Thu ngân sách Đà Nẵng đạt 69,7% dự toán
Tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng thứ 19, khóa X, năm 2021-2026, ngày 29/7, bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cho hay, ước thu 6 tháng là 13.458,635 tỷ đồng, đạt 69,7% dự toán HĐND giao và bằng 134,1% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là 9.784,645 tỷ đồng, đạt 74,8% so với dự toán.
Tổng chi ngân sách địa phương (không bao gồm chi chuyển giao giữa các cấp ngân sách) ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 là 9.296,692 tỷ đồng, đạt 50% dự toán.
Dự phòng ngân sách địa phương năm 2024 theo dự toán HĐND thành phố giao là 302,882 tỷ đồng, trong đó: dự phòng ngân sách thành phố là 286,801 tỷ đồng và dự phòng ngân sách huyện Hòa Vang là 16,081 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến thời điểm báo, tổng số sử dụng từ nguồn dự phòng là 25,035 tỷ đồng.
Bà Nhung thông tin, trong các tháng đầu năm 2024, thành phố đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm quảng bá, kích cầu du lịch, đã tạo sự lan tỏa, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của một số lĩnh vực như: lưu trú, ăn uống, thương mại, vận tải, vui chơi, giải trí...
Tình hình sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực phục hồi và tăng trưởng dẫn đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, nhất là thu nội địa 6 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán và vượt lớn so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, UBND thành phố đã tổ chức điều hành chi ngân sách theo dự toán được giao, cơ bản đảm bảo sử dụng ngân sách đúng chế độ quy định; chủ động nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản các công trình quan trọng, trọng điểm của thành phố; các nhiệm vụ chi thường xuyên được đảm bảo theo đúng dự toán được giao.
Các nguồn thu của thành phố Đà Nẵng vẫn chưa thật sự bền vững
Theo bà Nhung, qua xem xét báo cáo thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận thấy một số vấn đề cần quan tâm.
Mặc dù thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến rất tích cực nhưng trên nền dự toán thu thấp hơn so với năm 2023, các nguồn thu vẫn chưa thực sự bền vững.
Tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn; hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn chưa phục hồi; thu thuế xuất nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn...
Thu tiền sử dụng đất 6 tháng đầu năm 2024 ước là 798,290 tỷ đồng, đạt 42% dự toán và bằng 185% so cùng kỳ. Nguyên nhân là do phát sinh khoản thu lớn từ Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang nộp 119,1 tỷ đồng. Cùng kỳ không phát sinh số nộp; phát sinh một số khoản thu doanh nghiệp tự xác định và nộp trước tiền sử dụng đất do điều chỉnh quy hoạch; ngoài ra, số lượt hồ sơ tái định cư và chuyển mục đích tăng cao so với cùng kỳ.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (mới đạt 23,1% kế hoạch vốn xây dựng cơ bản).
Một số lĩnh vực chi thường xuyên đạt thấp so với dự toán giao cả năm như: chi sự nghiệp y tế (đến ngày 14/6 mới đạt 34,2% dự toán), chi sự nghiệp môi trường (đến ngày 14/6 mới đạt 26,2% dự toán HĐND giao), chi sự nghiệp kinh tế (đến ngày 14/6 mới đạt 23,6% dự toán HĐND giao).
Chủ yếu do các cơ quan, đơn vị, địa phương chậm thực hiện thủ tục theo quy định (đấu thầu, lựa chọn nhà thầu) để triển khai các nhiệm vụ chi như mua sắm, duy tu, bảo dưỡng, kiến thiết thị chính...
Để đảm bảo thu, chi ngân sách đạt chỉ tiêu dự toán đã đề ra, Ban Kinh tế - Ngân sách kính đề xuất HĐND thành phố chỉ đạo UBND thành phố tập trung rà soát cơ cấu nguồn thu, từng khoản thu, sắc thuế để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả thu ngân sách. Theo dõi tiến độ thu để điều hành chi ngân sách phù hợp với khả năng thu.
Đối với việc chi sự nghiệp kinh tế đến ngày 14/6 mới đạt 23,6% dự toán HĐND giao. Theo báo cáo nhận định nguyên nhân chủ yếu do các cơ quan, đơn vị, địa phương chậm thực hiện thủ tục theo quy định (đấu thầu, lựa chọn nhà thầu) để triển khai các nhiệm vụ chi như mua sắm, duy tu, bảo dưỡng, kiến thiết thị chính...
Bà Nhung đề nghị kiểm tra, chấn chỉnh và có khuyến nghị đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương chậm thực hiện thủ tục theo quy định. Đề nghị hướng dẫn kịp thời việc phê duyệt dự toán chi tiết, triển khai thực hiện thủ tục đấu thầu nhất là đối với lĩnh vực chi kiến thiết thị chính.
"Khẩn trương thực hiện các thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất theo danh mục đã được phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy trình đấu giá quyền sử dụng đất rút gọn, gắn với việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ đưa ra đấu giá các khu đất theo phê duyệt…", bà Nhung nói.