Giả “đội lốt” thật
1h sáng, chiếc taxi của hãng H.L. đưa chúng tôi từ Hoàn Kiếm về Mỹ Đình (Hà Nội). Tôi bắt đầu gợi câu chuyện về nghề, sau đó chuyển sang xe và mua "lốt" xe taxi, gã như bị chọc đúng chỗ ngứa, bừng tỉnh nói sang sảng. Từ lời của người đàn ông khoảng 30 tuổi này, đa số các hãng taxi hiện nay trên thị trường ở các thành phố lớn đều đã "thanh lý" xe hay gọi cho chuyên nghiệp hơn là cổ phần các đầu xe cho tài xế. Tức là thay vì bỏ tiền ra mua hàng loạt xe về tuyển dụng vị trí tài xế, các hãng bán đầu xe theo dạng trả góp hoặc mua đứt cho bất cứ ai có nhu cầu "kiếm tiền sau vô lăng".
Như thấy chưa thuyết phục, T. - tên gã, khoe luôn chiếc Kia Morning đang "gánh" hai thằng trên đường cũng đã được gã mua đến phân nửa xe với mức tiền bỏ ra gần 150 triệu đồng. Số tiền còn lại ước chừng khoảng 250triệu đồng, sẽ được công ty cho trả trong vòng 3 năm (theo lãi suất ngân hàng tháng+tiền đàm+bảo hiểm+tiền trả gốc). Không nói về số tiền chính xác mình phải chi mỗi tháng cho công ty bao nhiêu, nhưng gã cũng cho tôi một quy trình tính toán, sau khi tài xế mua xe chi 30 - 40%, giá trị xe thì mỗi tháng phải trả cho công ty khoảng 10 - 15 triệu đồng (trong đó đã trả gốc). Vậy chi li ra, một ngày, mỗi tài xế taxi dạng này phải làm được 400 - 900 ngàn đồng mới đủ chi trả và sinh sống, còn không thì... "móm".
"Bởi chính sức ép về số tiền này, nhiều tài xế "non tay", hay mới bước vào nghề phải vin đến công cụ hỗ trợ như chíp nhảy đồng hồ, bắt chẹt khách ngoại tỉnh và người nước ngoài. Còn mình, may nhờ mấy anh em xã hội, "lốt" tuyến có sẵn nên cứ thế mà thẳng tiến. Thi thoảng, đôi khi có khách không thạo đường thì đánh võng thêm vài km thôi", vừa nói gã vừa cười nhe hàm răng, cái còn cái sứt.
Cần nhiều đợt ra quân chấn chỉnh hoạt động kinh doanh taxi.
Giật mình với lời bật mí trên, tôi quyết đi tìm sự thật, được một thanh tra giao thông có nhiều năm kinh nghiệm trên địa bàn Hà Nội cho hay, cứ 10 doanh nghiệp taxi Hà Nội thì đến 8 - 9 đơn vị hoạt động theo hình thức bán "thương hiệu". Đó là việc doanh nghiệp đứng ra lập công ty taxi, nhập phương tiện sau đó bán trả góp cho lái xe. Lái xe chịu sự điều phối, quản lý của doanh nghiệp, phải đạt doanh thu tối thiểu trong ngày, ứng với từng định mức doanh thu sẽ có tỉ lệ ăn chia tương xứng. Hàng tháng, tài xế phải trả một khoản tiền mua xe, tiền dịch vụ, dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng, tuỳ từng hãng. Những biến tướng của hình thức bán thương hiệu đang tạo nên mảnh đất màu mỡ cho "taxi gian" náu thân.
Cũng theo vị này, thoả thuận ngầm giữa lái xe và doanh nghiệp, hết nợ, lái xe phải hoạt động cho doanh nghiệp thêm từ 2 - 3 năm. Sau thời gian này, xe thuộc quyền sở hữu của lái xe, doanh nghiệp chỉ đứng tên, hàng tháng thu tiền dịch vụ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều taxi chính hãng biến thành "xe gian". Hết ràng buộc với doanh nghiệp, lái xe được tự do hoạt động. Thậm chí cả việc lột vỏ, nhảy cóc từ hãng này sang hãng khác hoặc hoạt động độc lập, không phải ăn chia với doanh nghiệp.
