Thế nhưng, ở một góc độ khác, cũng có không ít câu chuyện cảm động khi chính các anh là người cõng con của đối tượng đi cấp cứu, chăm sóc cha mẹ già của tướng cướp như chính những người thân của mình... hòng lay động, cảm hóa kẻ sát nhân hoặc trùm ma túy phải buông súng, ra đầu thú.
Lựu đạn rút chốt, vãi đạn như mưa
Mới đây, tôi vinh dự có mặt tại buổi gặp gỡ, giao lưu điển hình tiên tiến của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm do bộ Công an tổ chức. Nghe các chiến sỹ công an chia sẻ về nghề mới càng thấy cảm phục các anh hơn.
Nói như đại tá Nguyễn Thanh Hùng, trưởng phòng PC52 – công an TP.Hà Nội, khi nào đối tượng truy nã chưa bị bắt thì khi đó vụ án vẫn còn dang dở, những người lính như các anh luôn cảm thấy trăn trở, phải bằng mọi giá đưa đối tượng về quy án. Cho đến tận bây giờ, Đại tá Hùng vẫn còn nhớ rất rõ về cuộc đọ súng nảy lửa diễn ra suốt gần một tiếng đồng hồ của anh và đồng đội với tên tướng cướp khét tiếng một thời Nguyễn Quốc Trung (biệt danh là Trung “thộn”, SN 1955, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sau cuộc đấu trí nghẹt thở đó, Trung “thộn” đã bị tiêu diệt, còn các anh thì được nhân dân tung hô, ôm hôn thắm thiết.
Bằng chất giọng trầm cuốn hút, vị đại tá kể lại: “Nguyễn Quốc Trung vốn là một tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Mới mười mấy tuổi đầu, Trung đã thể hiện bản chất ngông cuồng, bất cần đời, khiến đám giang hồ đất Hà thành thời đó phải kiêng nể vài phần. Năm 17 tuổi, Trung và đồng bọn tham gia vào một vụ án giết người ở ngay ngã tư phố Huế – Nguyễn Công Trứ.
Mặc dù đã bị bắt và thi hành án phạt tù nhưng Trung vẫn tìm cách trốn trại. Trong quá trình bị truy nã về tội trốn khỏi nơi giam giữ, hắn cùng đồng bọn liên tiếp gây ra các vụ cướp tài sản táo tợn và nổ mìn giết hại một cháu bé. Nguồn tin trinh sát nắm được, Trung luôn kè kè súng và thường mang theo 4 quả lựu đạn bên mình. Hơn thế, đối tượng này vốn rất ranh ma, xảo quyệt nên việc tìm ra tung tích của hắn không hề đơn giản. Nhưng, dù khó đến đâu, anh em chúng tôi lại càng quyết tâm truy bắt bằng được. Chúng tôi tin, chính nghĩa sẽ chiến thắng”.
C52 phối hợp với các đơn vị chức năng bắt bác sỹ người Pháp bị truy nã quốc tế.
Sau rất nhiều ngày lăn lộn, lần theo manh mối, thu thập nguồn tin, tổ trinh sát dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Thanh Hùng đã xác định được Trung “thộn” đang ẩn náu tại nhà một đệ tử ở Bắc Giang. Sau khi tính toán kỹ các tình huống có thể xảy ra, lực lượng phá án được lệnh bao vây căn nhà. Tuy nhiên, đối tượng này rất tinh quái, hắn đã kịp tẩu thoát sang ngôi nhà hàng xóm bên cạnh. Khi các chiến sỹ công an khép kín vòng vây, kêu gọi Trung đầu hàng trong vòng 30 phút nhưng hắn vẫn hung hăng như một con thú dữ, liên tiếp nhả đạn về phía tổ công tác. Chưa dừng ở đó, một tiếng nổ chát chúa vang lên, rất may là không có ai bị thương nặng.
Thực ra, lúc đó, Trung ném 2 quả lựu đạn, nhưng chỉ có 1 quả phát nổ, quả còn lại bị mắc trên dây buộc màn. Trung lao người ra vị trí khác trên gác xép để ẩn nấp. Một tiếng “kịch” kêu lên từ dưới nền nhà của tầng 1, chỉ cách trước mặt đồng chí Thanh Hùng khoảng 2m, đó là quả lựu đạn thứ ba Trung ném về phía công an, nhưng thật may nó không phát nổ. Lúc này, Trung “thộn” điên cuồng nhả cả băng đạn AK về phía trước, tên tướng cướp một tay cầm súng, tay kia cầm lựu đạn đã rút chốt lao người ra hòng tẩu thoát, tuy nhiên, vì trúng đạn vào cánh tay trái nên hắn ngã vật xuống đất, nằm đè lên quả lựu đạn. Cuộc đời tên tướng cướp hung tàn kết thúc khi quả lựu đạn phát nổ.
“Trong từng trận chiến đấu với tội phạm, chúng tôi xác định phải rèn luyện để có được bản lĩnh tỉnh táo, xử lý tình huống linh hoạt thì cơ may chiến thắng sẽ cao”, đại tá Thanh Hùng chia sẻ.
