Một mình lập mưu giết kẻ thù to gấp hai mình
Khi ông Hai Cư mới vào lính, Ban lãnh đạo lo chàng “lính mới” của mình còn nặng chuyện gia đình nên tư tưởng chiến đấu chưa vững vàng. Vì thế, Ban lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo ông phải tìm mọi cách giết bằng được thằng tình báo của thị xã Long Xuyên có tên là Dần.
Ông nhớ lại: “Thằng Dần đó làm tình báo ác ôn nhất của quân Mỹ tại thị xã Long Xuyên, nó làm lâu năm nên rất xảo quyệt, thân hình lại lớn con và khỏe mạnh dữ lắm. Người nó to gấp hai lần tôi, mà lại cao to và đen. Thêm nữa, nhìn vào đôi mắt mèo của nó… Trông ác lắm!”.
Toàn cảnh đồi Tức Dụp.
Ông lắc đầu ngán ngẩm, kể tiếp: “Do trước đó tôi có “dứt dây” nó vài lần nên không dám chính diện đối mặt với nó khi trong tay không có vũ khí. Vì thế, tôi cải trang thành người dân, trà trộn vào địa bàn nó hoạt động để khi có cơ hội, từng bước tiếp cận, lập mưu kế cho chắc chắn rồi mới ra tay.
Tôi có mài sẵn một cái nghéo (loại dao đi rừng của nhân dân vùng Bảy Núi) rất sắc bén, có thể cạo được lông tay, lông chân như lưỡi lam và luôn mang theo bên mình. Song, tôi không dám đặt hết niềm tin vào cái nghéo ấy, để chắc chắn, tôi luôn mang bên mình thêm một cái búa nữa. Nhỡ lúc đâm, chém bằng nghéo nó không chết thì lấy búa đập thêm vào đầu cho chắc”.
Nhưng, để thực hiện âm mưu ấy đối với ông Hai Cư (một tay lính mới, chưa biết cầm súng là thế nào) thì cực kỳ khó khăn. Ông phải cải trang thành người làm thuê cho một tiệm thuốc nam dưới chân núi Cấm.
Theo sự điều tra trước đó của ông, tên Dần và tiệm thuốc này hình như có quan hệ với nhau vì ông thấy hắn thường xuyên lui tới nơi này. Thường ngày ông phải đi lấy thuốc trên núi Cấm để về giao cho chủ, rồi mang thuốc của tiệm giao cho bọn lính Mỹ và ngụy.
Sau nhiều lần chạm mặt, nó vào làm quen (nó không nhận ra tôi là người đã mưu ám sát nó mấy lần không thành), nó hỏi thăm rồi dụ tôi rằng: “Có thấy mấy thằng Việt Cộng ở đâu không? Cũng chẳng biết sao tự nhiên lúc ấy tôi nói ngay: “Có...! Có thấy! Anh có đi tôi dẫn đi tìm chúng”.
Nghe mình nói vậy, đôi mắt mèo của nó liến thoắng nhìn mọi hướng rồi gật đầu đồng ý liền. Nó quát ông chủ quán: “Cho thằng bồi theo tao, tao mượn, chút xíu tao trả”.
Ông Hai Cư tiết lộ: “Trên đường đi, ban đầu hình như nó cũng cảnh giác, luôn bảo tôi phải đi trước và không được ngoảnh lại phía sau. Tôi vừa đi vừa dùng nghéo phát cây phía trước để lấy lối đi. Được hồi lâu tôi mới lập kế, tôi nói với nó là “mắc tè quá” nhằm dụ cho nó trườn lên phía trước tôi một tý để có cơ hội ra tay. Bởi tôi nghĩ, với vóc dáng cao to của nó, dù trong tay tôi đang cần con nghéo (dao) thật nhưng nếu lúc đó mình mà hấp tấp vung nghéo lên chém trước mặt thì có thể sẽ bị nó bẻ gãy tay ngay. Hơn nữa, trong người nó luôn luôn có một khẩu súng lục. May mắn thay, nó tưởng tôi muốn tè thật nên mặc kệ, hất hàm cho tôi được tự nhiên giải sầu.
“Tôi có dịp trườn lại phía sau, nhưng bỗng dưng tôi run lắm, run đến nỗi tè không ra, thế là chưa kịp kéo khóa quần, thấy nó ngoảnh đi phía khác, liến thoắng tôi vung nghéo lên, chặt thẳng một nhát mạnh hết sức từ trên xuống dưới trúng ngay vào sau cổ nó. Nó ú ớ vài tiếng thì tóm được tay tôi, nó dùng một tay “quay tôi bồ bồ” rồi quẳng tôi bay sang một phía mới chịu ngã gục. Tôi nhanh chân đứng dậy, rút thêm cái búa cài sẵn trong người lao tới, đập liên tiếp vào đầu đến khi nó bất động mới thôi. Bởi nó lớn con gấp đôi mình, vậy nên phải dùng “biện pháp” này cho nó chắc, mặt khác Ban lãnh đạo ra lệnh bằng mọi cách phải tiêu diệt bằng được tên tình báo đầu sỏ này. Thế là tôi thành công”, ông Hai Cư kể tiếp.
