Mỗi năm chỉ kiểm tra được 1/10
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những sự cố đáng tiếc ở các phòng khám tư nhân. Và dù cơ quan chức năng đã tiến hành thanh kiểm tra, nhưng một số phòng khám không đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn của bác sĩ... vẫn ngang nhiên hoạt động. Những phòng khám này còn sử dụng nhiều chiêu trò để “qua mặt” cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung (Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, sở Y tế Hà Nội) cho biết: “Tính đến ngày 20/7/2017, trên địa bàn TP.Hà Nội có 3.320 phòng khám tư nhân. Trong đó gồm có các loại hình: Phòng khám Đa khoa (152); Phòng chẩn trị Y học cổ truyền (638); Phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế (2.530). Danh sách những phòng khám đã được sở Y tế cấp giấy phép hoạt động đều được cập nhật đầy đủ trên cổng thông tin điện tử của sở Y tế; Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe và Trung tâm Y tế dự phòng”.
Tuy nhiên, cũng theo lời ông Trung vì số lượng phòng khám quá lớn trong khi số lượng cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra có hạn nên một năm, đơn vị này chỉ hậu kiểm được khoảng 100 cơ sở; nếu đoàn thanh tra có đi cùng thì cũng chỉ kiểm tra được khoảng 300 cơ sở/năm.
Về vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân sự tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, ông Trung cho biết, các cơ sở được cấp giấy phép hành nghề phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân sự, điều kiện vệ sinh môi trường theo quy định tại luật Khám chữa bệnh và quy định chi tiết tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ông Trung nhấn mạnh: “Tùy hình thức tổ chức hành nghề mà có yêu cầu về điều kiện khác nhau. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở phải có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện theo quy định, nếu có thay đổi về quy mô, cơ cấu tổ chức thì cơ sở phải nộp hồ sơ điều chỉnh giấy phép theo đúng quy định của pháp luật”.
“Khó tránh khỏi sự cố ngoài ý muốn”
Trước băn khoăn của người bệnh về vấn đề trách nhiệm của những bác sĩ tư nhân trong việc khám chữa bệnh, ông Trung khẳng định: “Trách nhiệm của bác sĩ đối với người bệnh đã được quy định cụ thể trong luật Khám chữa bệnh, cụ thể là tại Điều 35. Tuy nhiên, không phải phòng khám tư nhân nào cũng thực hiện tốt quy định này. Ngoài chế tài, còn có vấn đề y đức, đạo đức nghề nghiệp nữa”.
Nói về trách nhiệm của sở Y tế khi phòng khám tư nhân để xảy ra sai sót dẫn đến sự cố đối với bệnh nhân, vị Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân cho rằng: “Sai sót, xảy ra tai biến trong quá trình khám chữa bệnh là vấn đề không thể tránh khỏi. Không một bác sĩ nào dám khẳng định trong suốt quá trình hành nghề y của mình sẽ không xảy ra sai sót.
Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân và những yếu tố khách quan khác nữa. Tôi lấy ví dụ như sốc phản vệ chẳng hạn, làm sao bác sĩ có thể biết trước được người bệnh sẽ bị sốc?... Để hạn chế và giảm thiểu rủi ro, các phòng khám tư phải tự xây dựng một quy trình làm việc cụ thể, chặt chẽ. Còn những trường hợp bất khả kháng thì không thể tránh được”.
“Trách nhiệm đầu tiên đối với những cơ sở khám chữa bệnh không phép thuộc về người đứng đầu các cơ sở đó vì đã không tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tiếp theo là khâu kiểm tra giám sát thường xuyên, sở Y tế có trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động và quản lý các cơ sở theo chức năng nhiệm vụ được giao, đồng thời có trách nhiệm giáo dục ý thức pháp luật cho các cơ sở hành nghề, khuyến cáo người dân chỉ lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở có đủ điều kiện và có giấy phép đàng hoàng”, ông Quang Trung nhấn mạnh.
Người dân phải tự bảo vệ mình
Trao đổi với PV về vấn đề khám chữa bệnh tư nhân, luật sư Bùi Hoài Thanh (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết, với mô hình này, không còn cơ chế xin – cho nữa. Theo đó, phòng khám là nơi cung cấp dịch vụ và khách hàng là người sử dụng dịch vụ ấy. Thời nay, người bệnh muốn khám ở loại hình nào thì có thể vào Google tra tên phòng khám, bác sĩ khám... Điều đó có nghĩa là họ hoàn toàn có quyền lựa chọn những phòng khám có uy tín, giá dịch vụ hợp lý.
“Khi mình có nhu cầu sử dụng dịch vụ thì tìm đến phòng khám, ở đây hai bên có sự “thuận mua vừa bán”. Không ai được quyền ép buộc bệnh nhân phải khám chữa bệnh ở cơ sở khám chữa bệnh đó, nếu họ không muốn. Theo tôi được biết thì hiện nay ngoài uy tín, danh tiếng của bác sĩ, các phòng khám còn cạnh tranh với nhau khá khốc liệt về giá các loại dịch vụ”, luật sư Thanh nói.
Về việc xử lý những sai phạm của phòng khám tư nhân, ông Trung cho biết: “Trong quá trình hành nghề, nếu phòng khám bị người bệnh phản hồi là chưa tốt, có bằng chứng rõ ràng, sở Y tế sẽ tiến hành thanh, kiểm tra và nếu có sai phạm sẽ xử lý theo quy định”.
Chia sẻ về giải pháp khắc phục những bất cập trên, ông Trung cho biết thêm: “Trong thời gian tới, sở Y tế sẽ tiếp tục triển khai một số biện pháp trong tăng cường, quản lý cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân như: Tăng cường các biện pháp giáo dục ý thức pháp luật đối với các cơ sở hành nghề, khuyến cáo người dân lựa chọn sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, phối hợp liên ngành, tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân, đồng thời yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh niêm yết danh sách người tham gia hành nghề, chứng chỉ hành nghề của người hành nghề, số điện thoại đường dây nóng của sở Y tế để thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát và người dân biết. Phản ánh kịp thời đến sở Y tế nếu phát hiện hành vi, thông tin vi phạm của cơ sở để có hướng xử lý theo quy định”.
Kiểm soát thu nhập ngoài giờ của bác sĩ là trách nhiệm của… sở KH&ĐT?
Trả lời câu hỏi của PV về việc cơ quan nào sẽ kiểm soát thu nhập ngoài giờ của bác sĩ tại các phòng khám tư nhân, ông Quang Trung cho biết: “Việc này thuộc sở KH&ĐT (cơ quan cấp đăng ký kinh doanh). Khi phòng khám được đăng ký thành lập sẽ được cấp mã số thuế riêng và phải thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo quy định”. |
Nhóm PV