Bất khả kháng vì lý do... xây cầu vượt?!
Khi tham gia giao thông tại TP.HCM dễ dàng bắt gặp những lô cốt đang chắn ngang đường. Hiện TP.HCM đang triển khai xây dựng tiếp ba cầu vượt thép tại ba điểm nóng về giao thông nên các khu vực này đang rất khó khăn trong việc di chuyển của các phương tiện tham gia giao thông.
Điển hình tại giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (Q.Tân Bình) có một dãy rào chắn khá dài, đây là dự án thực hiện cầu vượt thép thứ hai ở khu vực này (sau cầu vượt Lăng Cha Cả đã hoàn thành và đưa vào sử dụng). Công trình cầu vượt Hoàng Hoa Thám dài trên 238m, rộng 9,5m, cho hai làn xe trên đường Cộng Hòa. Kinh phí đầu tư khoảng 129,6 tỉ đồng.
Khi triển khai công trình này, một đoạn rào chắn dài (từ Bình Giã đến đường A4) cũng được dựng lên, chắn ngang đường Hoang Hoa Thám. Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết, hàng rào chắn này rộng 11,5 15,5m nên phần đường còn lại là rất ít, khoảng gần 5 - 8m, dành cho cả ô tô và xe máy.
Những ngày vừa qua, khi triển khai công trình xây dựng cầu thì lượng xe qua đây dù có giảm (vì các tài xế chọn lộ trình khác) nhưng cũng khá chậm chạp. Tuy đã có lực lượng chức năng phân luồng, các đoàn xe nối đuôi nhau, đặc biệt là khi vào giờ cao điểm.
Công trình dự kiến hết tháng 9/2013 mới hoàn thành. Cũng theo thông tin từ Khu quản lý giao thông đô thị số 1, hiện đang thực hiện xây dựng cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Cây Gõ (Q.11).
Đây là cầy dạng chữ Y, gồm: Nhánh cầu vượt hướng từ đường 3/2 đi Hồng Bàng (dài 234m, rộng 7m) và nhánh cầu vượt thẳng đường Hồng Bàng (dài trên 300m, rộng 12- 15m). Kinh phí xây dựng cầu này khoảng 314 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối tháng 9/2013.
Trong khoảng thời gian thi công nói trên, đơn vị thi công đã rào chắn một phần mặt đường 3/2, đoạn từ Hàn Hải Nguyên đến vòng xoay Cây Gõ, rộng 13m. Mặt đường còn lại dành cho các loại xe khoảng gần 8m. Còn đường Hồng Bàng, đoạn từ đường Lò Siêu đến Hoàng Lệ Kha có rào chắn một phần đường rộng 7,5m.
Mặt đường còn lại dành cho các làn xe là từ 5 - 6m. Chính vì đoạn đường này quá hẹp nên các loại ô tô đã bị cấm lưu thông đoạn từ Hàn Hải Nguyên đến vòng xoay Cây Gõ.
“Lô cốt” mọc lên khiến người dân thêm phần khổ sở khi tham gia giao thong
Tương tự tại dự án cầu vượt thép ở giao lộ Nguyễn Tri Phương - 3/2 - Lý Thái Tổ (Q.10) cũng đang triển khai với những hàng rào chắn dài đã khiến lượng xe qua đây hết sức khó khăn. Cả ba điểm đang thi công cầu vượt đều là những điểm nóng về giao thông cho nên việc ngăn rào chắn đã xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn ứ.
Đặc biệt là giờ cao điểm, dù có lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông nhưng người tham gia vẫn khó di chuyển. “Nhiều lần tôi đi ngang qua đoạn đường này, nhất là vào giờ cao điểm, xe không thể di chuyển được, vì đường quá chật, nhiều người leo lên cả vỉa hè làm kẹt cứng”, chị Nguyễn Ngọc Huệ, ngụ Q.6 chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết, trong trường hợp ùn tắc giao thông xảy ra tại khu vực thi công các công trình thì lực lượng điều tiết giao thông sẽ mở hàng rào chắn. Bên cạnh đó, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cũng yêu cầu Khu quản lý giao thông phải bố trí lực lượng điều tiết giao thông có mặt 24/24h tại các khu vực này.
