Thời gian gần đây, đoàn kiểm tra liên ngành thú y Bình Chánh liên tục đột kích, bắt giữ tại trận nhiều lò mổ lậu đang giết mổ heo bệnh, heo chết, gia cầm không kiểm dịch. Trong số đó, nổi bật là 5 đối tượng cộm cán đứng làm chủ 5 lò lớn và bị xử lý rất nhiều lần (NNVN đã từng phản ánh), bao gồm: Nguyễn Văn Út (xã Vĩnh Lộc A), Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Dương Trị, Hồ Văn Sỹ và Lê Phước (xã Vĩnh Lộc B).
Ông Khương Trần Phúc Nguyên – trưởng Trạm thú y huyện Bình Chánh cho biết: Theo quy định, loại heo bệnh, chết nếu đưa vào lò mổ chính quy sẽ bị buộc tiêu hủy, vì thế người chăn nuôi khi có hàng loại thải sẽ bán rẻ cho các lò mổ lậu khoảng 1 triệu đồng/con (trong khi heo nặng 1 tạ hiện khoảng 4,4 triệu đồng). Vì lợi nhuận thu được quá cao, các lò mổ lậu bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, tìm mọi thủ đoạn để đối phó với các cán bộ thú y.
Hóa chất độc hại bị phát hiện ở lò mổ lậu (*)
Điều đáng nói, do quy định chế tài còn quá nhẹ, các đối tượng này dường như đã “nhờn” pháp luật và có quá nhiều kinh nghiệm để đối phó với các cán bộ thú y. Ông Nguyên cho biết: “Khi chúng tôi vào bắt thì họ bỏ đi hết để mình không lập biên bản được, cũng không thể xử phạt. Họ còn đưa heo lậu để nhờ hoặc thuê nhà hàng xóm, sau đó bắt từng con về giết mổ chỉ trong vòng 10 – 15 phút. Người dân xung quanh do nể nang lại bao che, cho gửi heo hoặc thông đồng để kiếm lời”.
Thậm chí, một số đối tượng còn dùng bẫy để dằn mặt và “xử” đoàn kiểm tra. Vào rạng sáng ngày 22/8/2013, khi phát hiện nhiều đối tượng đang tập trung giết mổ hàng trăm con gia cầm lậu tại khu đất trống (tổ 6, ấp 3, xã An Phú Tây), đoàn kiểm tra đã lên phương án đột phá. Khi đến con đường đất ngoằn ngoèo dẫn vào khu đất, đoàn phát hiện hàng loạt khúc cây lớn để đầy trên đường.
Ác nữa là họ còn giăng dây phía trên, nếu đi bộ không chú ý nhảy qua khúc cây là vướng dây té ngã rất nguy hiểm. Khi đoàn vào đến nơi, các đối tượng hùa nhau ném hết gia cầm xuống con kênh gần đó, một số xách bỏ chạy, thậm chí còn tỏ thái độ thách thức đoàn kiểm tra.
Đủ loại chất độc hại được lò mổ lậu dùng “luyện” heo, gà (*)
Đặc biệt, hàng loạt các loại hóa chất độc hại cũng được phát hiện tại các lò mổ lậu, trong đó đáng sợ nhất là chất nhuộm vàng cho gà. Ông Nguyên cho biết, giới giết mổ lậu truyền tai nhau dùng vecni công nghiệp đánh bóng đồ gỗ cho vào nồi nước sôi, sau đó nhúng gà sẽ làm toàn thân con gà vàng ươm, bắt mắt.
Vụ triệt phá khu giết mổ gia cầm tại xã An Phú Tây ngày 22/8 đã thu giữ được 1 hộp chứa chất lạ màu vàng. Chất này đang được mang đi xét nghiệm để kiểm tra là chất gì, độc tính ra sao. Ngoài ra, nhựa thông để làm lông gia cầm cũng vừa được phát hiện ngày 21/8 tại lò giết mổ lậu thuộc ấp 1, xã Bình Chánh.
Đặc tính của nhựa thông là khi nấu thì tan chảy, còn khi ra môi trường bình thường thì nhanh chóng đặc lại. Vì thế, các đối tượng đã nhúng gà vào nhựa thông đang sôi rồi bỏ vào nước lạnh, sau đó tuốt lông chỉ mất từ 2 – 3 phút. |
Ông Nguyên còn khẳng định, trước đây cũng phát hiện heo nái bơm nước để tăng trọng lượng và làm mềm thịt (heo nái thịt khá dai). Khi heo bị ép uống nước với lượng lớn sẽ ngấm vào máu, ngấm vào cơ và tăng trọng lượng. Sau khi giết mổ, miếng thịt mang ra bán sẽ có hiện tượng chảy nước và dần teo tóp lại.
Ngoài ra, họ còn sử dụng thuốc an thần Prozil, thuốc ngủ chích vào heo để khi giết mổ heo không kêu, không tạo tiếng động lớn. Thịt bơm thuốc an thần Prozil sẽ mềm hơn, sau đó được cung cấp cho các lò làm giò chả.
Tẩu tán gia cầm xuống kênh tại ấp 3, xã An Phú Tây, ngày 22/82013 (*)
Ông Nguyên còn khẳng định: “Chỉ khi nào các cán bộ thú y bắt được tang vật và mời chính quyền xã lên thì họ tới xử lý, chứ hiếm khi chính quyền xã chủ động triệt phá các lò mổ lậu này! UBND huyện Bình Chánh cũng quan tâm chỉ đạo, có nhiều cuộc họp yêu cầu các xã phải làm mạnh, nhưng về đến xã thì mọi việc gần như vẫn đâu vào đó!”
Giết mổ lậu đều có mối lái “ruột” để bán hàng. Thú y đánh vào các chợ buôn bán thì họ cũng có cách đối phó. Ví dụ như tại cụm chợ KCN Vĩnh Lộc (nơi có hàng nghìn công nhân sinh sống và làm việc), các chủ quầy bán thịt thường độn thêm thịt lậu để kiếm lời. Lúc thú y đến họ chưa bày thịt lậu ra mà chỉ bán thịt có kiểm dịch, khi thú y đi thì họ bỏ ra hoặc cuối giờ chiều dùng luôn giấy kiểm dịch của thịt được cấp phép hợp thức hóa cho thịt lậu. Thậm chí, các đối tượng dùng củ khoai lang để khắc dấu kiểm dịch giả, sau đó nhúng mực và đóng dấu lên heo lậu để đánh lừa người mua (ông Khương Trần Phúc Nguyên). |
(*): Ảnh do Trạm thú y huyện Bình Chánh cung cấp
Theo Nông nghiệp Việt Nam