Tại sao lại chọn ống Trung Quốc?
Bà Nguyễn Thị Yến, ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết: “Cách đây khoảng 1 năm, chúng tôi thấy họ chở về đây rất nhiều ống loại lớn và lấp xuống đất với khoảng cách từ nhà máy nước Tân Hiệp (Hóc Môn) đến trường tiểu học Tân Thạnh Đông. Lúc đó, chúng tôi có hỏi thì mấy người thợ nói là làm đường dẫn nước. Không biết, đó có phải là loại ống nước của Trung Quốc đang được nói đến hay không?”.
“Nếu nó đúng là loại ống gang dẻo của Trung Quốc, loại được đúc từ những phế phẩm, bom mình hay những loại vũ khí hết hạn thì rất nguy hiểm. Bữa giờ theo dõi thông tin, chúng tôi cũng có lo lắng, mong cơ quan chức năng của TP vào cuộc sớm để có kết luận chính thức, trấn an người dân. Chứ trước đây đã phải xài nước giếng không an toàn, có nguy cơ gây ung thư, nay dùng nước sạch mà... không sạch thì có nên không?”, bà Yến đặt câu hỏi.
Ghi nhận của PV vào thời điểm 2016 cũng cho thấy, các loại ống dẫn dài, loại lớn được lắp đặt trên địa bàn huyện Củ Chi. Đây là dự án được triển khai sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy TP.HCM để đưa nước sạch đến với các khu vực lâu nay vẫn phải dùng nước giếng khoan, giếng đào.
Thực tế, từ năm 2000 tới nay, Sawaco đã sử dụng gần 250.000m ống gang dẻo Trung Quốc, chiếm tới 53% trong tổng số hơn 470.000m ống phục vụ cho việc cải tạo và phát triển hệ thống cấp nước tại TP.HCM. Liên quan đến thông tin này, trước đây ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM khẳng định rằng, TP.HCM không dùng ống dẫn nước Trung Quốc, vì “không đến nỗi phải đấu thầu như ngoài Bắc”?
Theo nguồn tin của PV thì các loại ống gang dẻo của Trung Quốc có giá thành rẻ hơn từ 10% đến 30% so với các loại ống của nhiều quốc gia khác. Chính do giá rẻ hơn nên dễ thắng thầu trong các dự án. Loại sản phẩm này chủ yếu của Xinxing.
“Sản phẩm của các quốc gia như Nhật Bản, Đức, Pháp... vừa đảm bảo chất lượng, vừa tạo sự yên tâm cho người dân và xã hội.
“Hơn nữa việc dùng loại ống nào cũng phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, vì nó thường sử dụng tới cả trăm năm, cộng chi phí bảo trì lớn. Đặc biệt, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, như vậy lại phải chọn lựa các sản phẩm an toàn, có chất lượng tốt”, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc công ty cung cấp nước uống đóng bình M.T. nói.
Về loại ống gang dẻo, TS. Nguyễn Văn Hùng, giảng viên trường đại học Bách khoa TP.HCM phân tích: “Hiện nay, ống gang dẻo đang được nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới sử dụng để dẫn nước sạch, như Nhật Bản, các nước châu Âu, Hàn Quốc... Đây là loại ống có khả năng chịu lực tác động bên ngoài cao gấp nhiều lần so với các loại ống khác”.
Theo TS. Hùng: “Thị trường về ống dẫn nước gang dẻo và phụ kiện ở Việt Nam đang do một vài hãng của Trung Quốc chiếm lĩnh, do giá rẻ (tùy vào chất lượng) và “sự linh hoạt” của họ. Tuy nhiên, ngay cả sản phẩm có chất lượng cao nhất của họ cũng cần phải so sánh với các loại sản phẩm của các nước khác để biết được nó ở mức nào”.
TS. Hùng cho biết thêm: “Kể cả áp lực bên trong và nhiều thành phần cơ khí: Lực kéo, độ giãn dài, lực đàn hồi, độ cứng... chống lại được tác động và dịch chuyển của đất, nền đất yếu, quanh co, dốc đứng. Đây cũng là loại ống dễ thi công và tương đối tiết kiệm. Hiện nay, trong nước chưa có nhà sản xuất ống gang dẻo phục vụ cho ngành nước, do đó, nếu lựa chọn loại này thì phải nhập khẩu”.
Cần minh bạch thông tin ống nước làm từ phế phẩm
Trước nghi vấn xài ống nước gang dẻo Trung Quốc được sản xuất, đúc từ các sản phẩm bom mìn hay những vũ khí hết hạn sử dụng, các chuyên gia cũng như người dân TP.HCM cho rằng, cần phải công khai, minh bạch thông tin về các dự án.
Liên quan đến vấn đề này, ông Dũng cho rằng: “Không chỉ đối với nhà thầu Trung Quốc mà bất kể quốc gia nào cũng đều phải kiểm tra năng lực, sản phẩm của họ. Đồng thời trách nhiệm của các bên phải minh bạch, rõ ràng trong việc đấu thầu, giá và có hay không chuyện cố ý chọn nhà thầu?”.
TS. Phạm Sanh, chuyên gia về lĩnh vực đô thị TP.HCM cho rằng: “Để tạo lòng tin và đảm bảo an toàn lâu dài thì cần phải dựa vào các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ sở khoa học lẫn thực tế để lựa chọn các loại ống dẫn nước sạch cho phù hợp với Việt Nam”.
“Chỉ cần có trách nhiệm và làm đúng theo các quy định của pháp luật của Nhà nước để chọn nhà thầu đủ năng lực, đảm bảo về chất lượng – kỹ thuật... thì đơn vị nào trúng thầu cũng được. Song cần phải công khai, minh bạch thì mới tạo sự đồng thuận trong nhân dân”, TS. Sanh nói thêm.
Trước đó, một người xưng là Trương Văn Hải, nguyên cán bộ Sawaco có đơn gửi Thành ủy, UBND, HĐND TP.HCM yêu cầu kiểm tra về chất lượng ống dẫn nước sinh hoạt trên địa bàn. Theo đó, ông Hải cho biết, Sawaco sẽ phát triển hơn 260km hệ thống ống dẫn nước cấp 1, 2. Ống gang dẻo của Trung Quốc theo ông Hải là kém chất lượng khi đúc từ các sản phẩm bom mìn hay những vũ khí hết hạn sử dụng khiến nhiều người lo lắng.
Trước vấn đề dư luận quan tâm, ông Hồ Văn Lâm, Tổng giám đốc Sawaco cho biết: “Việc mua ống gang dẻo của Trung Quốc hay bất cứ đơn vị nào cũng đều thực hiện việc đấu thầu theo đúng quy trình, quy định của quốc gia. Đồng thời, sau khi nhập các loại ống này về thì đã thuê trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP.HCM) lấy mẫu kiểm định chất lượng trước khi lắp đặt nên đảm bảo an toàn”.
Đang làm rõ thông tin Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết: Lãnh đạo TP đang chỉ đạo các sở ngành có liên quan, như sở GTVT, Khoa học – Công nghệ, Y tế và cả Sawaco... tiến hành làm rõ thông tin có hay không các loại ống nói chung và ống gang dẻo dẫn nước của Trung Quốc ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch phục vụ người dân TP.HCM. |
Thanh Tùng