Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó đáng chú ý, 40,71% vốn nhà nước trong Tổng công ty cổ phần Licogi sẽ được thoái hết ngay trong năm nay.
Diễn biến này mở ra cơ hội thâu tóm gần như toàn bộ Licogi của một tập đoàn tư nhân, vốn tưởng như đã “vụt tắt” cách đây không lâu.
Giữa tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước (40,71%) tại Licogi và chuyển quyền đại diện phần vốn từ Bộ Xây dựng về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ngay trong quý I.
Chỉ ít hôm sau đó, Bộ Xây dựng ngày 25/3/2017 nhận được công văn của Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông đề xuất mua lại toàn bộ 40,71% vốn nhà nước tại Licogi. Bộ Xây dựng sau đó đã có văn bản phản hồi rằng đề xuất của Công ty Khu Đông không thuộc thẩm quyền của cơ quan này.
Công ty Khu Đông là cổ đông chiến lược của Licogi sau khi đã mua vào 31,5 triệu cổ phần, tương đương 35% vốn Licogi khi tổng công ty này tiến hành cổ phần hóa đầu năm 2015.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, nhiều cá nhân có liên quan đến Công ty Khu Đông cũng đã mua phần lớn trong số 21,27 triệu cổ phần Licogi trong đợt IPO tháng 4/2015.
Tới giữa tháng 3/2017, các cổ đông cá nhân này bỗng dưng biến mất, thay vào đó là Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường, sở hữu 20 triệu cổ phiếu, tương đương 22,24% vốn điều lệ của Licogi.
Bởi vậy không khó hiểu khi Công ty Gia Cường hay Công ty Khu Đông đều là “người một nhà”, và trên thực tế cùng là thành viên của một tập đoàn bất động sản mới nổi ở Việt Nam.
Nếu thành công trong việc mua 40,71% phần vốn nhà nước còn lại, tỷ lệ nắm giữ của Công ty Khu Đông – Công ty Gia Cường sẽ lên tới 97,95% vốn cổ phần của Licogi.
Điều gì tạo nên sự hấp dẫn của Licogi mà nhóm Công ty Khu Đông muốn thâu tóm gần như toàn bộ tổng công ty này đến vậy? Đáp án chắc hẳn không gì khác ngoài quỹ đất khổng lồ mà Licogi đang sở hữu.
Licogi hiện có trong tay một loạt dự án lớn với tổng diện tích hơn 1.500.000 m2, gồm dự án Khu ĐTM Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội (diện tích 351.618 m2); dự án Khu ĐTM Cột 5 – Cột 8 TP Hạ Long, Quảng Ninh (332.828 m2); dự án khu ĐTM Cột 5 – Cột 8 mở rộng (198.603 m2); dự án khu ĐTM Nam Ga – TP. Hạ Long (238.018 m2); dự án Khu dân cư đô thị Yên Thanh – Licogi Yên Thanh Uông Bí, Quảng Ninh (275.672 m2)…
Với việc phần lớn nằm dưới dạng dự án đã được cấp phép, đây thực sự là “mỏ vàng” của Licogi, và không khó hiểu khi nhóm Công ty Khu Đông muốn ôm trọn, thay vì phải phân chia cho đối tác khác.
Trong lúc này, một băn khoăn lớn cần giải đáp là tại sao rất nhiều cá nhân liên quan với cổ đông chiến lược Công ty Khu Đông có thể dễ dàng thâu tóm phần lớn lượng cổ phần trong phiên đấu giá ngày 13/4/2015 với giá chỉ 10.006 đồng mỗi cổ phần, cao hơn vỏn vẹn 6 đồng so với mệnh giá.
Phương án phê duyệt cổ phần hóa Licogi trước đó chỉ cho phép nhà đầu tư chiến lược nắm giữ tối đa 35% vốn, có nghĩa rằng cơ hội sở hữu Licogi vẫn có thể thuộc về các nhà đầu tư khác, thông qua hình thức đấu giá công khai, minh bạch, qua đó mang về lợi ích lớn nhất cho ngân sách.
Còn giờ đây, khi nhóm Công ty Khu Đông – Gia Cường đã nắm tỷ lệ sở hữu quá bán (57,24%), thì liệu 40,71% vốn SCIC chuẩn bị thoái tại Licogi có còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư khác, hay sẽ tiếp tục dễ dàng bị thâu tóm như cách đây hai năm?!
Lưu ý rằng kết quả kinh doanh của Licogi lao dốc mạnh kể từ khi được cổ phần hóa với sự xuất hiện của nhóm Công ty Khu Đông, với lỗ lũy kế hợp nhất được kiểm toán đến cuối năm 2016 là 459 tỷ đồng – chiếm hơn nửa vốn điều lệ (900 tỷ đồng), trong khi giai đoạn trước đó hoạt động không hề tồi, có những năm lãi hơn 100 tỷ đồng như năm 2011 (167 tỷ đồng), năm 2012 (143 tỷ đồng), năm 2013 (101 tỷ đồng).
Thực tế là Licogi càng thua lỗ (có thể chỉ trên sổ sách) thì giá trị phần vốn nhà nước càng suy giảm và càng dễ dàng bị thâu tóm bởi cổ đông tư nhân với cái giá rẻ mạt.