Năm 2003, trâu vàng đã được chọn là linh vật vui khi Việt Nam lần đầu tiên đăng cai ngày hội lớn nhất của thể thao khu vực - SEA Games lần thứ 22. 18 năm sau, chúng ta lần thứ hai có vinh dự được đăng cai kỳ SEA Games lần thứ 31. Ở SEA Games 31, Sao La chính là linh vật được lựa chọn để thay thế cho “người tiền nhiệm” Trâu vàng để đồng hành với các VĐV, NHM xuyên suốt kỳ đại hội này. Nhân dịp đầu Xuân, PV đã có cuộc trao đổi với họa sĩ vẽ tác phẩm Sao La được chọn làm linh vật SEA Games.
Sứ mệnh đặc biệt
Người hâm mộ (NHM) Đông Nam Á đã rất quen thuộc với hình ảnh những linh vật đáng yêu, ngộ nghĩnh với nhiều hình dáng, hành động khác nhau ở mỗi kỳ SEA Gamse. Những linh vật ấy không chỉ là biểu tượng vui, nó còn mang sứ mệnh đặc biệt quan trọng, là thể hiện rõ nét văn hoá của quốc giađăng cai.
Còn nhớ, ở SEA Games 22 năm 2003, chúng ta vinh dự là nước chủ nhà ở kỳ đại hội này. Vì lần đầu tiên được đăng cai một kỳ đại hội lớn nhất khu vực nên tiêu chí để lựa chọn linh vật vui vô cùng kỹ lưỡng. Cuối cùng, hình tượng Trâu Vàng được cách điệu trong chiếc khố đỏ do họa sĩ Nguyễn Thái Hùng thiết kế nhận được sự đồng thuận cao của hội đồng giám khảo cũng như NHM cả nước.
Bởi lẽ hình ảnh con trâu gắn liền với biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Nó biểu trưng cho sự gần gũi, thân mật của người dân Việt Nam nói riêng và người dân các nước Đông Nam Á trong nền văn minh lúa nước. Ngoài ra, Trâu vàng còn liên quan mật thiết đến hình tượng “Kim Ngưu” trong văn hóa dân gian Việt Nam.
Nó biểu trưng cho sự ấm no, hạnh phúc cùng khát vọng về mùa màng bội thu. Có thể nói, hình tượng Trâu Vàng trở thành biểu tượng cho sự thành công cho SEA Games 22 cũng như con người và đất nước Việt Nam hòa bình, hữu nghị.
18 năm sau, khi Việt Nam lần thứ hai vinh dự là nước chủ nhà của đại hội thể thao lớn nhất khu vực Người dân Việt Nam vẫn quan tâm đặc biệt đến đấu trường này thông qua cuộc thi sáng tác linh vật, logo, khẩu hiệu và bài hát cho SEA Games 31. Cuộc thi kéo dài gần hai năm với hàng nghìn tác phẩm dự thi, Sao La là cái tên có vinh dự trở thành linh vật tại kỳ SEA Games 31 sắp tới.
Sao La sẽ thay thế “người tiền nhiệm” Trâu vàng” mang sứ mạng giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế khi SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam.
Linh vật Sao La trong lòng người họa sĩ tài năng
Dù Sao La đã chính thức được Tổng cục Thể dục thể thao công bố là linh vật chính thức của SEA Games 31. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ lý do và ý nghĩa của linh vật này.
Vào một buổi sáng cuối Đông, Phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật hẹn gặp “cha đẻ” của linh vật này, họa sĩ Ngô Xuân Ngôi để lắng nghe và hiểu rõ hơn về lý do cũng như những trăn trở của ông về linh vật thường được ví với cái tên: “Kỳ lân Châu á”.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi khiến chúng tôi thực sự ấn tượng bởi khuôn mặt hiền hậu, mái tóc bổ luống lãng tử cùng nụ cười tươi luôn nở trên môi. Tâm sự với chúng tôi, họa sĩ Ngô Xuân Khôi không giấu nổi sự bất ngờ, xúc động cùng niềm hạnh phúc khi được trao Giải nhất trong cuộc thi sáng tác biểu tượng vui (mascot) cho SEA Games 31.
“Tôi thực sự bất ngờ bởi thông thường, vẽ logo và đặc biệt là linh vật là thế mạnh của các họa sĩ trẻ. Tôi là người đã có tuổi nhưng lại vinh dự đạt được giải nhất. Xúc động hơn nữa là bởi, tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Miền Trung, đây cũng là nơi Sao La được phát hiện năm 1992”, ông Khôi hồn hậu chia sẻ. Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết, ông tình cờ biết đến cuộc thi sáng tác biểu tượng vui cho SEA Games 31 qua các phương tiện thông tin đại chúng. Việc đăng ký tham dự sáng tác biểu tượng cho một kỳ đại hội thể thao lớn của khu vực được tổ chức ở Việt Nam là vinh dự và cũng là trách nhiệm của các họa sĩ.
“Sau khi thấy thông báo cuộc thi, tôi bắt đầu tìm hiểu, suy nghĩ. Tình cờ, tôi nhớ lại một thông tin mình đã đọc cách đây gần 30 năm là Việt Nam có Sao La. Những thông tin về loài động vật này khiến tôi thấy thú vị và tâm đắc nên bắt tay vào thể hiện nó dưới hình thức đồ họa”, họa sĩ Khôi chia sẻ lý do lựa chọn Sao La để dự thi.
