Nằm trên địa bàn 4 xã Hợp Tiến, Tuy Lai, Hồng Sơn, Thượng Lâm (huyện Mỹ Đức), quần thể khu du lịch Quan Sơn từ lâu được biết đến như là một “Hạ Long” của thủ đô bởi vẻ sơn thủy hữu tình.
Công trường khai thác đá đã bị bỏ hoang vài năm nay không có bất kỳ dấu hiệu nào của công tác hoàn thổ.
Từ những năm 1960, hồ Quan Sơn được khoanh vùng bởi một con đê dài 20km chạy dọc từ Thượng Lâm đến xã Hợp Tiến nhằm ngăn chặn nước lũ rừng ngang, tạo bể chứa thủy lợi cho 2.000ha cây trồng và nuôi trồng thủy sản.
Tiềm năng du lịch của vùng Quan Sơn được quy hoạch với gần 3.000ha, bao gồm vùng hồ Quan Sơn rộng 850ha; gần100 ngọn núi đá vôi với thảm động - thực vật phong phú và quý hiếm.
Cảnh sơn thủy hữu tình, thiên nhiên hoang dã không chịu sự tác động của con người đã ưu đãi cho Quan Sơn vẻ diễm tình không khác vịnh Hạ Long. Thế nhưng, nhiều năm nay, “Hạ Long” ở Mỹ Đức bị bủa vây bởi lò gạch và những “phế tích” của khai trường khai thác đá.
Dấu tích ngổn ngang còn sót lại của công trường khai thác đá..
Tại khu đất hoang rộng hàng chục ha nằm trên xã Hợp Tiến, dấu tích ngổn ngang còn sót lại của công trường khai thác đá (đơn vị khai thác là công ty sản xuất vật liệu và xây dựng số 2 Hà Tây) - khiến cảnh quan đẫm màu liêu trai.
Những “xác” núi còn sót lại, chủ yếu là các phần lõi của những núi đá sừng sững trước kia chưa khai thác hết; những lò nung vôi hoang phế, cỏ dại mọc xanh rì; những đầu máy nổ hoen rỉ; những sợi dây chão vắt từ đỉnh xuống chân núi – dụng cụ đu của thợ khai thác đá…
“Dấu vết” của công ty khai thác đá trước kia còn lại trên công trường, đó là những khu nhà cấp bốn tróc hết mái, chỉ còn phần tường đổ nát. Người dân trong vùng tận dụng để làm chuồng nuôi nhốt lợn.
Nạo vét lòng hồ để lấy đất làm gạch?!
Một người dân cho hay: công trường khai thác đá đã bị bỏ hoang vài năm nay. Công ty chuyển đi đâu không ai biết, chỉ còn lại hiện trường khai thác đá ngổn ngang và hoang tàn.
Không có bất kỳ dấu hiệu nào của công tác hoàn thổ, ngoài lưa thưa những cây con được trồng trên vạt đất hiếm hoi, mà phần lớn những cây này đã chết khô, còng queo như những que củi ai đó cắm xuống đất.
Từ “phế tích” công trường khai thác đá chạy thẳng theo sống đê, khu sản xuất lò gạch sầm uất tiếp tục tàn phá cảnh quan. Người dân cho hay: hàng chục năm nay, cả chục lò gạch sản xuất thủ công ngày đêm đào xới, nhả khói làm ô nhiễm môi trường, phá nát cảnh quan khu sinh thái.
Chưa hết, những chiếc xe chở gạch, đất ngày đêm đã góp phần tàn phá thêm. Trong đó, nguyên liệu sản xuất gạch của những lò gạch này lại được lấy từ… lòng hồ Quan Sơn!
Nạo vét lòng hồ để lấy đất làm gạch?
Theo người dân địa phương, gần chục năm nay, những lò gạch sản xuất thủ công trên địa bàn xã Hồng Sơn lấy nguyên liệu chủ yếu từ việc nạo vét lòng hồ Quan Sơn. Công trường sản xuất gạch này được đặt ở vùng ngoài đê, khá xa khu dân cư nhưng lại rất gần với khu thắng cảnh.
