Linh vật và thần giữ của

Linh vật và thần giữ của

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Chôn của cải châu báu cùng với người sống làm thần giữ của là một phương thức khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, không chỉ chôn người, có khi người ta còn chôn theo cả những con vật quen thuộc với đời sống hàng ngày nhưng mang tính linh thiêng như: Trăn, rắn, mèo đen, chó mực, lợn, gà... Việc làm này giống như hình thức bổ trợ hay thêm một lần khóa để việc giải mã kho báu càng trở nên khó khăn và sự bảo toàn sau này giao đúng người, đúng của cũng được đảm bảo hơn.

Sự kiện - Linh vật và thần giữ củaLợn đá được gắn với những câu chuyện kỳ bí.

Chuyện kể về những linh vật kỳ bí

May mắn cho chúng tôi khi tìm hiểu về những linh vật có liên quan tới truyền thuyết về thần giữ của là việc gặp được cụ N.T.D ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Năm nay cụ D đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và nhớ rất rõ những câu chuyện thời còn trẻ của cụ. Chúng tôi được cụ kể cho một câu chuyện lạ như sau (tất nhiên chưa được kiểm chứng).

Hồi đó, nhà cụ D sống ở phố Hàng Đường - nơi buôn bán sầm uất của Hà Nội. Ngày còn nhỏ, mỗi khi quấy cha mẹ, cụ thường bị các cụ dọa, chỉ về một ngôi nhà bỏ hoang trong phố với một câu chuyện về đàn chó mèo ma đêm đêm vẫn chạy quanh đó.

Lớn lên, khi đã có chút hiểu biết thì cụ mới được cha mẹ kể cho nghe về sự tích của ngôi nhà. Số là, sau khi Cách mạng Tháng tám, một số gia đình các thương nhân giàu có trong phố đã làm một cuộc di cư lớn.

Vì là những gia đình có truyền thống buôn bán nhiều đời nên họ đã tích lũy được một số của cải lớn từ đời ông, đời cha truyền lại. Số của cải này được chôn giấu ngay chính trên mảnh đất họ sinh sống và làm ăn.

Đến thời điểm này, họ vội vã đào kho báu lên để mang theo. Nhưng có một gia đình làm nghề sản xuất nước mắm gặp phải sự lạ, khi đào lên thì những hũ vàng hũ bạc của gia đình đều rỗng không. Họ không tin rằng toàn bộ số vàng này đã bị trộm khoắng bởi nhiều hũ vàng được chôn trên chính phòng ngủ của gia chủ.

Vì vội vàng, gia đình thương nhân nọ cũng không thể điều tra thêm, họ chỉ gom góp tất cả những thứ có thể để mang theo trong cuộc vượt biển. Đồng thời, họ cắt cử gia nhân ở lại trông nhà cửa để nếu có điều kiện thuận lợi, họ sẽ trở về làm ăn buôn bán như cũ.

Khi chỉ còn những người gia nhân ở lại trong căn nhà rộng thênh thang thì bắt đầu có chuyện. Đêm đêm, trên đường phố cứ có hàng đàn chó mèo đói chạy sủa khắp nơi. Dưới ánh trăng, trông chúng như dát vàng dát bạc. Nghe tiếng sủa thê lương thế, những người thương tình đem thức ăn cho đàn chó mèo ăn nhưng chúng đều lắc đầu bỏ chạy như lo sợ ăn phải đồ độc.

Đặc biệt trong sân nhà người thương gia nọ, những con thú đói cứ bò lên mái nhà mà tru, kêu gào cho tới tảng sáng thì biến mất? Sự việc lặp lại một thời gian khiến những người gia nhân sống trong căn nhà đó sợ hãi bỏ đi. Còn những gia đình xung quanh thì tối đến khóa chặt cửa không đi ra ngoài, thậm chí khi trẻ con khóc cũng phải dè chừng.

Về sau, ngôi nhà trở nên hoang phế, tiêu điều do không có người chăm sóc, bị mưa nắng gió bão làm sập đi. Chỗ đất đó giờ cũng đã biến thành một khu buôn bán sầm uất. Không hiểu những người tiểu thương về sau kinh doanh trên đất đó có làm lễ tạ gì không nhưng không thấy đàn chó mèo đói xuất hiện quấy phá nữa. Tuy vậy, ấn tượng thì vẫn còn. Thỉnh thoảng, đêm đêm nghe tiếng chó cắn, mèo gào, một số người già vẫn giật mình...

Những người dân sống gần núi Trà Trâu, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã phát hiện ra một ngôi mộ cổ được xây cất rất kiên cố ẩn sâu trong núi. Nghi ngờ ngôi mộ là một hầm giữ của do người Tàu để lại, bị yểm bùa nên bà con không ai dám khai quật, sợ bị thần vật thì tan cửa nát nhà.

