Lỗ hổng quản lý kinh tế nhìn từ các đại án ngân hàng

Lỗ hổng quản lý kinh tế nhìn từ các đại án ngân hàng

Đỗ Thị Thơm

Đỗ Thị Thơm

Thứ 7, 02/09/2017 07:00

Hàng loạt vụ án liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng bị phát hiện thời gian qua, với mức thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Điển hình đại án ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) do Hà Văn Thắm cầm đầu đã bị đưa ra xét xử cho thấy còn những lỗ hổng trong quản lý ngân hàng.

Xã hội - Lỗ hổng quản lý kinh tế nhìn từ các đại án ngân hàng

ĐBQH Bùi Văn Phương: "Đừng nên nghĩ đơn giản, ngân hàng cổ phần không liên quan gì đến ngân hàng Nhà nước cũng như nền kinh tế".

Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn ĐB Ninh Bình, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.

PV: Đại án Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng đồng phạm đã gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng. Các đương sự tham gia phiên tòa có tới 727 người. Từ vụ án này đang có rất nhiều điều đặt ra, thưa ông?

ĐBQH Bùi Văn Phương: Sự việc “rút ruột” tài chính xảy ra tại các ngân hàng trong thời gian dài, điển hình là Oceanbank nhưng không bị phát hiện kịp thời cho thấy có những lỗ hổng trong quản lý.

Tôi cho rằng, hoạt động ngân hàng cho vay lãi ngoài, cho vay không đúng quy định... các cơ quan thanh tra giám sát chắc chắn sẽ biết, bản thân nội tại trong ngân hàng đó cũng biết. Cơ quan quản lý không thể không biết nhưng cả bộ máy cán bộ bị chi phối bởi một bộ phận, nhóm người không làm hết trọng trách, làm ngơ cho sai phạm.

Chúng ta không nên nghĩ đơn giản, ngân hàng cổ phần không liên quan gì đến ngân hàng Nhà nước cũng như nền kinh tế. Người ta vay huy động vào 5, nếu không có nợ xấu thì cho vay 6, các doanh nghiệp vay lại của ngân hàng, chi phí lãi vay thấp thì kinh doanh sản phẩm mới có cạnh tranh (sâu xa hơn nền kinh tế mới cạnh tranh được-PV).

Nhưng do ngân hàng làm không đúng quy định luật Các tổ chức tín dụng dẫn đến việc phải lấy lợi nhuận kiếm được trả vào nợ xấu; lãi huy động và cho vay ra chênh nhau xa sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

PV: Vậy theo ông, hiện nay đang có những kẽ hở pháp lý nào khiến cho những ông chủ ngân hàng có thể liều lĩnh “chui lọt”?

ĐBQH Bùi Văn Phương: Những năm gần đây, hệ thống pháp luật hành chính, ngân hàng đến pháp luật hình sự của chúng ta rất chặt chẽ. Nhưng có lẽ lỗ hổng không nằm ở việc ban hành pháp luật mà cốt lõi là thực thi pháp luật, phát hiện, xử lý và giải quyết những vấn đề tội phạm phát sinh trên thực tế như thế nào.

Thực tế  trong nhiều vụ án xảy ra thời gian qua cho thấy vai trò thâu tóm của một số cá nhân, họ quyết định toàn bộ hoạt động của ngân hàng dẫn đến sự làm ngơ, buông lỏng.

Chức năng thanh tra, giám sát, cảnh báo của chúng ta chưa kịp thời dẫn đến hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Cụ thể trong vụ việc Oceanbank lần này, theo tôi, cần làm rõ cả trách nhiệm của thanh tra, giám sát của ngân hàng Nhà nước.

PV: Xử lý tài sản đảm bảo là một trong những hình thức các nhà băng đang ráo riết triển khai để giải quyết tình trạng nợ xấu nhưng thực tế còn những bất cập dẫn đến “con voi chui lọt lỗ kim”. Ông đánh giá sao về thực tế này?

ĐBQH Bùi Văn Phương: Theo đánh giá của tôi, lỗ hổng liên quan đến nhiều yếu tố trong cả tổng thể. Tôi đơn cử, câu chuyện cho vay vượt tài sản đảm bảo đang diễn ra khá phổ biến. Quốc hội đã ra nghị quyết xử lý nợ xấu và cho phép tổ chức tín dụng thu hồi tài sản bảo đảm để thu lại khoản nợ. Thế nhưng, hiện nay tồn tại thực trạng tiền cho vay lớn hơn tài sản bảo đảm do việc đánh giá tài sản bảo đảm không sát.

Tôi từng chất vấn bộ Xây dựng liên quan đến mức đơn giá kỹ thuật về mặt xây dựng. Ví dụ, doanh nghiệp xây tòa nhà, giá trị thực chỉ 1.000 tỷ đồng nhưng nếu căn cứ vào định mức và đơn giá của Nhà nước cũng như các tiêu chí liên quan, họ áp giá là 3.000 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính định mức 3.000 tỷ đồng, doanh nghiệp có thể vay ngân hàng lên tới 2.000 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp cứ  vô tư “thất bại”, đến hạn phải trả đã có tài sản bảo đảm rồi, vậy trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn đánh giá, thẩm định tài sản ở đâu?

Bên cạnh việc xác định đơn giá không sát với thực tế, điều đáng quan tâm là có sự móc nối, lợi dụng kẽ hở giữa người cho vay và người vay. Nợ xấu ngân hàng phải lo trả bằng cách huy động lãi vay cao để có lợi nhuận. Lãi huy động và cho vay xa nhau thì nền kinh tế phải gánh chịu, sức cạnh tranh nền kinh tế không còn.

PV: Qua quá trình xét xử những vụ án ngân hàng thời gian qua càng cho thấy trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế nhạy cảm như ngân hàng. Tuy nhiên, các cơ quan này dường như vẫn chưa làm hết trách nhiệm?

ĐBQH Bùi Văn Phương: Vấn đề quản lý Nhà nước trong hoạt động ngân hàng chính từ ngân hàng Nhà nước mà ra và đơn vị này phải chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát, cảnh báo.

Chậm thanh tra, phát hiện và để xảy ra sự việc như vậy thì ngân hàng Nhà nước không thể thoái thác trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, còn có vai trò của đơn vị kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!             

Đỗ Thơm - Hương Lan

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.