Livestream phim chiếu rạp: Khi giọt nước tràn ly

Livestream phim chiếu rạp: Khi giọt nước tràn ly

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 7, 18/11/2017 13:00

Sự việc một bạn trẻ 19 tuổi livestream trên Facebook buổi chiếu phim Cô Ba Sài Gòn mới đây là giọt nước tràn ly cho những bức xúc của giới sản xuất phim với hành vi thiếu ý thức của một bộ phận khán giả.

Bất lực!

 

Sự kiện - Livestream phim chiếu rạp: Khi giọt nước tràn ly

Ngô Thanh Vân kiên quyết bảo vệ tác phẩm của mình trước khán giả thiếu ý thức.

Trong thời kỳ công nghệ, việc vi phạm bản quyền phim chiếu rạp trở nên vô cùng dễ dàng. Chỉ cần có trong tay một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối Internet, khán giả có thể tường thuật trực tiếp một bộ phim cho hàng trăm, hàng ngàn khán giả được xem miễn phí.

Quay phim, livestream trên mạng xã hội là hành vi nhỏ của cư dân mạng nhưng sẽ gây tổn thất rất lớn đối với nhà sản xuất phim cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nền điện ảnh.

Từ cuối năm 2016, việc vi phạm bản quyền bằng hình thức livestream đã bắt đầu xuất hiện với trường hợp bộ phim Chạy đi rồi tính của đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân. Sau đó, hàng loạt bộ phim ra rạp trong năm nay cũng bị livestream với mức độ ngày càng nghiêm trọng như phim Lô tô của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, phim Em chưa 18 của đạo diễn Lê Thanh Sơn, phim Xóm trọ 3D của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường,...

Không chỉ có phim điện ảnh trong nước mà cả phim nước ngoài khi công chiếu cũng bị vi phạm bản quyền như trường hợp phim Kong: Skull Island vào tháng Ba vừa qua. Bom tấn Hollywood có 70% bối cảnh tại Việt Nam cũng bị nhiều người phát trực tiếp chỉ sau vài ngày ra rạp.

Sự việc khiến đại diện hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) phải gửi kiến nghị cho bộ Thông tin & Truyền thông để xử lý việc phát tán phim lậu ở Việt Nam.

Nhiều trường hợp liên tiếp xảy ra đã khiến giới làm phim thất vọng, chán nản. Tuy nhiên, đa phần các vụ việc chỉ dừng lại ở mức độ lên án, phản đối chứ chưa có biện pháp cứng rắn. Chính vì thế, phản ứng mạnh tay của ê-kíp sản xuất phim Cô Ba Sài Gòn khi đòi truy tố thủ phạm gây tổn hại đến bộ phim như giọt nước tràn ly, thu hút sự chú ý của dư luận.

Ngay khi sự việc đang diễn ra, Ngô Thanh Vân đã can thiệp trực tiếp khi comment (bình luận) vào livestream để bày tỏ bức xúc. Cô cũng nhanh chóng phối hợp cùng ê-kíp để tìm ra danh tính thủ phạm và yêu cầu giao cho công an xử lý.

Dư luận nhận định, đây là thái độ quả quyết và kịp thời của Ngô Thanh Vân, tiến bộ hơn các trường hợp trước đó như nhà sản xuất Charlie Nguyễn hay NSND Hồng Vân.

Từ thiếu ý thức đến vi phạm pháp luật

 

Sự kiện - Livestream phim chiếu rạp: Khi giọt nước tràn ly (Hình 2).

Ngô Thanh Vân làm việc gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Nguyên nhân đầu tiên của nạn quay lén, vi phạm bản quyền phim chiếu rạp chính là vấn đề nhận thức, ý thức của khán giả. Nhiều bạn trẻ cho rằng, khi đã bỏ tiền ra rạp mua vé xem phim thì họ có thể chụp ảnh, quay phim một cách thoải mái mà không nghĩ rằng, hành động đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công sức lao động của ê-kíp sản xuất. Một số khán giả trẻ còn có tâm lý muốn phô trương, ra oai với bạn bè nên livestream phim để “câu like”, “câu view”.

Ngoài ra, trách nhiệm của các rạp chiếu phim cũng được thảo luận sôi nổi. Trước giờ chiếu phim chính thức, các rạp chiếu phim bao giờ cũng nhắc nhở khán giả có hành vi ứng xử văn minh khi xem phim. Trong đó có việc không quay phim, chụp ảnh trong rạp.

Không khó để phát hiện khán giả quay lén phim trong rạp nhưng tại sao hành vi đó vẫn xảy ra mà không bị nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời. Phải chăng nhân viên quản lý vẫn còn “dễ dãi”, thiếu kiên quyết với các trường hợp vi phạm?

