Miệng núi lửa Batagaika, nơi được mệnh danh là “cánh cổng đến địa ngục” tọa lạc ở Siberia.
Theo dữ liệu từ những năm 1980, miệng hố có chiều dài khoảng 1km, sâu 86m. Miệng hố để lộ những lớp đất có niên đại từ 120.000 đến 200.000 năm. Lớp đất lâu đời nhất thậm chí có tuổi đời lên tới 650.000 năm.
Khu vực Siberia là nơi có rất nhiều hố sụt khổng lồ, hình thành từ sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu dưới lòng đất. Trong số đó, Batagaika được xem là một trong những miệng hố tử thần lớn nhất thế giới. Những người Yakut cư trú trong khu vực tin rằng miệng núi lửa là lối đi dẫn đến địa ngục.
Gần đây, các nhà khoa học đang lo ngại về sự phát triển, mở rộng không ngừng của miệng hố trong những năm qua.
Các cảm biến theo dõi sự phát triển của miệng núi lửa cảnh báo rằng miệng núi lửa Batagaika đang phát triển khoảng 20 đến 30m mỗi năm khi băng tan chảy, nhanh hơn nhiều so với trước đây, một tốc độ đáng báo động. Bên dưới bề mặt, các loại khí và khoáng chất bị mắc kẹt dưới lớp băng trong hàng ngàn năm sẽ được phơi bày trở lại.
Các cuộc điều tra cũng phát hiện ra rằng miệng hố vẫn sẽ tiếp tục mở rộng, không có dấu hiệu dừng lại hay điều gì đó sẽ ngăn cản sự mở rộng. Các nhà khoa học đánh giá, sự phân bố băng không đồng đều của núi lửa Batagaika khiến khi nó mở rộng có hình dạng của một con cá đuối khổng lồ.
Nhiều người dân sống quanh khu vực tin rằng hố càng ngày càng lớn là do ảnh hưởng từ những hoạt động từ “thế giới ngầm” trong lòng đất. Trong khi đó, giới khoa học đánh giá, nguyên nhân khiến miệng hố ngày càng mở rộng là do lớp băng vĩnh cửu bên trong đang tan chảy do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Vùng đất tại khu vực này vốn bị đóng băng vĩnh viễn trong Kỷ băng hà, khoảng 2,58 triệu năm trước. Nhưng nó đã dần lộ ra dưới ánh sáng Mặt trời vào những năm 1960 khi rừng bị chặt phá.
Băng trong đất bắt đầu tan ra, mặt đất bị sụt và lún xuống. Khi Trái đất ngày càng nóng lên, nhiều diện tích bề mặt tiếp cận nhiệt độ cao hơn và băng sâu bên trong bắt đầu tan chảy. Sự nóng lên toàn cầu khiến miệng hố tiếp tục mở rộng với tốc độ ngày một tăng đến khi nhấn chìm mọi thứ xung quanh.
Sự tan băng của núi lửa khiến các nhà khoa học lo lắng vì khi băng tan và biến thành nước, hiện tượng này sẽ giải phóng khí carbon dioxide và khí mê-tan trước đó vào khí quyển, tiếp tục đẩy nhanh sự thay đổi khí hậu.
"Điều gây chú ý với Batagaika đó là mặc dù nó đã tồn tại qua nhiều giai đoạn ấm lên trong quá khứ, nơi sự nóng lên là điều tự nhiên nhưng trong 50 hoặc 60 năm qua, sự xáo trộn của con người đã làm mất ổn định vùng băng vĩnh cửu cổ đại này”, Giáo sư địa chất Julian Murton, Đại học Sussex, nhấn mạnh.
Nghiên cứu miệng núi lửa Batagaika có thể giúp các nhà khoa học hiểu được mối liên hệ giữa con người và động vật, thảm thực vật và môi trường trong quá khứ cũng như ngăn chặn những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai.
Minh Hoa (t/h)