Trước hầm ấy có một bụi tre um tùm không biết mọc từ đời nào. Cứ mỗi đêm trăng sáng đứng bóng, một đàn lợn vàng khoảng hơn chục con nối đuôi nhau đùa giỡn trên núi Trà Trâu, gần khu mộ. Trong số đó, có con lợn cuối đàn hình như bị què, chậm chạp theo sau. Nhiều người từng nhìn thấy đã đuổi theo nhưng đàn lợn đều biến mất. Nhiều tay săn đồ cổ, có cả đội săn lùng kho báu nghe tiếng cũng lặn lội từ Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, đến lùng bắt, nhưng mỗi lần họ xuất hiện, đàn lợn đều biến mất.

Tương truyền, trước đây trên núi có một đôi rắn hổ mang to như thân cây, đầu có mào rất dữ tợn nằm vo tròn canh hai bên cống hầm. Lạ một điều là đôi rắn không làm hại những người đi qua đó bao giờ, chúng chỉ đe dọa những ai có ý định xâm phạm cửa hầm mà thôi.

Câu chuyện được nhiều người trong thôn truyền đi truyền lại rồi theo những người đi xa đồn thổi khắp nơi. Có những nhà khoa học đã tìm đến, khảo cứu và quan sát ngôi mộ nhưng hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng về thần giữ của trên núi Trà Trâu.

Sự kiện - Linh vật và thần giữ của (Hình 2).Chó là một trong những linh vật thường xuất hiện trong các truyền thuyết về thần giữ của.

Vai trò của linh vật...

Chuyện về đàn lợn vàng có con lợn què ở cuối đàn khiến nhiều người liên tưởng tới vài câu chuyện về trả ơn của thần và vật qua các sách báo trước kia cũng như những câu chuyện còn lưu truyền trong dân gian.

Truyện thường có hai phần: Thử thách và trả ơn. Nhân vật chính trong truyện thường là những người dân nghèo khốn khó nhưng có lòng tốt được thần hiện lên để thử thách. Thần thường xuất hiện dưới dạng một ông lão, một người ăn mày, một cô gái nghèo, một người bệnh tật.

Sau khi kiểm chứng được con người có thực tốt như những lời đồn đại hay không, thần sẽ chỉ cho người ấy cách để có được kho báu. Có khi thần cho toàn bộ số vàng bạc có được như trong chuyện hai anh em có con chó trắng chỉ có 3 chân trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.

Cũng có khi thần chỉ cho họ một phần rất nhỏ trong số của cải mà thần canh giữ: Con gà què cuối đàn, con lợn chậm chạp nhất, con vịt bị mắc lại, đều là những con vật thiếu hụt, thể hiện cho thứ gọi là lộc rơi, của rớt, là một phần rất nhỏ của cải mà thần có. Điều này xứng đáng với công sức và lòng tốt của người được của, do chính thần định giá mà quyết định.

Chuyện những con lợn đá, chó đá đi lại trong đêm ở những nơi ít nhiều linh thiêng và nghi hoặc có của thường xuất hiện nhiều hơn so với chuyện về các con vật khác như mèo, gà, trâu... Có sự đặc biệt như vậy là do mức độ gần gũi và sự chú trọng của con người so với những con vật này.

Từ xưa, người Việt đã có thói quen tạc tượng những con vật như chó đá, kỳ lân đá, rồng đá, rắn ở những nơi thờ phụng, linh thiêng. Đặc biệt con chó lại là vật mang tính giữ nhà của cả người Việt lẫn người Hoa nên lại càng được chú trọng. Rắn là con vật tinh thông và nguy hiểm nên cũng xuất hiện với tần suất lớn.

Riêng rồng, kỳ lân là những con vật thiêng nhưng lại gắn với những gì chính đạo, vua chúa nên chuyện liên quan tới tà thuật, các con vật này hầu như không có xuất hiện. Mèo tuy gần gũi với người nhưng lại là giống không có tính thủy chung cao nên cũng không được để ý nhiều. Gà và vịt vốn chỉ phát triển trong sản xuất, tăng gia nên nếu xuất hiện cũng chỉ manh mún, nhỏ lẻ như chuyện chàng ngốc đổi cho thần nắm cơm và được thần trả nghĩa.

Vai trò của những con vật vốn quen thuộc với người dân khi gắn với những câu chuyện huyền bí thì đã trở thành những linh vật có ít nhiều phép thuật, có tác dụng bổ trợ cho hệ thống bảo vệ kho báu. Theo quan niệm của các thầy phù thủy, khi thần giữ của đã được chỉ định thì thần có toàn quyền hành bổ sung và tuyển lính cho mình, bao gồm cả âm binh và thú vật.

Những con vật thiêng tuy quyền năng không cao bằng thần và âm binh nhưng có tác dụng như lớp lá chắn bảo vệ kho báu. Cũng có khi linh vật này được sử dụng trực tiếp trong quá trình thực hành phép thuật của buổi lễ như mèo đen, chó mực, gà trống, là những con vật thường đi kèm với ma thuật và bùa chú, người chết.

Quan niệm thần cho người một trong số các con vật này là do thần bị bỏ đói lâu ngày hoặc lời ước hẹn với chủ nhân kho báu đã qua lâu, thần có quyền định đoạt, đổi chác trong khả năng của mình mà không vi phạm luật.

Trầm Ngải

(Còn nữa)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.