Thời điểm hiện tại, một chủ lò đã xây dựng một cột ống khói cao gần trăm mét, với quy mô sản xuất khá bề thế.Theo tìm hiểu, chủ lò này đang chuyển sang mô hình sản xuất công nghệ mới ngay sau khi Hà Nội có chủ trương cấm triệt để các lò sản xuất gạch thủ công.
Hàng chục năm nay, cả chục lò gạch ngày đêm đào xới, nhả khói làm ô nhiễm môi trường, phá nát cảnh quan khu sinh thái.
“Hàng chục năm nay, người dân chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm, khói bụi từ các lò gạch thủ công này. Đường đê dài hàng chục km bao quanh hồ Quan Sơn bị xe chở gạch, đất cày xới làm cho tan nát. Tiếng là ở gần với hồ sinh thái, nhưng chúng tôi chưa bao giờ được dễ thở cả” – một người dân bức xúc.
Bà Phạm Thị Sánh, GĐ công ty CP thủy sản và du lịch Quan Sơn, đơn vị được giao khai thác, quản lý hồ Quan Sơn cho biết: việc nạo vét, cải tạo hồ Quan Sơn thuộc dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt từ năm 2002, thời gian trong vòng 10 năm.
Cũng theo bà Sánh, quá trình khai thác trên 40 năm, hồ bị bồi lắng dẫn đến dung tích lòng hồ bị thu hẹp, mới chỉ cấp nước phục vụ việc đổ ải hồ đã cạn nước, ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thủy sản và khai thác du lịch.
Trước thực trạng trên, Cty CP Thủy sản và du lịch Quan Sơn đã lập dự án cải tạo, nạo vét hồ trình sở NN-PTNT Hà Tây (cũ) và UBND tỉnh Hà Tây. Tháng 7/2002, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành QĐ số 993 chấp thuận phương án nạo vét, cải tạo hồ Quan Sơn của đơn vị quản lý hồ.
Toàn bộ khối lượng đất nạo vét từ lòng hồ (hơn 1,8 triệu khối đất) được công ty CP thủy sản và du lịch Quan Sơn hợp đồng với 8 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng làm nguyên liệu sản xuất gạch.
"Nếu cứ lấy lý do nạo vét để cải tạo lòng hồ, không biết đến khi nào hồ Quan Sơn mới xong diện mạo, còn khu lò gạch sắp phát triển thành “cụm công nghiệp lò gạch” - một người dân xã Hồng Sơn than phiền.
Giải thích việc nạo vét lòng hồ rồi bán đất cho 8 cơ sở sản xuất gạch, lãnh đạo đơn vị được giao quản lý, khai thác hồ Quan Sơn cho biết: đấy cũng là việc cực chẳng đã của đơn vị.
Hồ không đủ nước để thả cá và làm du lịch; cty không có nguồn thu để trả lương công nhân. Nếu không nạo vét hồ thì ảnh hưởng đến cả việc không đủ nước để tưới tiêu cho nông nghiệp.
Để “giải bài toán” trên, công ty thủy sản và du lịch Quan Sơn đã hợp đồng với 8 chủ lò gạch theo phương thức, các chủ lò sẽ nạo vét lòng hồ, bù lại, đất nạo vét lên, chủ hồ sẽ bán cho chủ lò làm nguyên liệu sản xuất gạch!!!
Trong QĐ phê duyệt phương án cải tạo, nạo vét hồ Quan Sơn, thời hạn của dự án được phê chuẩn là 10 năm (2002 –2012), tuy nhiên, chủ dự án đã xin gia hạn thêm đến năm 2015.
Đó cũng là lý do các chủ lò gạch có đơn xin chuyển đổi phương thức sản xuất từ lò thủ công sang công nghệ mới để trình UBND huyện Mỹ Đức.
“Nếu như được chấp thuận, người dân chúng tôi sẽ lại tiếp tục phải hứng chịu cảnh ô nhiễm khói lò, đường sá bị tàn phá… suốt cả chục năm trời đằng đẵng. Nếu cứ lấy lý do nạo vét để cải tạo lòng hồ, không biết đến khi nào hồ Quan Sơn mới xong diện mạo, còn khu lò gạch sắp phát triển thành “cụm công nghiệp lò gạch” ngay sát chân “Hạ Long 2” mất rồi!” - một người dân xã Hồng Sơn than phiền.
Theo Vietnamnet.vn