Bão số 16 đổ bộ vào Nam Bộ
Trao đổi với báo Người Đưa Tin, một cán bộ trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, cơn bão số 16 (còn có tên quốc tế là bão Tembin) là một cơn bão đặc biệt. Chưa năm nào ở nước ta đón tới cơn bão thứ 16 và lại vào tháng cuối cùng của năm.
Cơn bão này có đường đi gần trùng với Linda cách đây tròn 20 năm trước.
Theo thông tin mới nhất từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, khoảng đêm 23/12, bão Tembin sẽ vượt qua phía Nam đảo Palawan (Philippines) và đi vào Biển Đông. Đến 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 430km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và tiếp tục mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 400-500km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 108,0 độ Kinh Đông.
Trong khi đó, về tình hình các hồ thuỷ điện: Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN bộ Công Thương, tính đến 7h00 ngày 23/12, trong số 140 hồ cập nhật thông tin, có 06 hồ xả qua tràn với lưu lượng từ 20-100 m3/s, riêng hồ Đrây Hlinh 1 (Đắk Lắk) xả 420 m3/s; lưu lượng về các hồ thủy điện dao động nhẹ, các hồ vận hành bình thường.
Hồ Thuỷ lợi đang ở mức đầy. Theo báo cáo ngày 22/12/2017 của vụ An toàn đập (tổng cục Thủy lợi), tình hình hồ chứa thủy lợi như sau:
- Khu vực Bắc Trung Bộ: Các hồ chứa có cửa van đạt bình quân 80-95% dung tích thiết kế, hồ chứa có tràn tự do cơ bản đã đầy hoặc xấp xỉ đầy nước. Có 1 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ (Thừa Thiên Huế: hồ Tả Trạch xả 80m3/s).
- Khu vực Nam Trung Bộ: Các hồ chứa có cửa van đạt bình quân 80-95% dung tích thiết kế, hồ chứa có tràn tự do cơ bản đã tích đầy hoặc xấp xỉ đầy nước. Có 04 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ (Quảng Nam: Hồ Phú Ninh: 30m3/s; Quảng Ngãi: hồ Nước Trong: 35m3/s; Bình Định: hồ Định Bình: 35m3/s, hồ Núi Một: 5m3/s).
- Khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: Hầu hết các hồ chứa đã đầy nước hoặc xấp xỉ đầy nước.
Khẩn trương chỉ đạo ứng phó bão số 16
Trước tình hình trên, ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã phát hành Thông báo 593/TWPCTT-TB gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang để các cơ quan, chủ phương tiện tàu thuyền chủ động nắm bắt thông tin về bão Tembin và điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp. Ngày 22/12/2017, Văn phòng thường trực đã ban hành công điện số 94/CĐ-TW hồi 16h gửi các Bộ, ngành, địa phương để chủ động các phương án ứng phó với bão; đã có văn bản số 596/TWPCTT-VP gửi các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang tăng cường công tác thông tin, truyền thông ứng phó với bão Tembin.
- Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão từ các đài trong nước và quốc tế; Thường trực Ban Chỉ đạo đã thông tin, trao đổi với lãnh đạo các tỉnh trong vùng ảnh hưởng về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và các địa phương đã tổ chức kiểm đếm tàu thuyền.
- Chuyển các tài liệu, phim hướng dẫn về kỹ thuật ứng phó với bão (chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, phim về bão Linda 97,… ) tới Văn phòng Ban chỉ huy các tỉnh để thông tin sâu rộng đến cộng đồng.
- Tăng cường lực lượng trực ban, tổ chức 24/24 để bám sát diễn biến của bão và công tác triển khai của địa phương.
Đặc biệt, tránh tư tưởng chủ quan, văn phòng thường trực ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị một số công việc chính cần triển khai như sau:
- Cập nhật thông tin, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền; quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra;
- Tăng cường lực lượng kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, khu vực neo đậu quanh các đảo để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
- Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch trên các đảo nhất là khách quốc tế.
- Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, các trọng điểm sạt lở xung yếu, khu dân cư, các công trình ven biển, tàu thuyền tại khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản có nguy cơ ảnh hưởng do nước dâng, triều cường và gió mạnh.
- Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch, kỹ thuật neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn.
- Phân công các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN triển khai những đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt cần tăng cường công tác thông tin truyền thông ứng phó với bão.
- Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị giúp đỡ các ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão và đảm bảo an toàn.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí nhất là các đài cơ sở tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão để người dân, tổ chức biết chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.