Không hẹn mà cùng một ngày cả hai vị Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Mỹ Obama đều cùng có bài phát biểu về quan điểm chính sách quân sự được họ áp dụng khi cầm quyền.
Ngày 6/12, phát biểu trước đông đảo người dân tại thành phố Fayetteville, bang North Carolina, ông Trump đã tiết lộ rằng Mỹ sẽ tránh can thiệp vào các xung đột nước ngoài và thay vào đó là tập trung nhiều vào việc đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong khi đó, trong bài diễn văn cuối cùng về vấn đề an ninh tại căn cứ không quân MacDill ở Tampa, bang Florida, ông Obama khẳng định rằng Mỹ và các đối tác đã lập một liên quân quốc tế để phát động chiến dịch không kích tổ chức IS tại Iraq và Syria. Nỗ lực này góp phần khiến IS mất hơn phân nửa lãnh thổ và ngày càng khó tuyển mộ tân binh.
Những lời khẳng định này của ông Obama được xem như là một “sự đáp trả” với ông Trump, người nhiều lần chỉ trích hướng tiếp cận của ông Obama đối với cuộc chiến chống tổ chức này là sai lầm.
Ông Trump tuyên bố mạnh mẽ rằng sẽ tiến hành cải tổ quân đội Mỹ bởi theo ông, hiện lực lượng Mỹ đang bị dàn trải quá mỏng khi mà binh sĩ có mặt ở quá nhiều địa bàn trên khắp thế giới. Theo ông chỉ nên tập trung vào cuộc chiến tại Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq và Syria. Và ông Trump cũng cho rằng thay vì đổ tiền vào các cuộc chiến, ông sẽ chi tiền để xây dựng, cải tạo lại hạ tầng giao thông, cầu cống và sân bay vốn cũ kỹ của Mỹ.
Ông Trump muốn tăng cường chi tiêu cho quân sự và cho biết đã yêu cầu quốc hội loại bỏ đạo luật giới hạn ngân sách trần trong chi tiêu quốc phòng. Theo ông, mọi quân nhân sẽ được trang bị, huấn luyện và chăm sóc một cách đầy đủ để có thể hoàn thành công việc một cách hoàn hảo.
“Chúng tôi không muốn có một quân đội cạn kiệt vì tham chiến ở mọi mặt trận trong khu vực, ở những nơi mà chúng ta không nên tham chiến. Chi tiêu cho quân đội sẽ không bị cạn kiệt nữa”, ông Trump đưa ra giải pháp.
Theo ông Donald Trump, chính sách “can thiệp và gây hỗn loạn” phải kết thúc, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường sức mạnh quân đội không nhằm mục đích gây hấn.
“Chúng tôi sẽ xây dựng sức mạnh của quân đội không hướng tới mục đích gây hấn mà nhằm mục đích phòng ngừa. Trong ngắn hạn, chúng tôi tìm kiếm hòa bình thông qua sức mạnh”, Tổng thống đắc cử Trump nói.
Và ông cho rằng bất kỳ quốc gia nào chia sẻ mục tiêu với Mỹ đều được coi là đối tác của Washington. “Chúng tôi không quên. Chúng tôi muốn củng cố tình bằng hữu với những người bạn cũ và tìm kiếm những mối quan hệ hữu hảo mới”, ông Trump cho biết.
Còn ông Obama, trong bài phát biểu của mình, ông có lời khuyên cho người sắp vào Nhà Trắng: Không nên dựa quá nhiều vào hành động quân sự để giải quyết những vấn đề phức tạp của thế giới.
Theo ông Obama, thay vì đưa ra những lời hứa hão huyền rằng có thể tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố bằng cách thả nhiều bom hơn hoặc triển khai nhiều binh sĩ hơn, điều cần làm là có tầm nhìn dài hạn về mối đe dọa này và theo đuổi một chiến lược thông minh, bền vững.
Dù thừa nhận chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là nguy cơ với Mỹ trong những năm tới, ông Obama cảnh báo không được đánh đổi các quyền dân sự, truyền thống dân chủ của Mỹ trong cuộc chiến chống hiểm họa này.
Đào Vũ