“Lỗ hổng” chết người từ các phòng khám tư nhân giữa thủ đô LTS: Trong những năm qua, các cơ sở y tế tư nhân mở ra ngày càng nhiều, góp phần không nhỏ vào việc khám chữa bệnh cho người dân. Khách quan mà nói thì loại hình y tế này đã góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Tuy nhiên, bên cạnh chất lượng không đồng đều, công tác quản lý, giám sát các cơ sở y tế tư nhân này còn quá nhiều bất cập. Đây chính là những “lỗ hổng chết người” mà trong quá trình thâm nhập thực tế, PV báo Người Đưa Tin đã ghi nhận được. |
Chọn công hay tư?
Sau một thời gian triển khai chính sách xã hội hóa y tế, Việt Nam đã có những bệnh viện tư lớn, tạo dựng được thương hiệu riêng như bệnh viện FV, bệnh viện AS. Thậm chí hướng tới quy mô phát triển chiến lược bài bản hơn, rộng hơn bằng cách xây dựng hệ thống chuỗi bệnh viện, phòng khám như một số tập đoàn.
Điều này trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của hệ thống y tế công lập. Dù đã nỗ lực thay đổi hình ảnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, thế nhưng quá trình thay đổi của y tế công lập vẫn rất chậm chạp, tình trạng quá tải vẫn xảy ra, đặc biệt, một số nhân viên y tế vẫn còn thái độ trịch thượng khi tiếp xúc với bệnh nhân...
Tình trạng chen chúc chờ đến lượt khám, chữa bệnh diễn ra phổ biến ở các bệnh viện công. Trong khi đó, giá khám bệnh của các bệnh viện ở Hà Nội thì luôn trong tình trạng tăng (từ 1/8, mức tăng khoảng 20%). Đó là những nguyên nhân khiến người bệnh tìm đến các phòng khám tư để có được dịch vụ chất lượng hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh các phòng khám tư chất lượng, ở Hà Nội và nhiều khu vực lân cận vẫn còn tồn tại nhiều phòng khám tư xập xệ, trang thiết bị y tế cũ nát. Các phòng khám này do một số y, bác sĩ tranh thủ làm thêm ngoài giờ hoặc các bác sĩ đã về hưu thành lập ra.
Theo khảo sát của PV, không ít phòng khám tư do một số bác sĩ làm ngoài giờ, cơ sở vật chất nghèo nàn nhưng vẫn thu hút rất nhiều bệnh nhân.
Sau khi khảo sát trên một số diễn đàn, mạng xã hội, PV báo ĐS&PL quyết định thâm nhập thực tế để tìm hiểu chất lượng thực sự của các phòng khám tư trên địa bàn Hà Nội.
Trái ngược với những biển hiệu “lấp lánh” trên mạng xã hội, những gì ghi nhận được trên thực tế khiến PV giật mình!
Nhìn người đã đọc được bệnh?!
Theo thông tin trên mạng xã hội, phòng khám da liễu của bác sĩ N. (Phố Huế, Hà Nội) được đánh giá là phòng khám uy tín, với đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, nhiều năm kinh nghiệm... Tuy nhiên, khi PV tìm đến nơi phòng khám đặt trụ sở thì chỉ thấy một tấm biển quảng cáo về mỹ phẩm, chăm sóc da... Sau khi hỏi thăm một số người dân xung quanh, PV phải lách qua một con ngõ hẹp mới vào được phòng khám này...
Tại đây, PV quan sát thấy có khá nhiều bệnh nhân ngồi chờ khám. PV phải lấy số thứ tự 15 trong khi bệnh nhân đang được khám mới là người thứ sáu. Lân la trò chuyện với một số bệnh nhân đang ngồi chờ, PV được biết thời gian khám bệnh ở đây là từ 9h sáng đến 11h30, chiều từ 3h đến 4h30. Tuy nhiên, để được bác sĩ N. trực tiếp khám và kê thuốc thì bệnh nhân phải gọi điện, hẹn giờ khám trước. Nhiều bệnh nhân vì không hẹn trước nên khi đến phòng khám phải xếp hàng quá lâu, đành phải ra về.
