Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về thông tin tổng thầu Hàn Quốc ép các nhà thầu phụ phải chung chi những khoản chi phí nhạy cảm, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý Giao thông Vận tải nhấn mạnh: “Việc này là không hợp lý và trái với quy định”.
Theo ông Thụ, thông thường, các công trình giao thông đều có những khoản như chi phí dành cho kiểm định chất lượng công trình. Tuy nhiên, đã có chi phí dành cho kiểm định chất lượng rồi thì sẽ không có cái gọi là “chi phí thêm cho kiểm định chất lượng”. Vì vậy, việc tổng thầu chính một số gói thầu thuộc dự án đường hành lang ven biển phía Nam là Công ty Ssangyong (Hàn Quốc) buộc nhà thầu phụ phải chi trả cùng lúc 2 lần phí kiểm định như kể trên cần phải làm rõ.
Bên cạnh đó, những khoản phí như tiếp khách không nằm trong dự toán của dự án thì không thể buộc các nhà thầu phụ cùng chung chi, nhất là khi các nhà thầu phụ đã hoàn tất hợp đồng, bàn giao công trình được hơn 1 năm.
Theo PGS Thụ, khi xem lại danh sách “chung chi”, có một vài khoản phải xem xét lại. “Ví dụ, chi phí dành cho sửa chữa công trình. Trong hơn 1 năm, không có yêu cầu sửa chữa nào, cũng không có phản ánh phải sửa chữa nào, tại sao lại bắt người ta phải chi trả phí sửa chữa công trình?”, PGS. Thụ đặt câu hỏi.
Ông Thụ khẳng định, bất cứ khoản chi phí nào không nằm trong hợp đồng ban đầu thì không thể bắt ép các nhà thầu phụ phải chi trả. Bởi, họ không có nghĩa vụ phải chi trả những khoản không nằm trong nghĩa vụ của mình.
Còn về nghi vấn có “bôi trơn” cho kiểm định chất lượng công trình hay không, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ cho hay, hiện tại, khó có thể khẳng định được là có hay không mà phải căn cứ vào những số liệu, hồ sơ, chứng từ.
“Tuy nhiên, theo quan sát của tôi trong nhiều năm, những trường hợp nhà thầu phải dành phí "bôi trơn" trong suốt quá trình thi công công trình không phải ít. Về việc nhà thầu Hàn Quốc ép nhà thầu phụ phải chung chi những khoản được cho là "nhạy cảm" phải xem xét có đúng là nhạy cảm hay không. Những khoản chi đó có hóa đơn, chứng từ hợp lý hay không, có nằm trong chi phí chính thức của công trình hay không. Nếu quả thực, những khoản chi đó không hợp lý, cơ quan chức năng có liên quan phải vào cuộc, làm rõ các vấn đề, nhất là vấn đề thực sự có "bôi trơn" hay không? Sau đó mới đến việc quy trách nhiệm”, PGS.TS. NGƯT Nguyễn Văn Thụ cho biết.
Trước đó, theo thông tin tố cáo từ một trong những nhà thầu phụ tham gia dự án đường hành lang ven biển phía Nam, tổng thầu là Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Ssangyong (Công ty Ssangyong) đã chung chi những mức phí được cho là “nhạy cảm” và ép những nhà thầu phụ thanh toán lại những khoản phí này.
PV báo Người Đưa Tin đã liên lạc với Bộ Xây dựng để làm rõ những nghi vấn được đặt ra. Bộ Xây dựng cũng đã xác nhận nắm được thông tin ban đầu. Hiện, Bộ đã phân công các đơn vị chuyên trách để tìm hiểu, làm rõ vụ việc.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới độc giả.
Đỗ Huệ