáo dục cho những người trẻ hiểu và nhận biết sự nhảm nhí để khoanh vùng nó lại. Để sự nhảm nhí ở đúng trong phạm vi mà nó thuộc về, cá nhân không thể nào nhân danh sự đùa vui hay bất cứ điều gì khác để đặt sự nhảm nhí lên một tầm mới.
Việc nhận thức sự nhảm nhí và tào lao sẽ khiến cộng đồng có trách nhiệm hơn với việc like và share. Chỉ suy nghĩ một chút thôi, sẽ nhận thức được hành động của mình, một nút like, share ấy có thể làm cho thứ nhảm nhí lên ngôi và cũng có thể cướp đi mạng sống của một con người. Hãy để những nút like hay biểu tượng hình trái tim dành cho thông tin nào đó - thể hiện sự yêu mến hành động đẹp của một con người cụ thể, với những việc làm mang hơi ấm tình người là một cách tuyên dương cái đẹp. Like và share có trách nhiệm, trong đó có like và share cái đẹp là việc mà những người tham gia mạng xã hội có ý thức đã làm.
Trần Phương
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết