Những năm gần đây, hình thức livestream bỗng trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Tỉ lệ chốt đơn thông qua các phiên livestream được đánh giá cao hơn so với cách mua truyền thống từ trước đến nay. Cũng chính nhờ livestream, các sàn thương mại điện tử hiên ngang dẫn đầu top lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam vượt mốc 25 tỉ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023.
Năm 2025, đặc biệt là dịp Tết Ất tỵ, xu hướng mua sắm trên live lại càng được ưa chuộng khi các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiktok Shop liên tục tổ chức các buổi livestream kết hợp cùng KOLs, KOCs mang đến cho người tiêu dùng những deal hấp dẫn để mua sắm, đón Tết.
Chỉ trong ngày 15/1 đã có hàng loạt phiên live trên Shopee được tổ chức để kích cầu mua sắm với số lượng mắt xem khủng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, nhiều bạn trẻ cho rằng ở thời điểm này, mua hàng qua livestream là cách tốt nhất để tiết kiệm thời gian, thoải mái lựa chọn sản phẩm yêu thích và cảm nhận được giá trị thực tế của sản phẩm.
Bạn Ngọc Hà (19 tuổi, ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết: "Mua hàng qua livestream thông qua các kols, koc nổi tiếng, uy tín. Họ test luôn sản phẩm tại chỗ cho mình nên cũng khá yên tâm về độ thực tế. Nếu như trước đây mình thường mua qua hình ảnh ở các gian hàng trưng bày, đôi lúc họ dùng các thủ thuật chỉnh sửa, làm đẹp khiến cho sản phẩm bắt mắt hơn. Bây giờ mình thích mua qua livestream hơn, tỉ lệ mình đưa ra quyết định mua hàng sẽ cao hơn là phân vân cứ bỏ mãi món đó vào giỏ hàng".
Theo bà Lê Thị Nga, Giám đốc Sapo Social Commerce & Shipping (một công ty chuyên về phần mềm quản lý bán hàng và nghiên cứu thị trường) cho biết: "Các phiên livestream có nội dung sáng tạo và tương tác với khách hàng qua minigame có thể tăng tỷ lệ xem đến 35% so với các buổi chỉ giới thiệu sản phẩm thông thường.
Khi kết hợp với các dịch vụ vận chuyển nhanh, người hàng sẽ tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ việc tiếp cận khách hàng đến giao hàng tận nơi, giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng”.
Sở dĩ những phiên live Tết 2025 được tổ chức với tần suất dày đặc bởi nhu cầu mua sắm tăng.
Theo báo cáo dự đoán của Metric (đơn vị cung cấp dữ liệu, phân tích và báo cáo thị trường) về "Hành vi mua sắm dịp Tết 2025 trên Shopee và TikTok Shop" vào cuối năm 2024 dự đoán rằng, Shopee và TikTok Shop có thể đạt doanh số 71.000 tỷ đồng trong dịp Tết 2025 với 792 triệu sản phẩm được tiêu thụ, tăng 45% và 47% so với dịp Tết 2024.
Để so sánh, Metric đã thống kê kết quả mua sắm online trong dịp Tết 2024 đã đạt con số 48.700 tỷ đồng với 538.8 triệu sản phẩm, gấp đôi so với năm 2023. Đây là kết quả được tính từ 2 sàn thương mại điện tử dẫn đầu là Shopee và Tiktok Shop.
Trong đó, Shopee có doanh số cao gấp 4 lần so với Tiktok Shop. Tuy nhiên, sau đợt Tết 2024 đến nay, Tiktok Shop đã tăng trưởng gần 195%, gấp 3 lần doanh số của Shopee. Điều này cho thấy con số sẽ còn tăng nữa trong dịp Tết Ất tỵ, bởi đây là thời điểm người người, nhà nhà ai cũng muốn sắm sửa đón Tết.
Thống kê từ Metric - nền tảng phân tích số liệu thị trường thương mại điện tử dựa trên Dữ liệu lớn (Big Data) về những con số mua sắm nổi bật dịpTết 2024 (Ảnh: Metric)
Thời trang và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp là hai nhóm hàng được bán chạy nhiều nhất trên 2 sàn thương mại điện tử lớn Việt Nam là Shopee và Tiktok Shop, theo Metric. Bên cạnh đó các phiên live về nhóm hàng thực phẩm cũng trở nên nhiều đáng kể để phục vụ người dân sắm Tết.
Những phiên live về thực phẩm cũng được tổ chức live liên tục trên Tiktok Shop, người mua sắm có thể thoải mái lựa chọn khung giờ xem
Theo thống kê từ Metric, những set quà tặng dịp Tết từ các thương hiệu thiết kế sẵn được người tiêu dùng lựa chọn có giá 500.000 – 700.000 đồng. Áo dài được dự đoán Tết 2025, sẽ có nhiều người chi tiêu cho việc mua áo dài với mức giá 200.000 – 500.000.
Lợi ích khi mua hàng trên livestream không chỉ giúp người xem có thể tương tác trực tiếp với người bán trên live, tiết kiệm thời gian ra đường mà thứ gì cũng có, giá cả tốt với nhiều chương trình khuyến mãi và miễn phí ship tận nhà. Đặc biệt, những phiên live có người nổi tiếng xuất hiện lại càng thu hút người mua hơn, bởi sức ảnh hưởng của họ với người hâm mộ.
Các phiên live Shopee hiện nay đều được kết hợp cùng người nổi tiếng và khách mời xuyên suốt một phiên live, điều này là điểm nhấn trên livestream mua bán
Cuộc chạy đua, cạnh tranh bán hàng livestream với các nền tảng số
Bên cạnh các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội tận dụng tối đa tiềm năng của mình để bán hàng qua livestream, nhiều đơn vị "truyền thống" cũng đã áp dụng phương thức này cho doanh nghiệp của mình.
Trước đó, toàn bộ hệ thống Saigon Co.op (bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food...) đã bắt đầu mở cửa sớm hơn 1 giờ so với ngày thường và kéo dài thời gian phục vụ đến 23h đêm từ giữa tháng 1. Các siêu thị này sẽ chỉ đóng cửa khi không còn khách hàng mua sắm. Hệ thống dự kiến nghỉ mùng 1 Tết Âm lịch và hoạt động trở lại ngay từ mùng 2.
Bán kính giao hàng của Co.opmart và Co.opXtra cũng được mở rộng từ 6 km lên 20 km đối với hóa đơn từ 1 triệu đồng. Song song đó, Saigon Co.op tăng cường kênh bán hàng trực tuyến qua nền tảng Co.op Online với 10 phiên livestream mỗi ngày trong giờ nghỉ trưa, giúp đơn hàng online tăng gấp 3 lần. Hệ thống chốt đơn tự động còn giúp số lượng đơn thành công tăng hơn 50% so với năm trước.
Livestream bán hàng đang ngày càng trở nên phổ biến, tiếp cận được mọi lứa tuổi bởi sự thuận tiện và ưu đãi tốt khi mua hàng trên live. Trên các sàn thương mại điện tử TikTok, Shopee, Lazada... và nền tảng Facebook, từ sau Tết dương lịch đến nay, các phiên livestream bán hàng diễn ra rầm rộ bất kể ngày đêm. Trong đó, phổ biến nhất là livestream bán hàng thời trang, thực phẩm Tết, đồ trang trí, đồ dùng trong nhà dịp Tết. Để kích thích nhu cầu mua sắm, các nền tảng đã tung ưu đãi phí vận chuyển, mã giảm giá từ vài chục ngàn đến cả triệu đồng nếu khách mua những đơn hàng lớn.