Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, việc thả gái mại dâm ra đường, sẽ khiến cho tình trạng mại dâm bùng phát, khó kiểm soát.
Nhiều thay đổi với việc quản lý tệ nạn mại dâm khi áp dụng Luật xử lý hành chính
Mối lo ngại
Luật sư Phạm Văn Phúc, Văn phòng tư vấn luật Phúc và Đồng sự (TP.HCM) cho biết: "Quy định trên thể hiện tính nhân văn của pháp luật đối với những người trót sa vào tệ nạn mại dâm. Vì vậy, từ đầu tháng 7, người bán dâm chỉ bị áp dụng biện pháp hành chính (phạt tiền 300.000 đồng lần đầu và 5 triệu đồng nếu tái phạm). Sau đó, chính quyền địa phương có trách nhiệm tạo điều kiện để người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi điều luật này được thông qua, nhiều nhà chức trách tỏ ra lo ngại tệ nạn mại dâm có khả năng bùng phát trở lại".
Căn cứ theo các quy định đã ban hành, trong thời gian tới, 79 gái mại dâm đang được quản lý tại Trung tâm Giáo dục Xã hội TP. HCM sẽ được "trả tự do". Được biết, trong số gái mại dâm sẽ được thả tự do sắp tới có 8% bị nhiễm HIV. Phần lớn số gái mại dâm này không nghề nghiệp, sống lang thang, trình độ học vấn thấp. Điều này khiến các ngành chức năng TP.HCM lo lắng tình hình mại dâm trong thời gian tới sẽ diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng và đặc biệt là nguy cơ lây lan căn bệnh thế kỷ.
Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Ngọc Thạch, trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP. HCM) tỏ ra rất quan ngại trước điều luật vừa mới ban hành. Ông Thạch cho biết: "Một khi những gái mại dâm này được trả tự do thì phần trăm quay lại con đường cũ là rất cao. Hơn nữa, khi gái mại dâm được trả tự do, nguy cơ bùng phát nạn mại dâm một cách công khai lại một lần nữa bùng nổ. Những gái mại dâm đang được quản lý tại Trung tâm Giáo dục Xã hội này trước đây đã từng bị phạt hành chính nhiều lần nhưng sau đó vẫn tiếp tục tái phạm". Chính vì thế, ông Thạch tỏ ra rất quan ngại trước những hệ lụy khôn lường từ điều luật mới được ban hành trên.
Lí giải cho lo ngại này, ông Thạch nhấn mạnh: "Việc chỉ áp dụng hình thức xử phạt hành chính đối với gái mại dâm là quá nhẹ. Bởi thông thường, lợi nhuận thu được từ việc bán dâm là khá cao nên việc xử phạt hành chính chỉ mang tính chất thủ tục chứ không thể giảm bớt hay thắt chặt quản lý trong công tác bài trừ tệ nạn mại dâm.
Rất nhiều người dân tại TP.HCM cũng tỏ ra bức xúc và lo ngại trước điều luật về xử lý hành chính đối với gái mại dâm vừa được thông qua. Anh Hà Minh Tuấn (ngụ tại đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: "Những cô gái mại dâm được thả tự do khó tránh khỏi tình trạng "ngựa quen đường cũ" và những hệ lụy đi kèm. Quy định có phần "mềm" như vậy càng khiến gái mại dâm thoải mái hành nghề mà không phải lo phạm pháp. Vì thế, quy định trên có phần còn lỏng lẻo, chưa tỏ rõ được sự quyết liệt trong đấu tranh và bài trừ tệ nạn".
Anh Dương Hồng Quân (Quận 3) chia sẻ: "Cứ xử phạt thì chắc chắn không ổn. Vấn đề không kém phần quan trọng là phải định hướng tư tưởng và công việc cho các cô gái bán dâm như đưa họ vào các trung tâm dạy nghề như may, cắt tóc... để họ có thể tự kiếm việc làm nuôi sống bản thân trong tương lai".
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM)
Khó kiểm soát được căn bệnh thế kỷ
Ông Nguyễn Minh Quang, một chuyên gia xã hội học tại TP.HCM, cho biết: "Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc các cô gái mại dâm hành nghề càng trở nên dễ dàng hơn. Bởi những "bướm đêm" vi phạm thì chỉ bị phạt hành chính chứ không bị quản thúc, giáo dục như trước đây. Vì thế, nhiều nhà chức trách cũng như người dân lo ngại về những vấn đề liên quan đến tội phạm mại dâm cũng là điều dễ hiểu. Trước đây, quy định về phòng chống bài trừ tệ nạn mại dâm khá gắt gao nhưng việc buôn bán phụ nữ và trẻ em vẫn diễn ra một cách tinh vi, khó phát hiện xử lý. Trong thời gian tới, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được áp dụng thì những tội phạm liên quan đến mại dâm càng khó rà soát, thắt chặt".
