Dân Việt dẫn nguồn Webometrics mới công bố bảng xếp hạng tháng 1/2022. Theo đó Đại học Quốc gia Hà Nội tăng 15 bậc so với hồi tháng 7/2021, từ 959 lên 944 thế giới, tiếp tục duy trì vị trí số 1 Việt Nam.
Đại học Tôn Đức Thắng, Tp.HCM đứng vị trí thứ 2 Việt Nam, 1074 thế giới. Tiếp theo là Đại học Duy Tân, Tp.HCM đứng ở vị trí trí thứ 3 Việt Nam và 1255 thế giới.
Bảng xếp hạng này đánh giá năng lực chuyển đổi số và sự xuất sắc về công bố quốc tế trên hệ thống Scopus (cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) và Google Scholar (tìm kiếm các tài liệu học thuật trên diện rộng) của các cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới.
Để đánh giá công bằng bảng xếp hạng dựa theo các tiêu chí xếp hạng gồm: Chỉ số Impact (Mức độ ảnh hưởng) có trọng số 50%, đo lường mức độ lan toả của website và nguồn tài nguyên số của cơ sở giáo dục đại học; chỉ số Excellence (Sự xuất sắc) có trọng số 40%, đo lường trong 10% số bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong 27 lĩnh vực xuất bản của Scopus; chỉ số Openness (Độ mở học thuật) có trọng số 10%, đo lường số trích dẫn của 210 tác giả hàng đầu của các cơ sở giáo dục đại học trên hệ thống Google Scholar.
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế; đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục đại học tiên tiến.
Năm ngoái, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 11.250 chỉ tiêu, với 132 ngành/chương trình đào tạo (chuẩn, chất lượng cao, tài năng, tiên tiến) thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhân văn, Công nghệ - Kỹ thuật, Kinh tế - Luật, Y – Dược, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên với nhiều phương thức xét tuyển.
Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng ba phương thức xét tuyển chính gồm xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét theo các phương thức khác (kết quả bài thi đánh giá năng lực do trường tổ chức và các chứng chỉ quốc tế, xét hồ sơ năng lực, xét thí sinh là người nước ngoài đáp ứng các yêu cầu theo quy định của trường và Bộ GD&ĐT).
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tăng quy mô thi đánh giá năng lực tháng 5-7
Thay vì chỉ tổ chức cho 57.900 thí sinh, bảy đợt thi đánh giá năng lực (HSA) trong tháng 5-7 sẽ tăng số chỗ dự thi lên thành 71.500.
Ngày 4/4, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo mở rộng quy mô kỳ thi HSA ở các đợt trong tháng 5, 6 và 7. Số chỗ dự thi tăng mạnh, địa điểm thi cũng có thay đổi. So với thông báo cũ vào đầu tháng 3, số chỗ dự thi của bảy đợt tăng thêm 13.600.
Với ba đợt thi mang mã 210, 211 và 212, ngày thi mới chỉ là dự kiến, có thể được điều chỉnh theo kế hoạch thi tốt nghiệp THPT và cấp độ phòng Covid-19 ở các địa phương có điểm thi.
Để đăng ký, thí sinh đăng nhập tài khoản tại địa chỉ http://khaothi.vnu.edu.vn/ và chọn ca thi tương ứng. Thông tin quan trọng cần lưu ý là thời gian mở ca thi và địa điểm dự thi.
Trường đại học Tôn Đức Thắng Tp.HCM (TDTU)
Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trường đại học nghiên cứu tại Việt Nam. Ngôi trường này trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trường hoạt động theo cơ chế tự chủ việc thu chi học phí. Trường hiện có tổng cộng bốn cơ sở tại ba thành phố khác nhau, trong đó có các cơ sở tại Nha Trang, Bảo Lộc và Cà Mau. Đây là một trong những ngôi trường đại học ở Việt Nam có điểm đầu vào tương đối cao. Năm học vừa qua, Đại học Tôn Đức Thắng lấy điểm chuẩn từ 24 đến 36.9.
Điểm chuẩn Đại học Tôn Đức Thắng tính theo thang 40, dao động 24-36.9, mặt bằng chung tăng 0.5-1.5 điểm so với năm ngoái. Cụ thể ngành Marketing lấy cao nhất 36.9 điểm; kế đó là Kinh doanh quốc tế 36,3, Quản trị kinh doanh 36. Như vậy, thí sinh phải có điểm trung bình mỗi môn thi từ 9 trở lên mới đậu.
Theo số liệu trên Vnexpress, năm học 2021-2022 Đại học Tôn Đức Thắng tuyển hơn 5.500 chỉ tiêu với 40 chương trình tiêu chuẩn, 17 chương trình chất lượng cao, 12 chương trình đại học bằng tiếng Anh, 11 ngành chương trình học 2 năm đầu tại cơ sở và 12 ngành chương trình đại học du học luân chuyển campus.
Năm nay theo dự kiến Trường Đại học Tôn Đức Thắng dự kiến tuyển sinh khoảng 6.500 chỉ tiêu trình độ đại năm 2022; bao gồm 40 ngành Chương trình tiêu chuẩn, 17 ngành Chương trình chất lượng cao, 12 ngành Chương trình đại học bằng tiếng Anh, 7 ngành chương trình học 2 năm đầu tại phân hiệu Nha Trang và 11 ngành Chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Nhà trường dự kiến triển khai tuyển sinh đại học năm 2022 theo 05 phương thức:
Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả quá trình học tập THPT.
Phương thức 2. Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Phương thức 3. Ưu tiên xét tuyển theo quy định của TDTU.
Phương thức 4: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT
Phương thức 5: Xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM.
Đại học Duy Tân (DTU)
Đại học Duy Tân là nơi đào tạo ngành Công nghệ thông tin bậc nhất miền Trung - Tây Nguyên. Sinh viên ngành Công nghệ Thông tin của Đại học Duy Tân hầu hết ra trường có việc làm và có chỗ đứng rất cao trong nước cũng như trên thế giới.
Theo số liệu trên báo Thanh Niên, điểm trúng tuyển năm 2021 của Đại học Duy Tân theo phương thức Xét tuyển theo kết quả học tập (học bạ) và Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2021, như sau:
1.Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (xét học bạ)
Điểm trúng tuyển = Tổng điểm 3 môn + Điểm ưu tiên.
Đối với các ngành chung: Điểm chuẩn trúng tuyển = 18 điểm.
2. Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại Học Quốc Gia Tp.HCM tổ chức năm 2021.
Đối với các ngành chung: Tổng điểm đạt từ 600 điểm trở lên.
Năm học 2022-2023 phương thức tuyển sinh của nhà trường tương đối như mọi năm.
1. Xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế của Bộ GD&ĐT và Ưu tiên xét tuyển thẳng theo qui định của trường.
2. Xét tuyển dựa vào Kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc Gia Tp.HCM & Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022.
3. Xét kết quả kỳ thi THPT vào tất cả các ngành đào tạo của trường.
4. Xét kết quả học bạ THPT cho tất cả các ngành: Dựa vào kết quả học tập năm lớp 12, cột trung bình cả năm của môn xét tuyển hoặc kết quả điểm Trung bình môn năm lớp 11 & điểm học kỳ 1 lớp 12.
Đại học Duy Tân dự kiến tuyển sinh 6.200 chỉ tiêu, đào tạo 35 ngành trình độ đại học với 56 chuyên ngành trong đó 13 chuyên ngành hợp tác quốc tế và liên kết với 4 trường đại học Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Trúc Chi (t/h)