Chiều 1/12, các cơ quan chức năng của TP.HCM họp báo về một số ca bệnh Covid-19 vừa phát hiện trên địa bàn. PV Người Đưa Tin Pháp luật đã ghi lại nhận định của ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở Y tế TP.HCM.
Làm rõ lỗ hổng quy trình cách ly
Thưa ông, bộ Y tế đã khẳng định bệnh nhân 1342 vi phạm rất nghiêm trọng đối với các quy định phòng, chống dịch bệnh. Phía sở Y tế TP.HCM đánh giá ra sao?
Bộ Y tế đã quy định về cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines (VNA) đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cho phép thành lập. Đây là khu cách ly tập trung cho riêng các tổ bay của VNA, do VNA đứng ra tổ chức, quản lý.
Chúng tôi đang thực hiện công tác giám sát để xem đơn vị này có làm đúng quy trình hay không, nếu có vấn đề chưa đúng thì chỉnh sửa.
Việc cách ly tại nhà, quy định cũng ghi rõ, đối tượng phải thực hiện theo cam kết đã ký. Địa phương cũng có trách nhiệm trong theo dõi, giám sát, đặc biệt là sức khỏe của người này.
Nếu làm không đúng mà không có ca dương tính thì không ai phát hiện. Nhưng khi có ca dương tính thì hậu quả rất nặng nề. Rõ ràng BN 1342 đã vi phạm quy định, vi phạm cam kết mình đã ký và dẫn đến hậu quả lây lan thêm 3 trường hợp.
Dư luận đặt vấn đề, tại sao BN 1342 lại lây nhiễm từ BN 1325 khi đang trong khu cách ly tập trung? Đây có phải là lỗ hổng trong việc quản lý quy trình nên gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo?
Trong quá trình cách ly, mỗi chuyến bay sẽ cách ly một khu riêng. BN 1325 một chuyến, còn BN 1342 cách ly một chuyến riêng.
Nhưng trong 4 ngày (từ 14 – 18/11) thì BN 1342 vi phạm quy định, tức là đi xuyên qua khu kia. Đây là lỏng lẻo trong quản lý, thuộc trách nhiệm của VNA.
Theo quy định, các thành viên tổ bay trong cùng chuyến bay khi cách ly cũng không được tiếp xúc với nhau chứ đừng nói từ khu vực của chuyến bay này đi qua khu vực của chuyến bay kia.
Hiện, VNA có 2 khu cách ly tại TP.HCM và Hà Nội. Để xảy ra việc nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã giao bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Công tác thành lập, quản lý cơ sở cách ly được thống nhất như thế nào?
Không riêng gì khu cách ly của VNA, tất cả những khu cách ly đều được thẩm định bởi cơ sở y tế giống như những khách sạn cách ly tập trung cho chuyến bay thương mại.
Chúng tôi sẽ thành lập đoàn công tác để cùng trung tâm y tế quận, huyện trong việc thẩm định, làm tờ trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Sau đó, khu cách ly được giao cho trung tâm y tế quận, huyện quản lý. Sở Y tế thành lập đoàn kiểm soát định kỳ cùng với trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
Đề xuất siết chặt quy định cách ly tập trung
Về sự lây nhiễm từ BN 1342 sang BN 1347, tại sao nam tiếp viên VNA được về nhà tự cách ly chỉ sau 5 ngày cách ly tập trung?
Cách ly tại nhà là một trong những quy định của ngành y tế Việt Nam và nhiều nước nhằm tăng tính chủ động, kiểm soát người dân. Chỉ với đối tượng có nguy cơ thấp mới cho phép cách ly tại nhà. Vì nếu đều cách ly tập trung sẽ không đủ chỗ.
Đối với BN 1342 là nam tiếp viên hàng không, khi chuyến bay về xét nghiệm hành khách là âm tính 100%, nếu 2 lần xét nghiệm âm tính thì sau 3 – 5 ngày, người đó được cách ly tại nhà.
Cơ quan chức năng giám sát người cách ly tại nhà như thế nào?
Cán bộ y tế có thể liên hệ người cách ly qua điện thoại. Nếu có triệu chứng bất thường sẽ hướng dẫn những biện pháp tiếp theo.
Với người ở khu chung cư hay nhà trọ, chủ nhà trọ hay ban quản lý chung cư phải có trách nhiệm phối hợp với chính quyền giám sát, hướng dẫn và cảnh báo. Trường hợp không tuân thủ cách ly theo quy định để cưỡng chế.
Nhưng hiện nay chưa có công cụ để cơ quan chức năng giám sát người cách ly tại nhà. Cho nên đòi hỏi rất cao về sự tự giác của người dân.
Sau sự việc này, liệu quy định cho về cách ly tại nhà sau 2 lần âm tính dù chưa đủ 14 ngày tập trung có nên điều chỉnh hay không?
TP.HCM đang kiến nghị xem xét lại quy định này, để đảm bảo tất cả phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày. Do thực tế có một số người không tuân thủ quy định.
Hiện, TP.Hà Nội cũng thống nhất với TP.HCM về đề xuất bắt buộc cách ly tập trung đầy đủ 14 ngày đối với tiếp viên hàng không, thành viên tổ bay dù kết quả xét nghiệm có âm tính.
Cảm ơn ông!
Xử lý theo pháp luật đối với BN 1342
Về trường hợp BN 1342 vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ quy định pháp luật, vi phạm đến đâu xử lý đến đó.
Đặc biệt là luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 để có hình thức xử lý với ông D.T.H (SN 1992, tiếp viên hàng không). Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp chỉ đạo vào chiều 1/12.
Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu quận 1, 3, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Bình và Tân Phú rà soát kỹ lưỡng, nghiêm túc phòng chống dịch bệnh đối với những nơi có liên quan đến BN 1347. Nếu cần thiết có thể đề xuất thực hiện giãn cách khu vực.