Cũng theo ông Quang thì quy định trên cũng là "kẽ hở" để các đối tượng bắt cóc, giam giữ người trái phép liên quan đến mại dâm có dịp hành động. Hoặc những vụ lừa đảo phụ nữ, trẻ em, liên quan đến đường dây mại dâm cũng thừa cơ len chân theo nhiều cách khác nhau. Đó là chưa kể tới tội cố tình truyền bệnh qua đường tình dục cho nhiều người khác khiến xã hội không thể không lo lắng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Bệnh viện Thủ Đức cho hay: Một thống kê cho thấy hiện có đến 70% người phụ nữ bán dâm là do hoàn cảnh. Họ là nạn nhân của buôn bán phụ nữ, lừa đảo, bắt cóc. Họ là hệ quả của chuỗi các vấn đề xã hội... Hệ lụy sự ngược đãi khiến gái bán dâm trở nên bất cần đời, dễ dính vào ma túy, nghiện ngập, nhiễm HIV. Và họ sẵn sàng trả thù đời bằng mọi cách khác nhau. Từ đó, những mầm bệnh thế kỷ cứ thế lan truyền, không biết được điểm dừng, gây nên những hệ lụy khôn lường cho cả một thế hệ. Bên cạnh đó, các tệ nạn như bảo kê, chăn dắt gái mại dâm sẽ lợi dụng sự "nhẹ tay" của pháp luật để biến tướng, bành trướng hoạt động. Những cô gái không có việc làm, vốn liếng và trình độ thấp rất dễ sa ngã vào con đường "bán xác thịt".
Liên quan đến vấn đề trên, một lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự lại cho rằng, nếu chúng ta chưa vượt qua được thuần phong mỹ tục của người Á châu và muốn giải quyết triệt để nạn mại dâm, đặc biệt là mại dâm đứng đường (mầm mống lan truyền bệnh tật cao) thì nên xử lý mạnh cả phía bán dâm và mua dâm, chủ chứa và môi giới mại dâm.
Nhìn chung, thời gian qua, việc xử lý các vụ án mại dân là rất hạn chế so với tình hình thực tế. Số lượng gái mại dâm được đưa vào trại giáo dưỡng cũng không nhiều, chủ yếu là xử phạt hành chính và yêu cầu họ cam kết không tái phạm, rồi cho về. Khảo sát thử ở quận Đống Đa (Hà Nội), một cán bộ công an cho biết, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng trung bình mỗi năm cơ quan này chỉ xử lý khoảng vài chục lượt gái bán dâm. Trong đó, đưa đi trại phục hồi nhân phẩm chỉ khoảng từ 15-20 trường hợp. Đây là những trường hợp được xác định là người lang thang, tái phạm nhiều lần…
Không ít ý kiến cho rằng, ngay cả việc đưa gái mại dâm vào cơ sở giáo dưỡng vẫn không thể giải quyết cái gốc của vấn đề. Tệ nạn xã hội vẫn gia tăng theo chiều hướng phức tạp. Đó chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Chúng ta cần đưa gái bán dâm vào trung tâm để đào tạo nghề, giúp họ hoàn lương. Bởi nhiều ngành, nghề cũng không cần phải đào tạo quá khắt khe nhưng vẫn giúp họ có thể tìm được một công việc phù hợp và ổn định.
Quay lại đường cũ vì nhiều áp lực Thạc sĩ tâm lý Huỳnh Anh Bình cho biết: "Việc những cô gái mại dâm được thả tự do để hòa nhập với cộng đồng là điều rất khó khăn. Đa phần là họ quay lại với con đường cũ, bởi khi trở lại phải chịu nhiều áp lực từ phía gia đình và xã hội. Hiện, vấn đề giải quyết việc làm cho gái mại dâm cũng chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, cần xem xét mọi góc độ một cách triệt để nhất nhằm giúp người bán dâm có thể trở về sống vui vẻ và hòa nhập được với cộng đồng". |
Mai Phong - Bạt Phong