Theo báo cáo của công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, MCK: HAG), hồi tháng 2, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã bán 21,78 triệu cổ phiếu HAG. Đây là đợt giao dịch cổ phiếu HAG lớn tiếp theo của ông Đức, sau đợt bán ra 35 triệu cổ phiếu vào cuối năm 2020.
Giao dịch này khiến cho tỷ lệ sở hữu của bầu Đức tại HAG giảm từ mức 36,85% xuống còn 34,5%. Hiện ông Đức vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty.
Hôm 12/4, ông Nguyễn Văn Minh, thành viên HĐQT HAGL đã đăng ký bán ra 550.217 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,28% về còn 0,22% vốn, giao dịch dự kiến thực hiện từ 15/4-14/5.
Hiện trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của HAG ở mức giá 5.990 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 16/4). Mức giá này đã giảm so với hồi đầu năm 2021 đạt đỉnh ở mức 6.390 đồng/cổ phiếu (ngày 15/1).
Tháng 12/2008, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chính thức niêm yết trên sàn TP.HCM (HOSE) với mã chứng khoán HAG. Với việc nắm giữ 55% cổ phần (tương đương 109 triệu cổ phần HAG) trị giá 6.160 tỷ đồng, gần như ngay lập tức Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm đó.
Sau đó, từ năm 2010, vị trí đó đã thuộc về tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Điều này cũng phần nào lột tả được tình hình kinh doanh của HAGL khi khối tài sản của người nắm giữ nhiều cổ phần ngày một “bốc hơi”.
Đến nay, người từng giữ vị trí giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam tụt xuống vị trí 62 với khối tài sản 1.917 tỷ đồng.
Nhờ cánh tay Thaco tiếp tục xây đế chế nông nghiệp
Sau thời điểm thịnh vượng nhất của HAGL (năm 2008-2009), các doanh nghiệp của “ông bầu phố núi” Đoàn Nguyên Đức bước vào một thập kỷ nhiều biến động khó khăn do đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực.
Từ lĩnh vực bất động sản và thủy điện, bầu Đức thực hiện một cú đảo chiều chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trồng cây cao su, mía đường và cả nuôi bò… được kỳ vọng cao. Đây là cách để bầu Đức thực hiện lấy ngắn nuôi dài: dùng lợi nhuận của trồng mía, trồng ớt, nuôi bò... để tạo vốn cho địa ốc, bất động sản, thậm chí chỉ là để nuôi rừng cây cao su của ông chủ HAGL.
Thế nhưng, cách làm lấy ngắn để nuôi dài cũng không có kết quả như mong muốn. Khi mà giá cao su giảm mạnh khiến những tính toán của bầu Đức không trở thành hiện thực. Còn mảng mía đường, bầu Đức đã phải bán lại công ty HAGL Sugar (Công ty này sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu – đơn vị sở hữu nhà máy đường và nông trường mía tại Lào) cho 2 công ty của ông Đặng Văn Thành là Đường Biên Hòa và Thành Thành Công Tây Ninh.
Dù vậy, bầu Đức từng chia sẻ vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mảng nông nghiệp với tham vọng xây dựng một đế chế nông nghiệp Việt nổi bật ở Đông Nam Á.
Hiện, HAGL tập trung vào mảng chủ lực là cây ăn trái với sự hỗ trợ từ một cổ đông lớn mới là Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương.
Ông Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ với báo chí, trước những khó khăn mà tập đoàn gặp phải trong một thời gian dài, ông đã tìm gặp và đề nghị sự hợp tác, hỗ trợ của Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương. Trước đề nghị của ông Đoàn Nguyên Đức, ông Trần Bá Dương đã đồng ý đầu tư vào HAGL Agrico (Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - công ty thành viên HAGL Group).
"Cuộc hôn phối" đã có những tín hiệu khởi sắc sau hai năm. Cổ phiếu HNG của HAGL Agrico được chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo bắt đầu từ ngày 7/9/2020. Lý do là bởi HAGL Agrico có lãi ròng 6 tháng đầu năm 2020 (11 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2020 giảm về âm 2 tỷ đồng.
Đây là một tín hiệu tích cực nữa đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) sau khi đại gia từng giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam bắt tay với tỷ phú USD Trần Bá Dương từ cuối 2018.
Kết thúc năm 2020, HAGL Agrico có doanh thu 2.375 tỷ đồng tăng 31% so với năm trước; trong đó nguồn thu chủ yếu đến từ bán cây ăn trái. Lãi trước thuế năm 2020 ghi nhận đạt 48 tỷ đồng. Đây là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong mảng nông nghiệp của Bầu Đức đã có những bước hồi phục đáng kể bởi năm 2019 lỗ trước thuế 2.375 tỷ đồng.
Sau đợt phát hành cổ phiếu đầu năm 2021, cơ cấu các nhóm cổ đông của HAGL Agrico là: Thaco Group và gia đình ông Trần Bá Dương 63,08%; HAGL Group 26,82%; các cổ đông khác 10,1%.
HAGL bị nghi ngờ về khả năng hoạt động
Quay trở lại với HAGL, trong năm 2020, doanh thu thuần ghi nhận đạt 3.177 tỷ đồng tăng 53% so với năm 2019, trong đó doanh thu chủ yếu đến từ bán trái cây. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về 206 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Tại BCTC kiểm toán, chi phí quản lý ghi nhận tăng đáng kể so với con số tự lập, từ mức 1.195 tỷ lên 1.851 tỷ đồng, phần lớn là chi phí dự phòng. Kết quả, lỗ trước thuế của HAGL là 2.351 tỷ đồng bao gồm lỗ kinh doanh 2.022 tỷ đồng và lỗ khác 329 tỷ đồng. Lỗ sau thuế hơn 2.383 tỷ đồng, tăng lỗ gần 209 tỷ so với báo cáo tự lập.
Theo lãnh đạo Công ty, nguyên nhân lỗ do trong năm Tập đoàn ghi nhận dự phòng theo nguyên tắc thận trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay vẫn còn khá cao.
Tại báo cáo kiểm toán, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh khoản lỗ thuần 2.383 tỷ đồng và khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn 6.302 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn gần 6.499 tỷ đồng, đồng thời tập đoàn cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Từ các yếu tố đó, kiểm toán đưa ý kiến nhấn mạnh tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.
Giải trình vấn đề này, HAGL cho biết đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và các dự án đang triển khai.
Tập đoàn cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm hợp đồng có liên quan, theo đó HAGL cho rằng có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong năm tiếp theo.