Lỗ sau thuế phát sinh hơn 116 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã CK: HVG) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2018 (cho niên độ tài chính bắt đầu từ ngày 1/10 - 30/9 hàng năm) với bức tranh có nhiều mảng tối về tình hình doanh nghiệp vốn được coi là ông vua cá tra một thời.
Theo đó, doanh thu thuần 2 quý đầu năm 2018 của Hùng Vương đạt 4.992 tỷ đồng, giảm 288 tỷ đồng so với số liệu công ty tự lập. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 56 tỷ đồng.
Báo cáo sau soát xét ghi nhận các công ty liên doanh liên kết mang lại khoản lỗ hơn 11 tỷ đồng chứ không phải lãi hơn 11 tỷ đồng như công ty tự lập.
Ngoài ra, khoản chi phí quản lý doanh nghiệp sau soát xét bị điều chỉnh tăng 56 tỷ đồng, chi phí thuế thu nhập hiện hành âm gần 51 tỷ đồng thay vì ghi dương trên 45 tỷ đồng như báo cáo công ty tự lập.
Các khoản điều chỉnh trên dẫn đến kết quả là Hùng Vương ghi nhận lỗ sau thuế nửa đầu năm 2018 sau soát xét gần 380 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 116 tỷ đồng so với báo cáo công ty tự lập.
Sau soát xét, Hùng Vương ghi nhận còn lỗ lũy kế hơn 697 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2018.
Trên BCTC soát xét, kiểm toán viên còn đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc Hùng Vương chưa trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi số tiền 96,7 tỷ đồng.
Đồng thời kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty do nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn gần 750 tỷ đồng, đồng thời tổng cộng tài sản của Hùng Vương cũng giảm 3.160 tỷ đồng so với đầu kỳ, còn 10.716 tỷ đồng.
Thoái vốn, bán đất, đóng cửa nhà máy…
Ngày 27/6, Hùng Vương công bố bản giải trình chi tiết về ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của kiểm toán viên trên báo cáo soát xét nói trên.
“Vua cá tra” khẳng định vẫn "tin tưởng công ty sẽ khắc phục được khoản lỗ lũy kế hiện tại và do đó có cơ sở cho hoạt động liên tục".
Giải trình về việc không trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi 96,7 tỷ đồng (chủ yếu của hai công ty là Thủy sản Hưng Thành và công ty M&T SEAFOOD'S), phía Hùng Vương cho rằng tập đoàn đã trao đổi với các khách hàng, và ban Giám đốc đánh giá rằng các công nợ nói trên vẫn có khả năng thu hồi do tình hình kinh doanh sản phẩm cá tra đang rất thuận lợi. Khách hàng cũng cam kết về lộ trình thanh toán công nợ vì thế Hùng Vương không trích lập dự phòng khoản nêu trên tại thời điểm 31/3/2018.
Đối với vấn đề kiểm toán nhấn mạnh rằng trên cơ sở giả định tập đoàn sẽ tiếp tục hoạt động, thì trong kỳ kế toán từ 1/10/2017 đến 31/3/2018 tập đoàn đã phát sinh gần 380 tỷ đồng lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối kỳ lên trên 697 tỷ đồng. Điều này dẫn đến các yếu tố trọng yếu cho thấy sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Giải trình về vấn đề này, Hùng Vương cho rằng tập đoàn đang trong quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh bao gồm cả việc thanh lý một số khoản đầu tư và tài sản cố định.
Cụ thể, Hùng Vương đã bán 100% vốn tại công ty Thực phẩm Sao Ta, thu lãi hơn 213 tỷ đồng. Đồng thời thoái hơn 50% vốn tại Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng ghi nhận lãi hơn 187,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thanh lý bất động sản tại công ty con là lô đất 765 Hồng Bàng, TP.HCM và ghi nhận lãi hơn 229 tỷ đồng.
Hùng Vương cũng buộc phải đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Ban lãnh đạo công ty cũng cho biết sẽ thỏa thuận với ngân hàng để có nguồn vốn trung - dài hạn triển khai các dự án dang dở. Với các khoản nợ cũ, Hùng Vương sẽ đàm phán để khoanh nợ và có chính sách ưu đãi lãi suất.
Hùng Vương từng được mệnh danh là “vua cá tra”, “vua thủy sản” với việc sở hữu 11 nhà máy chế biến cá, công suất lên tới 400.000 tấn/năm nhưng đến nay rơi vào tình trạng khó khăn do tính sai nước cờ.
Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam chỉ rõ trong báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp như sau: “Hùng Vương đã dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Khi thị trường biến động tiêu cực, dự án không sinh lời thì không thể gánh các khoản nợ nần. Nói cách khác, Hùng Vương rơi vào chính bẫy nợ từ cuộc chơi đòn bẩy tài chính”.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2018 tổ chức ngày 20/4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Dương Ngọc Minh cho biết ông cảm thấy xấu hổ khi không hoàn thành các cam kết với cổ đông và từng nghĩ đến chuyện trong trường hợp xấu nhất sẽ bán toàn bộ tài sản để tất toán hết nợ nần và để có nguồn tiền trả lại cho cổ đông.
“Cái xấu hổ này nói thực với cổ đông tôi vô cùng mệt mỏi, chiến lược nó không như kỳ vọng. Ban lãnh đạo đã rất mất ăn mất ngủ với tình trạng hiện nay của HVG” - ông Minh chia sẻ.