Theo ông Khôi, sáng tác biểu tượng vui là việc không hề dễ dàng. Việc này khác hoàn toàn so với việc vẽ minh họa cho báo chí, hay thiết kế bìa sách. Ông cho rằng để có thể vẽ được biểu tượng vui đòi hỏi ngôn ngữ đồ họa cô đọng, nhiều chất trí tuệ. '
“Nếu vẽ minh họa, chỉ cần đọc truyện, hiểu rõ câu chuyện là có thể vẽ được. Để vẽ biểu tượng vui lại đòi hiểu nhiều yếu tố như làm sao để lột tả được sắc thái, đặc điểm nhận dạng của con vật mình thể hiện. Tính biểu tượng, hồn cốt của văn hóa Việt là điều rất quan trọng” ông Khôi cho biết yếu tố cốt lõi để có thể vẽ được biểu tượng vui. Với họa sĩ Ngô Xuân Khôi, thời gian để ông tìm hiểu, chỉnh sửa rồi thể hiện để có được bài dự thi đầu tiên là không nhiều bởi cuộc thi này phát động trong thời gian ngắn.
Sau khi hội đồng giám khảo lựa chọn được 3 con vật vào vòng cuối cùng, ông mới có nhiều thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa: “Để có được tác phẩm cuối cùng, tôi đã vẽ hàng trăm bức khác nhau dưới sự góp ý, chỉnh sửa của BTC, Hội đồng tuyển chọn.
Chia sẻ về lý do lựa chọn Sao La, ông Khôi cho biết, đây là động vật quý hiếm lại gắn liền với quê hương nên ông đặc biệt quan tâm: “ Việc phát hiện Sao La ở miền Trung Việt Nam đã làmchấn động giới sinh học thế giới. Tôi nhớ đến Thế vận hội Bắc Kinh (Trung Quốc), họ đã chọn gấu trúc làm biểu tượng vui nên tôi nghĩ Sao La của Việt Nam hoàn toàn xứng đáng. Sau đó tôi mất khoảng hai tuần để làm phác thảo và hoàn thiện mẫu để kịp gửi dự thi”.
Dù rất hào hứng và tâm huyết với Sao La và cuộc thi này nhưng không ít lần ông Khôi cũng cảm thấy nản lòng: “Cuộc thi này diễn ra trong quãng thời gian rất dài, nhiều lúc tôi thấy nản bởi tôi cảm thấy cuộc thi này giống như không có hồi kết”. Dù có lúc trùng lòng nhưng với họa sĩ Ngô Xuân Khôi, chính Sao La là động lực, nguồn cảm hứng để ông cố gắng nỗ lực qua từng nét bút. Cuối cùng, những nỗ lực ấy đã giúp ông giành trái ngọt.
Khi được hỏi, tại sao không lựa chọn con trâu làm biểu tượng vui cho SEA Games lần này nhưng phá cách hơn so với kỳ đại hội thể thao trước, ông Khôi cho biết: “SEA Games lần trước, con trâu trở thành biểu tượng, tôi thấy quá hợp lý bởi nó đúng với văn hóa, truyền thống của người Việt nói chung và người dân Đông Nam Á. Tôi không vẽ lại hình ảnh con trâu vì tôi nghĩ họ sẽ không dùng hình tượng con trâu một lần nữa”. Thời gian qua, hình tượng Sao La được tổ chức bảo vệ động vật làm ra để mô phỏng khiến nhiều người lầm tưởng đây là những bộ quần áo sẽ sử dụng tại SEA Games 31.
Vì thế không ít lời chê bai đổ dồn về hình tượng Sao La. Về vấn đề này, ông Khôi khẳng định, đây chưa phải là hình tượng cuối: “Tôi thấy cũng bình thường thôi. Linh vật Trâu Vàng ở SEA Games 22 cũng phải đối mặt với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Tất nhiên, khi ấy các trang mạng xã hội hay truyền thông chưa phổ biến và mạnh mẽ như bây giờ nhưng qua thử thách về thời gian, người dân mới thấy được sự lựa chọn ấy là đúng đắn. Tôi tin chắc rằng Sao La sẽ đứng vững”. “Có người nhận xét: Nhìn mẫu Sao La là biểu tượng vui SEA Games 31 thấy thấp thoáng hương vị dân gian, cụ thể là cái gì rất khó chỉ rõ nhưng có cảm tưởng như Sa la là nhân vật bước ra từ một sân khấu múa rối nước nào đó. Không lai căng, không lai tạp, đó là một thành công, một giá trị”, ông Khôi hào hứng nói.
Tôi kỳ vọng, qua hình tượng này, người ta thấy được hình ảnh một đất nước Việt Nam vừa mạnh mẽ thông minh và cao thượng. Qua hình tượng Sao La, với bạn bè quốc tế, với người dân Việt Nam hay các VĐV, khi họ trở về sẽ lan tỏa hình ảnh Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi. Thông qua đó, mọi người có ý thức hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ Sao La, con vật quý hiếm, đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam.