Đánh giá rất công tâm, khách quan
Chiều 25/10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH đã có những chia sẻ với báo chí về kết quả cũng như ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm.
ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) chia sẻ Quốc hội đã hoàn thành một trong những công việc rất quan trọng đó là quyền giám sát tối cao thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm 44 vị trí do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm hôm nay đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của Văn phòng Quốc hội, đặc biệt đã có nhữngchuẩn bị cả về mặt tài liệu, văn bản và ra những quy định rất chặt chẽ.
“Chúng tôi là những ĐBQH lần đầu được làm nhiệm vụ quan trọng là tích phiếu, cảm giác rất vinh dự và trách nhiệm. Tôi quan sát thấy rằng các ĐBQH đã có những đánh giá trên cơ sở, kết quả được công khai. Các ĐBQH đã đánh giá rất công tâm, khách quan và cũng rất sát với những lĩnh vực, nội dung mà Nghị quyết 96 và pháp luật yêu cầu”, ông An chia sẻ.
Theo ông An, việc đánh giá của các ĐBQH không chỉ thông qua những báo cáo kết quả công tác của các vị được lấy phiếu mà còn qua rất nhiều kênh, đặc biệt là qua nghiên cứu, tìm hiểu của từng đại biểu.
Qua kết quả lấy phiếu, có thể thấy rằng đối với các vị trí là lãnh đạo Quốc hội, chủ nhiệm uỷ ban thì tỉ lệ tín nhiệm cao thông thường sẽ cao hơn; khu vực của Chính phủ điều hành thì thông thường sẽ thấp hơn một chút.
Đặc biệt, có những lĩnh vực tỉ lệ số phiếu tín nhiệm thấp cao, cao hơn những lĩnh vực khác thì tôi cho rằng việc đánh giá đó của ĐBQH cũng hoàn toàn khách quan và công tâm.
“Trong thời gian qua chúng ta đối mặt rất nhiều khó khăn, tôi cho rằng phiếu đánh giá với khối Chính phủ, các Bộ, ngành trực tiếp điều hành vừa là động viên, vừa là thể hiện trách nhiệm bởi có những yêu cầu với lĩnh vực đó cần phải tiếp tục nỗ lực cao hơn nữa.
Những lĩnh vực có số phiếu tín nhiệm thấp cao như Bộ Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Công thương... đây là những lĩnh vực mà người dân cũng như ĐBQH đòi hỏi phải có nỗ lực hơn nữa để khắc phục, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và cử tri”, ông An bày tỏ.
Cơ hội nhìn lại lĩnh vực phụ trách
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được công bố là kết quả khách quan, trung thực trên các lĩnh vực của các vị được lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ hội để những người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, nhìn lại lĩnh vực mình phụ trách còn những tồn tại, hạn chế gì để nỗ lực hơn trong thời gian tới.
“Tư lệnh một số lĩnh vực có số phiếu tín nhiệm thấp cao như: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Công thương… Theo tôi, đây là những ngành còn một số vấn đề tồn tại, những hạn chế nhất định và được cử tri và các ĐBQH rất quan tâm.
Bộ trưởng là người “đứng mũi chịu sào” và là người thuyền trưởng nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vướng mắc, tồn tại của ngành. Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm này, nhân dân và các ĐBQH sẽ giám sát việc các “tư lệnh” giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế những ngành có số phiếu “tín nhiệm thấp“cao”, bà Thuý nói.
ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, kết quả tín nhiệm phản ánh khách quan, công tâm. Từ việc lấy phiếu này, để bản thân người cán bộ suy nghĩ cùng tập thể lãnh đạo xây dựng nâng cao lòng tin của người dân. Đặc biệt giải quyết, khắc phục được những hạn chế, khó khăn mà dư luận quan tâm đối với ngành, lĩnh vực phụ trách.
“Chắc chắn qua lần lấy phiếu tín nhiệm này, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có động lực nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thêm một bước”, ông Cừ chia sẻ.