Đảng cầm quyền của Estonia vừa nhất trí đề cử Bộ trưởng Khí hậu Kristen Michal thay thế nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm Kaja Kallas làm Thủ tướng mới của quốc gia vùng Baltic, truyền thông địa phương đưa tin hôm 29/6.
Đảng Cải cách (Reform Party) trung hữu cầm quyền đã đưa ra quyết định sau cuộc họp kín, sau khi Liên minh châu Âu (EU) chọn bà Kallas trở thành Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của khối 27 quốc gia trong 5 năm tới, theo đài truyền hình quốc gia Estonia ERR.
Ông Michal, 48 tuổi, ứng cử viên duy nhất được đề cử cho vị trí tân Thủ tướng Estonia, đã bày tỏ cảm ơn vì đã được tin tưởng và hứa sẽ đảm nhận trách nhiệm một cách nghiêm túc. Ông nhấn mạnh rằng trọng tâm của ông sẽ là an ninh cho toàn bộ Estonia.
“Người dân Estonia cần được yên tâm rằng nhà cửa và đất đai của chúng ta được bảo vệ và đất nước được vận hành tốt. An ninh quốc phòng, tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và tiếp tục làm sạch nền tài chính công chắc chắn sẽ là những ưu tiên quan trọng trong khi xem xét lại thỏa thuận liên minh”, ERR dẫn lời ông Michal nói.
Tổng thư ký Đảng Cải cách Timo Suslov cho biết ông Michal là một ứng cử viên nặng ký cho chức Thủ tướng Estonia. “Kristen đã là thành viên của đảng trong 27 năm. Từng nhiều lần giữ chức Bộ trưởng, ông ấy có sự chuẩn bị tốt và có kinh nghiệm chính trị vững chắc để đảm nhận vai trò Thủ tướng”, ông Suslov cho biết trong một tuyên bố.
Thủ tướng Kallas sẽ bắt đầu quá trình từ chức vào tháng tới, Đảng Cải cách cho biết vào ngày 29/6 sau khi chọn người kế nhiệm bà. Một thông cáo báo chí cho biết bà vẫn sẽ đại diện cho đất nước với tư cách Thủ tướng Estonia tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Washington DC vào ngày 9-11/7, sau đó bà sẽ từ chức Thủ tướng.
Bà Kallas được đề cử làm nhà ngoại giao hàng đầu của EU hôm 27/6, Tuy nhiên, việc đề cử này vẫn cần được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua trong phiên họp vào ngày 18/7. Trên cương vị Thủ tướng Estonia, bà Kallas đã lãnh đạo 3 chính phủ liên tiếp (2021-2022, 2022-2023, 2023-2024) và là nữ Thủ tướng đầu tiên của quốc gia vùng Baltic vừa là thành viên EU vừa là thành viên NATO.
Trước khi bà Kallas tới Brussels và ông Michal lên nắm quyền Thủ tướng, liên minh cầm quyền hiện tại – bao gồm Đảng Cải cách, Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Estonia 200 theo chủ nghĩa tự do – dự kiến sẽ xác định lại thỏa thuận liên minh của mình. Nhưng chính sách đối ngoại của nước này được đảm bảo giữ nguyên, ông Michal nói với Đài DW của Đức hôm 28/6.
“Định hướng chính sách đối ngoại vẫn sẽ giống như dưới thời bà Kaja Kallas, chúng tôi có cùng quan điểm về an ninh và đối ngoại”, tân Thủ tướng Estonia nói.
Estonia dưới thời “bà đầm thép” Kaja Kallas là một trong những nước ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất trong suốt hơn 2 năm xung đột vừa qua, đồng thời cũng là một trong những nước có quan điểm “diều hâu” (cứng rắn) nhất đối với Nga và các đòn trừng phạt của EU đối với Moscow.
“Ông Michal có lẽ sẽ chú ý tới đối nội hơn, nhưng vì thái độ chính trị chung ở Estonia quá ủng hộ Ukraine, ngay cả trong nội bộ, ông Michal không thể được phép tạo ra ấn tượng nào đó rằng Ukraine bằng cách nào đó đã bị bỏ rơi”, ông Meinhard Pulk, nhà báo chính trị của tờ báo Postimees của Estonia, cho biết.
Các vấn đề cấp bách như quốc phòng, luật thuế ô tô và ổn định tài chính đất nước vẫn nằm trong chương trình nghị sự của liên minh cầm quyền. Nhưng quốc phòng vẫn là vấn đề cấp bách nhất trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
“Các vấn đề chính trong chính sách gần đây của Estonia là tình trạng thiếu dự trữ đạn dược của chúng tôi, nhưng việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi số tiền rất lớn trong bối cảnh Estonia”, ông Pulk nói. “Liệu có đạt được sự đồng thuận chính trị và cách tài trợ dưới thời ông Estonia Kristen Michal hay không sẽ là một trong những câu hỏi quan trọng nhất của chính phủ”.
Minh Đức (Theo Anadolu, DW)