Khi cựu danh thủ Sol Campbel bị nước chủ nhà Ba Lan “ném đá” vì phát biểu: “CĐV đến xem đá bóng và chờ đón họ trên đường về là cỗ quan tài”, nhiều người đã không mảy may để ý đến lời cảnh báo này. Họ vẫn tin tưởng, Ba Lan - Ukraine, sau những tuyên bố hoành tráng về việc đảm bảo an ninh, chống phân biệt chủng tộc sẽ tạo nên một kỳ EURO yên bình nhất. Nhưng bây giờ, hy vọng ấy đang dần tiêu tan để thay thế bằng một cơn ác mộng thực sự.
Bạo lực trở thành vấn đề nổi cộm tại Euro 2012
Máu đã đổ
Chỉ một ngày sau khi EURO 2012 chính thức khai mạc, hàng triệu fan hâm mộ bàng hoàng trước thông tin về việc tìm thấy thi thể một người đàn ông Tây Ban Nha tại thị trấn nhỏ Makeyevka (thành phố Donesk). Nhiều người đã bị sốc lẫn hoảng sợ thực sự, khi biết rằng một cổ động viên (CĐV) xấu số đó mất mạng không phải vì tai nạn hay một nguyên nhân khách quan bất thường. Người đàn ông được xác định 46 tuổi này đã bị giết, chỉ vì quá mạo hiểm với niềm đam mê bóng đá.
Điều đáng nói là đến thời điểm này, những gì dư luận chờ đợi về sự giải thích cho vụ án nghiêm trọng vẫn chưa được đáp ứng. Ngoài việc khẳng định đã có ba người đàn ông tình nghi liên quan đến vụ giết người bị bắt và các chứng cứ khác tiếp tục được thu thập, cơ quan điều tra có vẻ không muốn công khai thêm các chi tiết cụ thể khác. Nhiều fan hâm mộ đến Ukraine đã bất bình, bởi họ cho rằng đó là hành động bưng bít thông tin do nước chủ nhà lo sợ CĐV nước ngoài có thể tẩy chay EURO.
Cầu thủ Hà Lan bị CĐV địa phương lăng mạ HLV Bert Van Marwijk nói rằng các cầu thủ da màu trong đội hình đội tuyển Hà Lan đã bị một nhóm holigan địa phương có hành động kỳ thị. Theo Marwijk, sự việc nghiêm trọng xảy ra khi Hà Lan đang tập luyện tại khu Krakow. Đám CĐV kỳ thị đã dùng những lời lẽ mạt sát nặng nề nhất, đồng thời đe dọa sẽ xử các tuyển thủ da màu nếu gặp họ ngoài đường. Marwijk đã gọi đó là hành động ghê tởm và tuyên bố báo cáo sự việc lên UEFA. Ông cũng yêu cầu BTC EURO 2012 có biện pháp bảo vệ các cầu thủ Hà Lan trước sự đe dọa nghêm trọng. |
Trên thực tế, khi không được trả lời thỏa đáng về sự việc hết sức nghiêm trọng, nỗi lo mất an toàn sẽ càng gia tăng. Một số fan hâm mộ các nước, đặc biệt là Tây Ban Nha đã bày tỏ ý định quay về nước sớm, nếu trạng thái đe dọa an toàn tính mạng không được chính quyền sở tại đảm bảo xử lý triệt để.
Giữa bầu không khí căng thẳng, mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi 50 CĐV của Anh và Nga đã bị hành hung bất ngờ tại thành phố Lodz (Ba Lan). Sự việc xảy ra đã khiến tất cả bàng hoàng, bởi tính chất nghiêm trọng và côn đồ của đám côn đồ người địa phương. Một CĐV hứng chịu trận đòn thù mô tả: “Chúng mang mặt nạ. Một số còn cầm dao và vũ khí sắc nhọn xông vào tấn công giữa lúc mọi người đang uống bia vui vẻ. Nhiều người vội vã chạy thoát thân. Có những người ngã xuống vẫn bị đánh đập tàn nhẫn. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ có lẽ họ đã chết”.
