Hãy ra khỏi vùng an toàn
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc đợt đăng ký xét tuyển đại học đợt 1, có khoảng hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học. Với hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, con số này chiếm gần 1/3 tổng số thí sinh đã dự thi.
Hạn cuối để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo là ngày 6/9, có gần 494.500 em đã thực hiện, chiếm 80,8% so với số trúng tuyển.
Như vậy, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học năm nay là gần 118.000. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, sau khi xác nhận nhập học, nhiều thí sinh cho biết muốn nghỉ học để thi lại hoặc nghỉ học để lựa chọn con đường khác.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, em Nguyễn Kim Ngân (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho hay, trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, em đã đạt được điểm số đủ để trúng tuyển vào nhiều trường nhưng em quyết định không đăng ký học các trường này vì thấy học phí cao và ra trường khó xin việc.
Ngân cho biết, lúc đầu dự định đi làm may cho một xưởng của người nhà với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, gia đình Ngân khuyên đi học và em đã quyết định chọn một trường cao đẳng để được hỗ trợ 70% học phí.
“Để theo học ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học của trường, em chỉ phải đóng học phí khoảng 700.000 đồng/tháng. Học phí thấp, công việc thuộc nhóm ngành nghề ổn định, có đầu ra nên em đã nộp hồ sơ xét tuyển”, Ngân cho hay.
Em Lò Thị Văn (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) cho biết trong đợt xét tuyển đại học năm 2023, Văn có mong muốn học ngành y nhưng số điểm của em không đủ theo học đại học ngành y do đó em đã chọn học một trường cao đẳng y tế.
“Em chọn học Điều dưỡng tại trường cao đẳng vì có đủ các điều kiện cần, học phí được giảm, bớt gánh nặng cho gia đình… Sau này, khi ra trường em có thể xin việc làm tại xã, huyện nơi em sinh sống. Ở quê em rất cần cán bộ y tế. Chị họ của em hiện đang làm cán bộ y tế ở xã nên đã hướng cho em theo học ngành này cho có tương lai”, Văn chia sẻ.
Ngoài lựa chọn học các trường nghề, hiện nay, có tình trạng nhiều em học sinh học hết lớp 12 lựa chọn đi làm các công việc lao động phổ thông (làm grap, shipper, công nhân) vì thấy có thu nhập ngay trước mắt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết các em nên cân nhắc vì lựa chọn này không có tính bền vững.
Tiến sĩ Trương Thị Hoa - Giảng viên khoa Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Sự phạm Hà Nội, có 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hướng nghiệp cho hiết, có tới 80% học sinh băn khoăn không biết mình thích nghề gì. Bước đầu tiên các em cần làm là hiểu bản thân. Trắc nghiệm nghề nghiệp chỉ là một tiêu chí tham khảo.
Còn cách khác là trải nghiệm ngành nghề, trải nghiệm thông qua hoạt động, hỏi ý kiến thầy cô cha mẹ, nhìn nhận lại quá trình học tập, viết nhật ký về những hoạt động mình tham gia.
Bà Hoa nhắc lại, có một học sinh từng trải nghiệm 13 công việc khác nhau, từ giúp việc; shipper, bưng bê nhà hàng, gia sư... Và cuối cùng em đã quyết định chọn nghề giáo viên.
“Vì vậy, các em hãy ra khỏi vùng an toàn để biết mình có khả năng gì và thích gì để lựa chọn ngành học phù hợp", bà Hoa nói.
“Khát” nhân lực điều dưỡng và xét nghiệm
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, TS.BS Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, các trường là cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng thu hút nhiều học sinh theo học, các em đã lựa chọn các trường nghề để rút ngắn thời gian học, học phí thấp; các em được đào tạo nghề nghiệp thực tiễn, phù hợp nhu cầu thị trường lao động.
Theo TS.BS Liên, ngành y tế đang cần nhân lực về điều dưỡng và xét nghiệm. Theo dự báo của Bộ Y tế giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung hơn 300.000 điều dưỡng viên;
Hiện tại, số điều dưỡng/vạn dân chỉ là 14,3, mục tiêu đề ra 25 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2025 và 33 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2030. Vì thế, những người tốt nghiệp ngành điều dưỡng có cơ hội việc làm lớn.
Theo Nghị định 81/2021–NĐCP và theo Thông tư 05/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, xét nghiệm y học và điều dưỡng là hai ngành nằm trong danh mục ngành nghề được giảm học phí 70%. Mức học phí sinh viên phải trả cho mỗi tháng sau khi được giảm là gần 700.000 đồng.
Bác sĩ Liên cho hay, Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ đào tạo 2 ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học và áp dụng chính sách mới, học phí được giảm 70% cho sinh viên nhập học năm 2023 nên đã thu hút nhiều thí sinh quan tâm.
Khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, các em vẫn có nhiều cơ hội học lên các bậc học cao hơn như đại học, thạc sĩ…nếu có nhu cầu. Ngoài ra, các em còn có cơ hội làm việc, xuất khẩu lao động nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức,…).
Trong khi đó, chia sẻ tại Hội thảo truyền thông hưởng ứng Chiến dịch “Nursing Now” do WHO và Hội đồng Điều dưỡng Thế giới (ICN) phát động hồi tháng 5/2020, TS. Ki Dong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, tỉ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11,4%, tỉ lệ này chưa bằng một nửa so với tỉ lệ trung bình toàn cầu.
Ở Việt Nam, mức lương Điều dưỡng viên dao động 7-15 triệu đồng, tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm.
Nếu làm việc ở nước ngoài, Điều dưỡng viên có thể đạt mức thu nhập cao. Ví dụ, tại Nhật Bản, thu nhập của một Điều dưỡng viên dao động từ 150.000 – 170.000 yên/ tháng, tương đương với 30 -34 triệu đồng/tháng, đi kèm cùng các quyền lợi, chính sách ưu đãi và phụ cấp khác.
“Nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030 ngành y tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000 - 50.000 nhân lực điều dưỡng”, TS. Ki Dong Park chia sẻ.
Lực lượng điều dưỡng vẫn còn thiếu
Trước đó, chia sẻ tại tọa đàm "Nghề điều dưỡng: Không lo thất nghiệp, AI không thể thay thế," do báo điện tử Dân Trí tổ chức hồi tháng 5/2023, PGS.Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay: Hiện nay có hơn 1.400 bệnh viện công lập, hơn 300 bệnh viện ngoài công lập đều có hệ thống điều dưỡng trưởng và điều dưỡng làm công tác quản lý và chăm sóc. Lực lượng điều dưỡng chiếm đến 70% trong đội ngũ của lực lượng làm công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng điều dưỡng vẫn còn thiếu.
“Về chất lượng, đa số các bệnh viện sử dụng điều dưỡng trung cấp, trong khi đó nhu cầu phải nâng cao chất lượng lên, phải 50-70% là điều dưỡng có trình độ cao đẳng và đại học. Chúng ta chưa có giáo sư, phó giáo sư về điều dưỡng, các nước bên cạnh như Thái Lan đã có đội ngũ các thầy dạy về điều dưỡng, thực hành điều dưỡng,” ông Khuê nói.