Theo ông Hai Cư, tên tình báo này là tên trời đánh, một thằng ác bá chuyên làm tay sai cho Mỹ hãm hại và giết không biết bao nhiêu người dân vô tội ở Bảy Núi, nó làm cả dòng họ ông Hai Cư một phần tiêu tan, một phần tản lạc hết trơn. Cho nên ông Hai Cư và người dân nơi đây căm thù nó, cố gắng nuốt nỗi đau vào trong, chờ có cơ hội thì ra tay báo thù. Với ông Hai Cư, không có lòng căm thù giặc thì dứt khoát không làm được chuyện gì”.
Người trực tiếp chỉ đạo ông là Phó Bí thư huyện Ủy huyện Tri Tôn - Hai Thành (tự Hai Trụ), người đã ra chỉ thị thử thách người lính trẻ. Sau vụ giết tên tình báo đầu sỏ đó, ông được huyện Ủy giao chức Bí thư xã và chính thức bước vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bắp tay phải của ông Hai Cư có phần teo tóp.
Giữ lại cánh tay phải nhờ phương thuốc diệu kỳ
Trong trận chiến 128 trên đồi Túc Dụp, ông Hai Cư từng bị thương khắp người bởi luồng đạn của kẻ thù. Nhưng trận tập trung trinh sát đánh quân Pôn Pốt trên núi Cấm cuối năm 1978 là trận ông bị thương nặng nhất. Theo ông cho biết, lúc đó quân Pôn Pốt chỉ có 1 đại đội, nhưng đánh chiến rất hung tợn.
Ông Hai Cư chỉ huy đồng đội tập kích đánh lại, nhưng sau đó ông bị đạn bắn xuyên qua bắp tay phải, “vết thương nặng đến nỗi tôi có cảm giác mất cánh tay phải”. Trong lúc chiến đấu, đồng đội lại tản tác mỗi người một nơi, ông phải trú lại một mình trong hang núi để bám trụ với sự sống. Sau đó ba ngày, lực lượng tiếp tế mới đến giải cứu ông khỏi hang sâu. Khi ông được đưa đến bệnh viện 151 cũng là lúc vết thương trên tay đã quá nặng, thịt thối rữa từng phần.
Tại đây, các bác sĩ trong bệnh viện nhận định do bị đứt động mạch lâu ngày, phải cắt cánh tay phải của ông ngay tức khắc để giữ mạng sống. Nhưng mẹ của ông Hai Cư phản đối quyết liệt, bà không cho bệnh viện thực hiện phẫu thuật cắt cánh tay phải của con mình. Các bác sỹ đành chịu bó bột theo phương thức y khoa hiện đại cho ông.
Sau một tháng, thấy con mình không khá được bao nhiêu, người mẹ quyết định đưa con trai về nhà tự điều trị. Ông Cư nhớ lại: “Mẹ tôi bảo thịt tuy rữa nhưng gân vẫn còn, bó bột thế này thì đời nào khỏi. Thấy con bị ngứa ngáy suốt ngày mẹ thương lắm, về nhà mẹ bó lại cho, không được nữa thì đành chịu, còn nước còn tát con à”.
Cho tới tận bây giờ, ông Hai Cư vẫn chưa hiểu hết mẹ mình đã dùng những loại thuốc gì để giữ lại cánh tay phải cho ông khi y học hiện đại bó tay. Trong số thuốc bà làm dược liệu, ông chỉ biết rằng, bà đã dùng gà con (được nghiền nhuyễn cả con), đất gò mối cùng một số dược thảo khác được trộn lẫn với nhau, quết lên tay rồi bó cho ông bằng mấy thanh tre tự làm. Ba tháng sau, tự tay bà tháo gỡ vết thương cho con trai.
Ông Hai Cư cho biết thêm: “Ban đầu, khi mới gỡ bỏ thứ bột mà mẹ mình bó trên tay ra, tay tôi vẫn còn sưng và vẫn đau nhức nhiều lắm, nhưng thịt da thì liền lại hết trơn. Dần dần tôi thấy đỡ đau nên ngủ ngon hơn. Sau đó 3 tháng thì sự đau nhức tan biến, cánh tay tôi có thể cầm nắm được đồ dùng. Dần dần nó trở nên bình thường. Bây giờ, mỗi khi trái nắng trở trời, do có tuổi nên nó tê nhức trở lại. Nhưng phải nói, nhờ ơn trời mà mẹ tôi đã giữ lại được cánh tay phải cho tôi một cách kỳ diệu bằng phương thuốc không ai có thể nghĩ ra”.
Mong ước về một cuộc sống hòa bình Ông Hai Cư, tên đầy đủ là Lê Thành Cư, tên khai sinh là Lê Văn Tiền, năm 1931, tham gia quân ngũ năm 16 tuổi. Năm 26 tuổi ông lập gia đình và lấy tên là Lê Thành Cư khi gặp người vợ tên là Hồ Thị An. Ông cho biết, sở dĩ lấy tên Cư là để nhớ về nơi ông chào đời (xã Yên Cư), nhằm ghép với tên vợ mình thành hai chữ An Cư với mong ước về một cuộc sống hòa bình, an cư lập nghiệp. Trong kháng chiến, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Ban lãnh đạo quân sự của Huyện ủy Tri Tôn và Tỉnh ủy An Giang. Hiện tại ông Đại tá về hưu, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam . |
Đăng Nguyên