Nỗi kinh hoàng càng tăng lên, bởi sự can thiệp muộn màng của lực lượng an ninh. Nhiều người đã bị đánh đến mức trọng thương trước khi các nhân viên công vụ kịp xuất hiện. Đến lúc này, quá trình điều tra vẫn tắc nghẽn, bởi chủ quán rượu và một số dân địa phương chứng kiến từ chối cung cấp thông tin do sợ bị các đối tượng trả thù.
Tiếng chuông cảnh báo
Sau khi đổ hàng chục tỷ euro cho công tác tổ chức VCK EURO 2012, cả Ba Lan, Ukraine đều hy vọng đây sẽ là dịp để họ quảng bá hình ảnh đất nước, đồng thời tận thu khoản tiền lớn từ khách du lịch.
Tuy nhiên, William Gaillard (Giám đốc điều hành UEFA) cảnh báo: “EURO 2012 sẽ thất bại nếu tình trạng bất ổn an ninh không chấm dứt. Ukraine, Ba Lan cần phải hành động ngay, nhằm đảm bảo an toàn cho hàng vạn người hâm mộ đang đổ về theo dõi ngày hội bóng đá tại đất nước của mình”.
Lời cảnh báo ấy, dường như đã đưa ra quá muộn màng. UEFA, như chính cựu danh thủ Sol Campbel chỉ trích: “Đã sai lầm khi trao quyền tổ chức Euro 2012 cho Ba Lan, Ukraine dù biết thừa tình trạng bất ổn tại đây. Sự thực là chẳng cần đến khi xảy ra vụ một người đàn ông Tây Ban Nha bị giết hay vụ 50 CĐV Anh - Nga bị hành hung, báo giới quốc tế đã phải nói quá nhiều đến tình trạng bạo lực bùng phát cùng nguy cơ về chủ nghĩa Phát-xít mới leo thang ở hai nước Đông Âu này. Đến giờ, thì mọi chuyện đang diễn biến theo chiều hướng đáng lo ngại.
Trong một diễn biến mới được ghi nhận, chính quyền Ba Lan tuyên bố họ sẽ huy động cả lực lượng quân đội tinh nhuệ làm nhiệm vụ bảo vệ tại Fanzone, các khu vực thường xuyên có sự tập trung đông đảo của CĐV các nước. Ukraine cũng đảm bảo sẽ không để tái diễn tình trạng người hâm mộ bị đe dọa an toàn tính mạng. Nhưng từ nói đến làm là hai chuyện hoàn toàn khác biệt.
Giờ thì sau những phút giây cuồng nhiệt cùng các trận bóng đá, người hâm mộ đến Ba Lan Ukraine cần nhận được lời khuyên về cách tự bảo vệ mình. Tốt hơn hết là nên hạn chế ra đường, đặc biệt là tụ tập chỗ đông người nếu nơi đó không được đảm bảo an ninh. Bằng không, EURO 2012 với họ có thể sẽ trở thành một cơn ác mộng, giống như chuyện không may xảy đến với người đàn ông Tây Ban 46 tuổi xấu số.
Liên đoàn bóng đá Anh chỉ trích an ninh Ukraine Ngay trước thềm trận đại chiến Anh - Pháp, hậu vệ Ashley Cole đã phải hứng chịu một phen tá hỏa khi nửa đêm bị một CĐV địa phương gọi cửa. Được biết, người đàn ông này đã dùng thẻ từ giả, dễ dàng lọt qua sự kiểm soát của hệ thống an ninh điện tử khách sạn, với mục đích gặp thần tượng xin chữ ký. Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã lên tiếng chỉ trích lực lượng an ninh vòng ngoài đã làm việc tắc trách, khi không kiểm soát được tình trạng nói trên. Trước đó, FA đã phải chi ra hàng ngàn bảng chi phí thuê nhân viên an ninh bảo vệ các cầu thủ. |
Gia Mẫn