Trước thực tế nạn vi phạm bản quyền ngang nhiên, phổ biến với nhiều chiêu thức tinh vi như hiện nay, luật sư Trần Đình Dũng, đoàn Luật sư TP.HCM nhận xét, công nghệ giờ đây thay đổi quá nhanh, đặc biệt với phần mềm live broadcast (truyền hình trực tuyến), càng tạo điều kiện dễ dàng cho việc vi phạm bản quyền và phát tán trên mạng.

Theo luật sư Dũng, việc quay lén trong rạp chiếu phim trước tiên đã vi phạm quy định, nội quy của rạp chiếu phim nên sẽ bị xử lý theo quy định của đơn vị này. Người quay lén dù có hay không có mục đích phát tán nội dung đã quay lên các trang mạng xã hội đều là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, có thể căn cứ vào văn bản pháp luật đã có để ngăn chặn chuyện xâm hại bản quyền.

Cụ thể, mức phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình có thể lên đến 35 triệu đồng theo Điều 27, Nghị định 131/2013/NĐ-CP.

“Thậm chí, hành vi này sẽ bị xử lý theo Bộ luật Hình sự năm 2015 kể từ ngày 1/1/2018 với mức xử phạt lên đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”, luật sư Dũng cho hay.

Ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế

 

Sự kiện - Livestream phim chiếu rạp: Khi giọt nước tràn ly (Hình 3).

Hành vi vi phạm pháo luật về bảo vệ bản quyền sẽ dẫn đến hậu quả lớn cho nền điện ảnh nước nhà.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, NSƯT Lê Cung Bắc nhận định, đây là thực trạng đau lòng khiến nền điện ảnh Việt Nam không thể phát triển dù liên tục có nhiều tác phẩm hay. “Tôi luôn tôn trọng các nhà sản xuất phim vì họ chính là những người đóng góp tích cực vào sự phát triển điện ảnh nước nhà.

Thay vì đầu tư vào các lĩnh vực khác thì họ đã đầu tư vào điện ảnh. Đó là điều chúng ta cần trân trọng và phải bảo vệ họ. Nếu làm phim ra mà không có lợi nhuận thì sẽ không ai còn khả năng để tiếp tục đầu tư cho điện ảnh nữa. Điều đó sẽ dẫn đến hậu quả bi đát cho nền điện ảnh nước nhà”, NSƯT Lê Cung Bắc cho biết thêm.

Nhìn nhận ở góc độ kinh tế, văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, giảng viên bộ môn Công nghiệp văn hóa, đại học Văn hóa TP.HCM chia sẻ: “Hiện tượng khán giả đến rạp xem phim, quay lén và sau đó phát tán trên các trang mạng xã hội là hiện tượng vi phạm bản quyền rất rõ.

Hiện tượng này cũng biểu hiện người tiêu dùng văn hóa Việt Nam hiện nay chưa ý thức được rằng, nếu họ vi phạm bản quyền sẽ dẫn đến thiệt hại cho nhà sản xuất, kinh doanh đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa.

Từ đó sẽ làm cho mức độ rủi ro cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư sản xuất trong lĩnh vực kinh tế văn hóa tăng cao, và sẽ làm “thui chột” cơ hội và khả năng đầu tư, phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”.

“Sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam không chỉ mang lại những cơ hội về lợi ích kinh tế quốc gia từ lĩnh vực kinh tế văn hóa mà quan trọng hơn là các ngành công nghiệp văn hóa còn thực hiện nhiệm vụ triển khai giá trị tài nguyên văn hóa tinh thần được kết tinh trong các sản phẩm văn hóa đến với công chúng, người tiêu dùng văn hóa.

Trong bối cảnh xu thế tiêu dùng văn hóa toàn cầu hiện nay, quốc gia nào lạc hậu trong bước phát triển về công nghiệp văn hóa sẽ dẫn đến hiện tượng phải “nhập siêu văn hóa”, người dân sẽ phải tiêu dùng sản phẩm văn hóa của nước ngoài. Như thế hệ lụy tất yếu sẽ là sự lệ thuộc và ảnh hưởng văn hóa nước ngoài, văn hóa của đất nước sẽ không phát triển, không đa dạng, không duy trì được bản sắc văn hóa dân tộc.

Như vậy hiện tượng vi phạm bản quyền công nghiệp văn hóa nói chung và trong ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng sẽ để lại hệ lụy rất lớn, gây ra thất thoát không hề nhỏ cho nền kinh tế quốc dân và cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bằng việc tiêu dùng các sản phẩm văn hóa nội địa từ các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, TS. Mạnh nói thêm.

Xử phạt không phải biện pháp lâu dài

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh bày tỏ: “Đứng về phía những người sáng tạo điện ảnh, tôi cũng buồn lòng vì phim “Lô tô” từng bị livestream. Vì thế, tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay, xử phạt nặng là cần thiết nhưng không phải là biện pháp lâu dài. Thay vào đó, chúng ta có thể chung tay để nâng cao nhận thức của khán giả bằng lộ trình cụ thể với các hoạt động thiết thực hơn”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.