Công khai chào bán... "thương hiệu"
Trong vai một người cần mua "lốt" của một hãng xe taxi, sau vài động tác đơn giản trên Google với tiêu đề: "Bán xe taxi cổ phần", với 41 giây "loát", đã cho ra con số kỷ lục với hơn 4 triệu kết quả. Sau khi chọn vài hãng có tiếng trên địa bàn Hà Nội, bấm điện thoại đặt vấn đề, PV bản báo nhận được lời quảng cáo từ một đầu dây bên kia: "Chúng tôi đang bán các loại xe cũ đang sử dụng, xe đang kinh doanh taxi sản xuất 2008, 2009, 2010,... và xe mới 100% xe 2012 & 2013. Kia Morning, Gets, Spark... Hiện tại đang có "lốt" taxi chạy tại xe tại bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm... Doanh thu của lái xe trong công ty khoảng 30 triệu đồng/tháng, nếu cần xin đến ngay địa chỉ..." (???).
Không những thế, đi sâu tìm hiểu, PV báo điện tử Người đưa tin còn phát hiện, xe của cá nhân chuyển quyền sở hữu về một hãng taxi nào đó, được gắn logo, sử dụng hệ thống điều hành, tần số của hãng. Hàng tháng trả cho hãng một khoản tiền dịch vụ, tiền thu từ khách hàng lái xe được bỏ túi. Với những "đứa con nuôi" này, việc quản lý của doanh nghiệp lại càng hạn chế.
Tiến thoái lưỡng nan
Một nguồn tin cũng cho hay, việc góp cổ phần không đơn giản là sang tên cho hãng, mà còn phải thi hành nhiều điều khoản theo yêu cầu của hãng. Nhiều tài xế lỡ "ném" xe vào một hãng quản lý kém, làm ăn không giữ uy tín với khách hàng, muốn rút xe cũng đành chịu. Việc làm ăn gian dối của không ít tài xế vừa ảnh hưởng đến uy tín của hãng, vừa đẩy những tài xế làm ăn chân chính vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Một dạng khác, doanh nghiệp có đầy đủ ban bệ, có hệ thống quản lý nhưng quản không chặt cũng là nguyên nhân làm cho dịch vụ taxi thêm bát nháo. Đúng chuẩn, doanh nghiệp phải chốt số km, chốt tiền tương ứng với số km hiển thị trên đồng hồ, đồng thời kiểm tra xe hàng ngày để nắm rõ được tình hình hoạt động của xe. Số hãng áp dụng phương pháp quản lý trên không nhiều, nên mới có tình trạng chủ xe vài ba tháng mới về hãng một lần để... nộp tiền dịch vụ. Với những lỗ hổng trên, nhiều hãng taxi đang bị "xế gian" lợi dụng để kinh doanh bất hợp pháp.
Bán thương hiệu thu tiền Cách đây không lâu, tại Hà Nội, thanh tra giao thông tiến hành kiểm tra hãng taxi Phú Gia, qua đó phát hiện hành vi bán thương hiệu. Trong giấy phép đăng ký hoạt động, hãng taxi này ghi số lượng 14 xe chuyên chở khách. Kiểm tra thực tế được biết, thực chất hãng này chỉ có 4 xe, còn lại 10 xe của các cá nhân hoạt động tự do bên ngoài nhưng lại mang nhãn hiệu taxi Phú Gia. Số xe này mỗi tháng phải cho hãng 800ngàn đồng. Chỉ với việc bán thương hiệu, mỗi tháng hãng này thu về 8 triệu đồng (của 10 đầu xe tư nhân nhưng đội lốt hãng taxi có đăng ký). |
Vương Trần