Được coi là nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro, những người lính cứu hỏa không chỉ áp lực về mặt thời gian mà còn phải đánh đổi nhiều thứ. Để hiểu hơn về công việc của những người lính cứu hỏa, PV báo Người Đưa Tin đã tìm đến phòng Cảnh sát PCCC số 3 (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội).
Chúng tôi gặp Thiếu tá Đặng Anh Quân (Đội trưởng đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, phòng Cảnh sát PCCC số 3), nụ cười hiền lành, giọng nói trầm ấm, Thiếu tá Quân cho biết, anh theo nghề cứu hỏa tính đến nay đã được 20 năm.
“Nghề nào cũng có vất vả riêng, công việc của chúng tôi áp lực về mặt thời gian khi phải trực chiến 24/24, có hôm đang ăn phải bỏ dở bát cơm để chạy đi làm nhiệm vụ. Chưa kể, nắng nóng kéo dài, số vụ cháy, chập điện xảy ra liên tục khiến công việc của chúng tôi tăng lên gấp bội. Tuy nhiên, càng làm tôi thấy càng yêu nghề, nhất là khi công việc này góp một phần bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân”, Thiếu tá Quân chia sẻ.
Với Thiếu tá Đặng Anh Quân suốt 20 năm theo nghề, có mặt ở hàng trăm “trận chiến”, đối mặt với vô số loại “giặc lửa”, anh Quân chẳng nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần bị bỏng tay chân, da trầy xước,... Thế nhưng, sự can đảm như đã ăn sâu vào con người của anh. Chẳng chút mảy may lo sợ hay nản lòng dù ngọn lửa có nóng và lớn đến đâu. Anh Quân bảo, đối với nghề này, không có vết thương mới là chuyện lạ chứ trầy xước như này là chuyện thường ngày... ở huyện.
“Chúng tôi đều được trang bị các dụng cụ đảm bảo an toàn khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, có nhảy vào trong đám lửa đang cháy nghi ngút mới thấy đáng sợ đến mức nào. Cũng có đồng nghiệp của chúng tôi đeo bình thở nhưng bị sốc phải nằm cấp cứu do ngạt khí. Hay như có người đang làm nhiệm vụ chạy nhanh trượt chân ngã trong cầu thang phải nằm viện”, anh Quân cho biết thêm.
Tiếp lời Thiếu tá Quân, Trung úy Nguyễn Phương Đông (SN 1990) có 7 năm kinh nghiệm, chia sẻ về cơ duyên đưa anh đến với nghề PCCC: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã thần tượng hình ảnh những người lính phòng cháy chữa cháy khoác trên mình bộ quần áo xanh thẫm xuất hiện như những vị “anh hùng”. Họ lao vào biển lửa cứu người, cứu tài sản cho nhân dân... Khi đó, tôi cảm phục vô cùng.
Tiếp đó, năm tôi học cấp 2, gần nhà xảy ra vụ cháy cỏ, vì sợ lửa bén sang những ngôi nhà gỗ, người dân hoảng hốt hò nhau dập lửa. Đúng lúc, những chú cảnh sát PCCC xuất hiện, dập tắt đám cháy một cách nhanh chóng và được người dân hết lời cảm ơn. Từ đó, hình ảnh những chú chiến sĩ PCCC đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, thôi thúc tôi phấn đấu trở thành một người chiến sĩ PCCC”.
Khi vào nghề, Trung úy Nguyễn Phương Đông mới thấu hiểu, theo nghề cứu hỏa anh phải chấp nhận và từ bỏ nhiều thứ như tạm gác những lần hẹn hò, vui chơi cùng bạn bè...
“Nhiều khi nghĩ cũng chạnh lòng, cứ đến dịp lễ Tết nhìn dòng xe đi lại đông đúc, mọi người đưa nhau đi sắm sửa, vui chơi mà lòng buồn rười rượi. Tôi tự hỏi không biết mẹ ở nhà đã sắm sửa được gì chưa? Đã gói bánh chưng chưa? Không biết cây đào, cây quất nở hoa ra sao?... Biết bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu, thương mẹ ở nhà vất vả chuẩn bị mà tôi không về giúp mẹ được”, Trung úy Đông bày tỏ nỗi lòng.
Thiếu tá Đặng Anh Quân cũng chia sẻ, đôi khi anh cảm thấy có lỗi vì không có nhiều thời gian dành cho gia đình. “Tôi thấy thương vợ con vô bờ bến, đặc biệt mỗi dịp lễ Tết khi tôi không thể ở nhà đón giao thừa cùng gia đình. Có hôm, nghĩ về vợ con mà nước mắt rơi lúc nào không biết. Nói chung, khi đã theo nghề phải chấp nhận đánh đổi”, Thiếu tá Anh Quân nói.
Không chỉ có Thiếu tá Đặng Anh Quân hay Trung úy Nguyễn Phương Đông, mà Thiếu úy Nguyễn Văn Thuật (SN 1989), cho biết mình cũng đồng cảm với nỗi buồn của đồng nghiệp: “Vợ tôi sắp sinh bé thứ 2, mỗi lần đi công tác tôi thường xuyên gọi điện an ủi để cô ấy an tâm. Nghĩ cũng thương lắm, vì cô ấy bầu bí, nhưng tôi chưa được ở nhà một ngày trọn vẹn. Tôi cũng muốn ở bên chăm sóc cho vợ con, nhưng vì yêu cầu của công việc nên tôi đành chấp nhận”.
(Còn nữa)
Thanh Lam - Nguyễn Lâm