Nhắc nhở chủ đầu tư
Ngoài 3 cầu vượt mới khởi công chưa lâu thì dự án cầu Kinh Thanh Đa (Q. Bình Thạnh) đang chậm tiến độ, làm nhiều người dân bức xúc. Tính đến nay, cầu Kinh Thanh Đa vẫn chưa thể nối nhịp, do vướng mặt bằng. Hiện một phần cầu Kinh Thanh Đa phía đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đã hoàn thành.
Còn phần cầu phía Bình Quới, hai nhịp cầu vẫn chưa nối, nhiều nhà dân nằm ngay bên dưới mố cầu và gần đó vẫn chưa di dời để đơn vị thi công nối hai nhịp cầu cuối cùng.
Ông Trần Minh Thơ, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q. Bình Thạnh cho biết, sở dĩ chậm tiến độ trong việc thực hiện cầu Kinh Thanh Đa là do giá bồi thường hỗ trợ dược phê duyệt vào tháng 5/2012, trong khi đó, cầu đã thi công từ trước.
Phía Bình Quới còn một số hộ dân vẫn chưa nhận bồi thường vì chưa thỏa thuận được giá. Ban Bồi thường gải phóng mặt bằng sẽ sớm hoàn tất thủ tục và mức giá đền bù trước tháng 6 này để đẩy nhanh tiến độ dự án. Bên cạnh các dự án chậm tiến độ thì một số con đường cũng bị đào nhiều lần để thi công các hạng mục.
Người ta nói đó là những “con đường đau khổ”, điển hình là đường Tân Hòa Đông, Q.6, đoạn từ trường THCS Phú Lâm đến ngã tư Đặng Nguyên Cẩn. Chỉ trong một năm rưỡi, con đường này bị đào bốn lần.
“Mỗi lần đào và lấp là tiêu hao bao nhiêu vật liệu. Tại sao không gom bốn công việc vào một lần đào lấp. Thật là một sự lãng phí cho xã hội”, một người dân bức xúc nói.
Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài các dự án, công trình nói trên thì trên địa bàn TP.HCM còn khá nhiều điểm “nóng” về giao thông đang có “lô cốt” bám đường.
Đại diện sở GTVT thừa nhận, trong thời gian qua, nhiều công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật do một số đơn vị chủ đầu tư được triển khai trên địa bàn thành phố nhưng chưa thực sự có sự phối hợp thực hiện đồng bộ, khiến việc đào đường và tái lập mặt đường diễn ra nhiều lần trên cùng một vị trí.
Bên cạnh đó, chất lượng thi công đào đường và tái lập mặt đường không được đảm bảo, đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, việc đi lại của người dân và gây bức xúc trong dư luận. Do đó, nhằm tăng cường công tác quản lý thi công công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố, từng bước khắc phục tình trạng thi công chưa được đồng bộ, nâng cao chất lượng công tác đào và tái lập mặt đường đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của thành phố.
Sở GTVT đã có văn bản gửi các chủ đầu tư có xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật thực hiện nghiêm túc các nội dung: Đảm bảo việc thi công đồng bộ và nâng cao chất lượng công tác thi công đào đường và tái lập mặt đường.
Không cấp phép thi công trong thời gian tới Sở GTVT TP.HCM cho biết, kể từ ngày 1/8/2013, Sở sẽ không xem xét cấp phép thi công đối với các đơn vị chủ đầu tư chưa bàn giao mặt bằng sau khi đã thi công xong công trình. Đồng thời, giao cho các Khu Quản lý giao thông đô thị sau ngày 1/8/2013, không tiếp nhận hồ sơ đề xuất cấp phép thi công đối với các đơn vị chủ đầu tư có công trình chưa thực hiện bàn giao mặt bằng theo đúng quy định. |
Trung Nghĩa