Đang nghĩ mình sẽ phải chờ rất lâu mới đến lượt, ai dè chưa đầy 15 phút sau, PV đã được gọi tên. Trong quá trình thăm khám, PV quan sát thấy bác sĩ ở đây chỉ khám theo kiểu tham vấn và quan sát biểu hiện bên ngoài của người bệnh rồi nhanh chóng kết luận, viết đơn thuốc. Sau khoảng 3 phút thăm khám, PV đã được chẩn bệnh xong!
Tiếp tục vào vai người nhà bệnh nhi, PV tìm đến phòng khám Đ.B.H. trên phố Hàng Bông. Đây là phòng khám được “cư dân mạng” giới thiệu là “vô cùng nổi tiếng”, được rất nhiều “bà mẹ bỉm sữa” tín nhiệm. Lần mò mãi, PV mới tìm thấy nơi treo biển hiệu của phòng khám nổi tiếng này ở một hẻm nhỏ.
Cũng giống như chiếc biển hiệu chưa đến 1m2 được gắn trên bức tường đầy rêu phong, diện tích của phòng khám này vô cùng “khiêm tốn”: Rộng chưa đầy 10m2!
Tìm đến phòng khám Đ.M. (trên đường Phùng Hưng, Hà Nội), PV yêu cầu được thăm khám dạ dày. Khi PV còn chưa kịp “mô tả” dấu hiệu của bệnh lý thì vị bác sĩ khám bệnh đã nhanh chóng giới thiệu: “Ở đây có 2 cách soi dạ dày, soi không đau thì mất 2 phút rưỡi; còn soi thường (không tiêm thuốc tê-PV) thì nhanh hơn. Trước khi soi, bệnh nhân phải nhịn ăn”. Về chi phí thăm khám, vị bác sĩ trên khẳng định ở đây là “rẻ nhất quả đất”... Như để đảm bảo cho lời nói của mình, vị bác sĩ nọ nhấn mạnh: “Có gì thì cứ đến đây, đến đây là đúng địa chỉ rồi, không phải lo lắng gì”. Lấy lý do đã lỡ ăn sáng, PV hẹn hôm sau sẽ quay lại.
Quan sát quá trình khám chữa bệnh cho một bệnh nhi của bác sĩ tại phòng khám Đ.B.H., khi mẹ bệnh nhi tỏ ý lo ngại về dịch sốt xuất huyết, vị bác sĩ trấn an: “Bé đang sốt nhẹ, khi nào bé có biểu hiện sốt hơn 37, 38 độ rồi sốt tăng vọt lên thì phải đưa đi xét nghiệm xem có bị sốt xuất huyết hay không. Còn sốt nhẹ như này thì chưa sợ, có thể là sốt siêu vi trùng thôi. Tôi sẽ ghi vào đây (giấy khám-PV) theo dõi khoảng ngày mai, ngày kia, nếu bé sốt 39 độ thì đưa đi xét nghiệm”.
Khi PV hỏi tại sao không đưa con vào bệnh viện khám mà lại đến đây, mẹ bệnh nhi cho biết bây giờ đang dịch, vào viện sợ lây chéo, qua đây bác sĩ xem cho trước sẽ yên tâm hơn. Khi PV tiếp tục hỏi nếu không làm xét nghiệm thì làm sao biết được bệnh nhi bị sốt xuất huyết hay sốt siêu vi, mẹ bệnh nhi này khẳng định bác sĩ khám là người rất có kinh nghiệm nên chị rất yên tâm?!
Qua quá trình thực tế, PV nhận thấy việc thăm khám ở các phòng khám tư nói trên đều nhanh đến mức... chớp nhoáng... Thậm chí, có bác sĩ chỉ cần nhìn người bệnh là đã có thể đọc được bệnh ngay lập tức.
“Nở rộ” phòng khám tư Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2017, cả nước có 444 cơ sở khám chữa bệnh từ phòng khám trở lên. Cụ thể có 292 phòng khám, 152 bệnh viện, Phòng khám 292, bệnh viện 152 cơ sở, trong đó tương đương hạng 2 là 71 bệnh viện và tương đương hạng 3 là 81. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Số giường bệnh của các bệnh viện tư nhân phổ biến có từ 60 đến 100 giường. Một số bệnh viện tư nhân có số giường kế hoạch cao như: Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) 550 giường; bệnh viện Đa khoa Cửa Đông (Nghệ An) 250 giường; bệnh viện Quốc tế Hải Phòng có 170 giường… |
(Còn nữa)
Nhóm PV