TS. Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác Sinh viên, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - cho biết vừa xảy ra vụ việc sinh viên “lừa” 400 triệu đồng để bán hàng đa cấp.
Cụ thể, cách đây khoảng 1 tháng, một sinh viên đã xin cha mẹ 400 triệu nói là để đóng tiền làm hồ sơ xin học bổng du học. Sau khi nhận tiền, em này nghỉ học và chuyển sang bán hàng đa cấp. Hiện tại, gia đình chỉ có thể liên lạc qua điện thoại chứ không biết chỗ ở hiện tại của con vì không thể lấy được địa chỉ.
TS.Trần Thanh Thưởng khẳng định ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cấm sinh viên tham gia bán hàng đa cấp. “Trong sự việc này, gia đình sinh viên cũng sơ ý, quá tin tưởng và nuông chiều con. Họ chuyển con hàng trăm triệu mà không liên lạc để hỏi lại trường”, ông Thưởng nói.
Sau khi biết vụ việc, ĐH Sư phạm TP.HCM đã gửi email tới sinh viên trong trường, cảnh báo các em cảnh giác, tránh bị lôi kéo vào trò bán hàng đa cấp.
Liên quan đến vụ việc, báo Dân Việt đưa tin, gần đây nhiều phụ huynh có con học tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phản ánh, sinh viên về báo là có được nhận học bổng “khủng” đi du học nước ngoài, muốn xin thêm tiền học phí. Do là chi phí để đi du học nên số tiền cần đến hàng trăm triệu đồng.
Sau khi gia đình chạy vạy vay vốn để chuyển tiền vào ngân hàng cho con làm hồ sơ du học thì sau đó, không liên lạc được với con. Có người lên tận trường để hỏi về chương trình học bổng du học mới phát hiện ra, con mình đã làm giả giấy tờ, nhà trường không hề có chương trình học bổng nào giống như con đã thông báo trước đó.
Đáng chú ý là sự việc không chỉ xảy ra ở trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM mà các trường ĐH, CĐ khác như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường CĐ Quốc tế TP.HCM cũng cho biết có nhiều trường hợp sinh viên bị lôi kéo, dụ dỗ...
Một trong các chiêu lừa đảo sinh viên mà các đối tượng thực hiện là tự xưng một tổ chức nào đó, nhờ sinh viên mở nhiều tài khoản ngân hàng (7-8 ngân hàng khác nhau), sau đó đề nghị sinh viên chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác với số tiền lớn, khoảng từ 100 triệu đồng thì sinh viên sẽ được trả 1 triệu đồng.
Đây là một dạng rửa tiền và đã có một số sinh viên bị mắc lừa. Những sinh viên này có thể bị ngân hàng đưa vào "black list" (danh sách đen) và gặp rắc rối với công an, theo Tuổi trẻ.
Một hình thức nữa là cho vay tiền qua app. Do vay không cần thế chấp nên lãi suất cực cao, nếu người vay không kịp trả, tiền vay và tiền lãi tăng rất cao theo ngày, dẫn đến nạn nhân không đủ khả năng chi trả.
Để đòi nợ, các đối tượng cho vay khủng bố nạn nhân qua điện thoại, gọi điện cho người thân của nạn nhân để đòi nợ, đến tận nơi làm việc, học tập tạo áp lực, thậm chí đe dọa vũ lực… Rất nhiều sinh viên và công nhân là nạn nhân của hình thức cho vay này.
Lê Lan (Tổng hợp)