Lộ cán bộ sai phạm, ngành hải quan “vặn dây cót” liêm chính

Lộ cán bộ sai phạm, ngành hải quan “vặn dây cót” liêm chính

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 7, 16/09/2017 13:00

Sau vụ 213 container của 56 doanh nghiệp “mất tích bí ẩn”, cục Hải quan TP.HCM đã có những chỉ đạo nhằm chấn chỉnh công tác cán bộ...

Vì sao 3 cán bộ hải quan bị bắt?

Liên quan đến vụ việc 213 container của 56 doanh nghiệp “mất tích bí ẩn” tại cảng Cát Lái, cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, bộ Công an) đã bắt giam ông Nguyễn Văn Lâm, cán bộ chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 về hành vi lợi dụng chức vụ, cố ý không thực hiện đúng các quy định của ngành Hải quan, tiếp tay cho một số đối tượng lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa để nhập hàng cấm từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ. Theo thông tin PV có được, ông Lâm là một trong những người có thâm niên công tác trong ngành Hải quan.

Cũng liên quan đến vụ việc nói trên, trước đó, ngày 25/8, C46 đã bắt tạm giam đối với ông Trần Thanh Tùng, công chức chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (cục Hải quan TP.HCM). Ông này làm việc tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - thời điểm 213 container quá cảnh tại cảng Cát Lái và biến mất “bí ẩn”.

Ông Tùng bị bắt về hành vi biết nhưng không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không quản lý seal (hay còn gọi là niêm phong chì – PV) theo quy định của tổng cục Hải quan gây hậu quả nghiêm trọng.

Một lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho biết thêm: “Cục đã có các quyết định về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Lâm và ông Tùng để phục vụ công tác điều tra”.

Kinh doanh - Lộ cán bộ sai phạm, ngành hải quan “vặn dây cót” liêm chính

213 container của 56 doanh nghiệp “mất tích bí ẩn” tại cảng Cát Lái.

Liên quan đến vụ việc, C46 vừa bắt tạm giam ông Lê Vũ Nam, cán bộ chi cục Hải quan khu vực 2 (cục Hải quan TP.HCM) về hành vi buôn lậu. Ông Nam trước đây là cán bộ làm việc tại đội Quản lý hàng hóa nhập khẩu, chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 (thời điểm 213 container biến mất), sau đó được điều chuyển sang một đơn vị khác, rồi mới về chi cục Hải quan khu vực 2. Như vậy, trong vụ 213 container biến mất “bí ẩn” diễn ra tại cảng Cát Lái, đến nay, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 3 đối tượng.

Trước khi cơ quan điều tra bắt 3 cán bộ nói trên, tổng cục Hải quan đã xác định, một số công chức thừa hành tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ. Cụ thể là chưa cập nhật thông tin, theo dõi tình trạng vận chuyển hàng hoá, không truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích....

Theo thông tin PV có được, một số cán bộ hải quan đã can thiệp vào hệ thống điện tử, xóa thông tin xác nhận hàng hóa quá cảnh đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đi (BOA), hủy bộ hồ sơ vận chuyển độc lập...

Ông Nguyễn Trí Cường, Giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM đặt nghi vấn: “213 container chứ không phải là cây kim, làm sao đưa đi khỏi cảng mà lãnh đạo không hề hay biết”. Trong khi đó, vị lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Trường hợp can thiệp vào hệ thống để xóa BOA, công chức thực thi hải quan đã có giải trình, đồng thời cục Hải quan TP.HCM cũng có văn bản báo cáo, đề nghị cục Công nghệ thông tin (tổng cục Hải quan) xác định thời điểm BOA bị xóa để làm rõ trách nhiệm của những cán bộ liên quan”.

Tới thời điểm này, cơ quan chức năng đã truy tìm được khoảng 60 container “biến mất” tìm trong tổng số 213 container nói trên. “Số này bắt được chủ yếu ở TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với hơn 100 container. Trong đó khoảng 60 container có lai lịch từ cảng Cát Lái. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục truy tìm số container còn lại để ngăn chặn việc thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ”, một cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết.

Tiếp tay cho doanh nghiệp “ma”

Việc thủ tục đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có phần dễ dãi là một trong những lý do để các đối tượng buôn lậu lợi dụng. Tại TP.HCM có rất nhiều “cò” hoạt động tại phòng Đăng ký kinh doanh (sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM).

