Một trong những giải pháp giảm ùn tắc được đưa ra trong Tờ trình đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn 2030” đó là điều chỉnh giờ học, giờ làm của một số đối tượng.
Khi đọc được thông tin trên, tôi đã thở dài những hai lần. Một lần dành cho giải chính giải pháp đó. Bởi việc thay đổi giờ học, giờ làm đã được Hà Nội áp dụng thực hiện từ đầu năm 2012. Và đương nhiên, nó không mang lại những hiệu quả rõ nét như chúng ta mong đợi. “Tắc vẫn hoàn tắc”, các nút giao thông giờ cao điểm vẫn luôn là “nỗi ám ảnh” đối với những người tham gia giao thông.
Dân chúng tôi lo, mọi thành phần đều lo, vì rằng, nếu Tờ trình dự án kia thành hiện thực, chả biết giờ giấc, công việc, đón con, lo cuộc sống... sẽ đảo lộn tùng phèo đến đâu. Nhà có hai đứa nhỏ, đang tuổi đi học, vợ chồng làm nghề khác nhau, đồ rằng, đường phố chưa kịp thông thoáng thì nhà chúng tôi đã loạn lên rồi. Ai là người đồng tình với việc thay đổi khung giờ học, giờ làm? Có chăng, chỉ có các cụ già hưu trí, trẻ nhỏ hoặc bà nội trợ, những "tỷ phú thời gian" mới gật. Còn những đối tượng thường xuyên góp mặt trong những nút giao thông giờ cao điểm lại đang phải "mài mặt" ở nơi làm việc để kiếm kế sinh nhai thì lo ngay ngáy.
Túm lại, những quyết sách dân sinh, đụng đến cuộc sống, sinh hoạt của từng gia đình, có lẽ các nhà quản lý cần có cái nhìn tổng thể mà cân nhắc trước khi sa bút.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả