Lo ngại cán bộ trục lợi bằng công ty "sân sau"

Lo ngại cán bộ trục lợi bằng công ty "sân sau"

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Chủ nhật, 01/10/2017 14:41

Ủy ban Tư pháp cho rằng, qua một số vụ án lớn xét xử gần đây và qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tình trạng lợi ích nhóm, sân sau là có căn cứ.

Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trên cả nước để trả lời dư luận, cử tri. Thông tin này ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình của dư luận.

Đại diện Ủy ban Tư pháp cho rằng, qua một số vụ án lớn xét xử gần đây và qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tình trạng lợi ích nhóm, "sân sau" là có căn cứ. Do đó, tới đây cần tập trung phát hiện, xử lý, phòng ngừa tham nhũng dưới hình thức này.

Bàn về thực trạng cán bộ, quan chức lợi dụng ảnh hưởng của mình lập công ty "sân sau", trao đổi với PV, PGS.TS Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, chúng ta vẫn thường nghe thấy đâu đó chuyện công ty “sân sau” núp bóng quan chức, song về danh chính ngôn thuận lại không chỉ ra được. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian vừa qua đã chỉ ra những sai phạm của một số cán bộ cụ thể.

Xã hội - Lo ngại cán bộ trục lợi bằng công ty 'sân sau'

Cần kiểm soát cán bộ dùng “sân sau” để tham nhũng (Ảnh minh họa).

 Điều đáng bàn là họ đều là người có chức vụ cao và khi đã có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm, đặc biệt là có chuyện lợi dụng “quyền năng” của mình để làm lợi cho công ty "sân sau" cần phải lên án. Quan chức vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm sẽ dẫn đến mất niềm tin trong nhân dân.

“Thường khi công luận nhìn một vài hiện tượng, khái quát lên là quan chức lợi dụng chức vụ để làm lợi cho công ty “sân sau” sẽ là vội vàng. Ở đây trong từng trường hợp cụ thể cần nhìn nhận từng sai phạm khác nhau và mức độ sai phạm tới đâu thì nên để cơ quan có thẩm quyền xác định. Nếu nói về dấu hiệu tham nhũng hay lợi dụng chức quyền, cần có sự vào cuộc của cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên những ý kiến lo ngại của dư luận cũng có cái lý của nó”, TS.Can nói.

 Theo nhận định của TS. Ngô Thành Can, từ những trường hợp cụ thể vừa qua cho thấy, có những “vùng cấm” pháp luật đã quy định cụ thể nhưng cũng có nhiều vấn đề mà chúng ta chưa quản lý tới. Thế nên, không loại trừ tình huống những người có chức, lấy vai trò của mình ký những quyết định có lợi cho “sân sau”.

Việc lợi dụng kẽ hở pháp luật, dư luận chỉ đánh giá về ý thức, đạo đức. Nhưng cố tình tạo ra khe hở để lợi dụng (tham gia cổ đông,  cố tình ký những quyết định không thuộc lĩnh vực mình phụ trách…PV), vi phạm pháp luật để làm lợi cho gia đình mình hoặc công ty “sân sau”, nhóm lợi ích nào đó thì cần phải xử lý nghiêm.

“Theo tôi, đối với người có chức có quyền khi lạm dụng quyền lực của mình, có 2 khía cạnh mà dư luận lưu tâm đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm ý thức của người lãnh đạo và vi phạm pháp luật. Cả hai điều này đều cần phải xử lý. Thế nhưng, các cơ quan có thẩm quyền mới xử lý về mặt vi phạm phạm luật còn ở góc độ đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm ý thức của người lãnh đạo lại đang bị bỏ ngỏ và chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật”, TS.Can nhấn mạnh. 

 Một chuyên gia nhận định, quan hệ không bình thường giữa cán bộ đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp “sân sau” là một dạng tham nhũng. Một số quan chức lợi dụng chức vụ quyền hạn cầu lợi cho bản thân, gia đình, công ty “sân sau” không những gây nguy hại về kinh tế mà còn gây mất niềm tin của công chúng vào nền công vụ.

"Trường hợp phát hiện hoặc có thông tin các cán bộ công chức có liên quan đến doanh nghiệp “sân sau” thì phải tiến hành điều tra, xác minh, xử lý nghiêm minh. Sự công khai, nghiêm khắc của chế tài pháp luật không chỉ có tác dụng ngăn chặn tham nhũng mà còn là cơ chế bảo vệ cán bộ khỏi sự cám dỗ của những chiếc “vòi bạch tuộc”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.

Cũng theo vị chuyên gia này, tổng kiểm tra cán bộ sẽ minh bạch được nhiều vấn đề mà dư luận quan tâm như: kê khai tài sản, bằng cấp, đặc biệt là việc cán bộ, quan chức "vươn vòi bạch tuộc" lập doanh nghiệp "sân sau" để trục lợi.

N.Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.