Đối với chính phủ Philippines, những người lính thủy quân lục chiến này là những anh hùng. Tướng Guerrero gọi họ là những "hậu vệ" bảo vệ bãi Ayungin (tên gọi Bãi Cỏ Mây của Việt Nam do Philippines đặt và hiện đang kiểm soát trái phép) trước sự rình rập của Trung Quốc.
Tờ Inquirer Philippines ngày 30/6 đưa tin, Tư lệnh Bộ tư lệnh miền Tây Philippines Trung tướng Rustico Guerrero tuần trước đã quyết định tặng huy chương Bronze Cross cho những người lính thủy quân lục chiến đã chốt giữ ở Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cả Philippines, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố "chủ quyền").
Huân chương Bronze Cross là một phần thưởng dành cho những người lính đã hi sinh cuộc sống của mình và gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm trong khi thực hiện nhiệm vụ chứ không phải trong chiến đấu thực tế.
Tàu hải quân cũ Philippines đặt ở bãi Cỏ Mây
Những người lính này đồn trú trên xác chiếc tàu đổ bộ Philippines đánh chìm năm 1999 ngoài Bãi Cỏ Mây, án ngữ lối vào Bãi Cỏ Rong (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cả Philippines, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền), nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục bành trướng về phía Đông quần đảo Trường Sa từ Bãi Vành Khăn.
Hội đồng khen thưởng Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines nhấn mạnh "tinh thần trách nhiệm" của những người lính này trong việc thận trọng theo dõi sự hiện diện (trái phép) liên tục và các hoạt động (phi pháp) của tàu Trung Quốc ở khu vực Bãi Cỏ Mây, báo cáo họ gửi về giúp Bộ Quốc phòng và chính phủ Philippines đánh giá kịp thời tình hình ngoài thực địa.
Sau khi nhận được báo cáo từ lực lượng đồn trú ngoài Bãi Cỏ Mây về hoạt động trái phép của tàu Trung Quốc ở đây, Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines sẽ phái tàu hải quân ra xác minh.
Mặc dù Hải giám Trung Quốc liên tục có những lời lẽ đe dọa trên bảng điện tử nhằm vào những người lính thủy quân lục chiến Philippines đồn trú ở Bãi Cỏ Mây, nhưng họ vẫn bình tĩnh và tập trung vào nhiệm vụ mà không tỏ ra sợ hãi trước tàu Trung Quốc.
Tuy nhiên do những người lính này phải liên tục ăn các loại hải sản, thiếu rau xanh nên bị suy dinh dưỡng và một số rủi ro khác về sức khỏe do điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Trước đó, khi căng thẳng liên tục leo thang ở bãi Cỏ Mây, Philippines lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tìm mọi cách "đẩy" lực lượng của Philippines ra khỏi khu vực này.
Chính quyền Philippines cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ sau khi 3 tàu Trung Quốc, trong đó có 1 tàu chiến hải quân cùng bao vây và chỉ cách con tàu vận tải của Philippines đặt ở bãi này từ năm 1999 khoảng 5 hải lý.
Các quan chức Philippines lo lắng rằng các con tàu của Trung Quốc sẽ chặn đường tiếp tế cho khoảng hơn 10 lính thủy đánh bộ Philippines đóng trên con tàu hải quân của nước này khiến tình hình sẽ càng trở nên căng thẳng hơn.
Phát ngôn viên Hải quân Philippines Edgardo Arevalo cho biết, đến hôm 28/5, 2 tàu hải giám Trung Quốc vẫn ở lại bãi Cỏ Mây còn các tàu đánh cá và tàu chiến hải quân đã rời đi.
“Sự hiện diện của những con tàu này là mối nguy hiểm rất rõ ràng và hiện hữu”, một quan chức hải quân Philippines khác nhận xét. Ông cho biết Philippines nhận định rằng Trung Quốc đang tìm mọi cách ép Philippines rời bãi Cỏ Mây.
“Chúng tôi không muốn sáng ra thức dậy mà đã thấy một cơ sở mới được đặt ngay cạnh tàu hải quân của chúng tôi ở bãi Cỏ Mây. Chúng tôi sẽ phải chuẩn bị súng đạn và củng cố vị thế của mình ở đó nếu không sẽ có nguy cơ đánh mất khu vực này”, vị quan chức này khẳng định.
Ian Storey, chuyên gia của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho rằng tình hình căng thẳng ở bãi Cỏ Mây có thể sẽ nguy hiểm hơn vụ đối đầu Trung Quốc – Philippines tại bãi cạn Scarborough hồi năm ngoái.
Theo Đất Việt