Hạ gục tướng cướp “sở hữu” 5 lệnh truy nã
Trung tá Mai Thanh Giao, cán bộ PC52 – công an tỉnh Đồng Nai tâm sự: “Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả mà “lính truy nã” luôn luôn phải đối mặt. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm, vì sự bình yên của nhân dân, đơn vị chúng tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Còn nhớ, có lần nhận lệnh truy bắt đối tượng Võ Hoàng Điệp (“sở hữu” 5 lệnh truy nã, luôn mang theo vũ khí nóng), Trung tá Giao và đồng đội lập tức lên đường. Thông tin xác định, Điệp mua nhà tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai để chung sống cùng vợ bé và đứa con nhỏ. Khi tổ công tác bao vây ngôi nhà và kêu gọi đầu thú, Điệp đóng cửa cố thủ bên trong.
Sau đó, tên tướng cướp cầm súng bắn như vãi đạn ra bên ngoài. Ba phát súng chỉ thiên của lực lượng phá án vang lên, tiếp tục kêu gọi Điệp đầu hàng. Thật không ngờ, hắn đạp cửa xông ra, tay gí súng vào đầu cô vợ bé đang bồng con nhỏ, miệng hét lớn: “Các ông không tránh ra, tôi sẽ giết hai mẹ con con này”. Trong tình huống đó, lực lượng phá án vừa phải bí mật khép chặt vòng vây để bảo vệ con tin, vừa phải tìm cách thương lượng với đối tượng. Cho đến khi có cơ hội tiếp cận, các trinh sát giỏi võ thuật đã nhanh chóng ập đến, khống chế đối tượng. Khám xét nhà hắn, cơ quan điều tra thu giữ nhiều loại súng, mã tấu.
Được ví như “người hùng” của vùng đất Tây Nguyên đại ngàn, đại tá Văn Ngọc Thi – Trưởng phòng PC52 công an tỉnh Đắk Lắk từ lâu đã trở thành “khắc tinh của tội phạm”. Thế nhưng, trong những giây phút bình dị đời thường, nếu ai đó có dịp tiếp xúc với anh đều cảm nhận được sự chân tình, mộc mạc, đôi lúc pha chút hài hước, hóm hỉnh. Kể từ khi được giao nhiệm vụ về làm lãnh đạo phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, đích thân anh đã nhiều lần “cầm quân ra trận”, bắt gọn những đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Không ít lần, anh và đồng đội bị chúng chống trả quyết liệt, đạn bay trượt qua gáy là chuyện thường tình. Thế nhưng, hễ nghe ở đâu có thông tin về đối tượng cần truy bắt là các anh lại không quản ngày đêm, nắng gió, lại lập tức vác ba lô lên đường.
Lạ thay “mặt sắt” cũng ngây vì tình
Chia sẻ về nghề, đại tá Nguyễn Văn Hưng, trưởng phòng 3 – C52 cho biết: “Trước khi tiến hành bắt giữ các đối tượng, chúng tôi thường dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của đối tượng cũng như các mối quan hệ và hoàn cảnh riêng của họ. Từ đó, động viên, kêu gọi họ ra đầu thú”.
Nói về điều này, thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, cục trưởng cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52 – bộ Công an) tâm sự: “Chúng tôi luôn tâm niệm, nổ súng chỉ là biện pháp cuối cùng. Nếu trường hợp phạm tội nào mà chúng tôi có thể tiếp cận gia đình, bản thân họ để vận động đầu thú thì nhất định chúng tôi sẽ làm. Thậm chí, có trường hợp, bản thân anh ta là một tướng cướp rất lạnh lùng, sẵn sàng “xử mạnh tay” nếu nạn nhân dám kháng cự, thế nhưng, khi tìm hiểu, anh em trinh sát phát hiện, tướng cướp đó lại là một đứa con rất hiếu thảo với mẹ. Khi mẹ đối tượng ốm nặng, không có người thân bên cạnh chăm sóc, chính các cán bộ công an đã thay nhau chăm sóc bà.
Sau khi đối tượng bị truy nã biết mẹ mình được cán bộ công an đưa vào viện thăm khám, chăm lo cho bà từng bữa ăn..., đã chủ động ra đầu thú. Khi gặp mẹ, anh ta đã khóc rất nhiều và hứa sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về phụng dưỡng bà. Lại có trường hợp khác, khi đối tượng bỏ trốn, vợ còn đang mang bầu, sau đó vài năm, anh ta rất nhớ vợ, nhớ con và chủ động liên hệ qua đường dây nóng của cảnh sát truy nã, xin “ân huệ” là được gặp mặt vợ con một lần trước khi ra đầu thú. Anh này sau đó đã cải tạo rất tốt”.
Những “diễn viên” không đứng trên sân khấu Những chiến công trên chỉ là lát cắt trong hàng vạn chiến công xuất sắc khác mà lực lượng cảnh sát truy nã xứng đáng được vinh danh. Người ta vẫn thường ví von cuộc đọ súng của các anh với những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm giống như một “vai diễn sinh tử”, thế nhưng ở “vai diễn” này khác với vai diễn trên sân khấu đó là sự hy sinh thầm lặng, không có ánh đèn flash… |
Chí Công