“Cò” Châu (ngụ quận Bình Thạnh) đang hoạt động tại đây phán ngắn gọn: “Thủ tục gồm có tên công ty, địa chỉ trụ sở, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ... Phí trọn gói bao gồm dấu, phí, lệ phí, hồ sơ nộp là 1,5 triệu đồng, trong vòng 10 ngày là có”(?!).

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay có hàng loạt công ty “ma” được thành lập, hoạt động với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, chủ yếu là để buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, các công ty này “núp bóng” rất kín kẽ ở những nơi mà ít ai ngờ tới. Khi tìm đến nơi, PV mới nhận ra đó là quán tạp hóa, cửa hàng gạo, sạp hàng rau, củ, quả...

Điển hình, công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Xuất nhập khẩu quốc tế Bình Chánh (số 26 đường số 1, phường Tân Phú, quận 7) vận chuyển mặt hàng được khai báo là dụng cụ nhà bếp, máy lọc nước, máy lạnh... mới 100%.

Theo “lệnh” thông quan, doanh nghiệp này sẽ vận chuyển số hàng nói trên đến cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) để xuất sang Campuchia. Tuy nhiên, rời khỏi cảng, doanh nghiệp đã lén tuồn hàng vào nội địa tiêu thụ. Khi tiến hành xác minh, điều tra về doanh nghiệp này, cơ quan hải quan “té ngửa” đây là doanh nghiệp “ma”.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, các công ty: TNHH TMDV H.Y.T, TNHH TMDV N.Đ, TNHH D.T.N... cũng không tồn tại. PV tìm đến công ty TNHH TMDV H.Y.T có địa chỉ ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh là 172/12/2 Nguyễn Bặc, phường 3, quận Tân Bình thì phát hiện đó là một cửa hàng mua bán quần áo. Tương tự, tìm đến địa chỉ ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty TNHH D.T.N ở 114 Đinh Điền, phường 2, quận Tân Bình, PV phát hiện đây chỉ là cửa hàng bán thực phẩm.

Kinh doanh - Lộ cán bộ sai phạm, ngành hải quan “vặn dây cót” liêm chính (Hình 2).

Nếu không có sự tiếp tay, móc nối của cán bộ hải quan, các đối tượng rất khó thực hiện hành vi buôn lậu.

Tuy nhiên, dù là doanh nghiệp “ma” nhưng không có sự tiếp tay, móc nối của cán bộ hải quan thì các đối tượng này rất khó thực hiện hành vi buôn lậu. Dư luận nghi ngờ rằng có ông chủ, ông trùm đứng phía sau và chúng ta phải đưa ra ánh sáng những “con át chủ bài” thì mới đánh sập được đường dây làm ăn phi pháp này.

Ông Cường cho biết: “Hàng quá cảnh bị bắt giữ phần nhiều là hàng điện lạnh, điện máy, điện gia dụng đã qua sử dụng... thuộc danh mục cấm nhập từ Nhật Bản. Và con đường nhập về qua cảng Cát Lái. Đây liệu có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đó là đường đi của hàng lậu? Mong rằng, cơ quan điều tra sẽ làm việc công tâm, nghiêm túc để triệt phá các đường dây này”.

Sau vụ việc này, cục Hải quan TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị phải chấn chỉnh công tác cán bộ. Ông Lê Đình Lợi, Phó Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu trưởng các đơn vị quán triệt để cán bộ công chức thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 3 không: Không muốn thực hiện hành vi tiêu cực, không thể thực hiện hành vi tiêu cực, không dám thực hiện hành vi tiêu cực”.

“Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tư tưởng đội ngũ cán bộ công chức để kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn, kịp thời nhắc nhở chấn chỉnh những biểu hiện hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật kỷ cương”, ông Lợi cho biết thêm.

Không bố trí cán bộ có "dấu hiệu" tiêu cực vào vị trí nhạy cảm

Ông Lê Đình Lợi, Phó Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Ngoài các biện pháp đã nêu ở trên, Hải quan TP áp dụng các biện pháp khảo sát nắm tình hình, đề xuất Cục trưởng quyết định, chỉ đạo việc phân công, chuyển đổi công tác khi phát hiện công chức có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, kỷ cương công vụ. Yêu cầu không bố trí công tác tại những vị trí việc làm nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, phiền hà".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.