Hàng loạt vụ cháy xảy ra
Mới đây, khoảng 7h45 ngày 30/6, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở khu cảng Đức Giang (tổ 18, phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội).
Nhưng đây không phải lần đầu tiên, nhà máy hóa chất gần khu dân cư tại Hà Nội bốc cháy. Còn nhớ vụ hỏa hoạn vào tháng 8/2019 tại công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông, rò rỉ nhiều hóa chất độc hại ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân. Tại thời điểm đó, chính quyền lao tâm khổ tứ với các phương án khắc phục hậu quả.
Ngay sau vụ hỏa hoạn, ngày 4/9/2019 Thứ trưởng bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ về việc giải quyết vấn đề trong dài hạn, quan điểm của Bộ là phải có lộ trình thích hợp di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên đến nay, “lộ trình” đó vẫn chưa lộ diện.
Đừng để “cứu cháy” thay “phòng cháy”
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Ủy viên ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII - cho rằng, một khi cháy công ty hóa chất xảy ra thì hậu quả vô cùng nguy hiểm. Theo bà An, cháy hóa chất là đã độc hại, nguy hiểm rồi bởi hóa chất chứa các dung môi. Ở đây lại còn là kho hóa chất, nơi chứa số lượng lớn và nhiều chủng loại hóa chất, có thể tạo nên xúc tác với nhau, gây tác động khôn lường, thậm chí gây nổ ở quy mô lớn, tạo ra các loại khí độc hại, ảnh hưởng đến khu vực lân cận. Một vụ cháy công ty hóa chất có thể dẫn tới hiểm họa cho môi trường và cho sức khỏe của con người.
Vụ cháy kho hóa chất Đức Giang, hay Rạng Đông là bài học cho các công ty, cơ quan có kho chứa hóa chất, có nơi dự trữ hóa chất dù lớn, nhỏ... cũng cần phải rà soát lại toàn bộ một cách thực tế và kĩ càng nhất về nguy cơ xảy ra mất an toàn hay không. Đừng để đến lúc “cứu cháy” thay vì “phòng cháy”, lúc đó hậu quả rất khôn lường.
Bà An trăn trở: “Quy định an toàn của các kho hóa chất là vô cùng quan trọng. Có thể làm đúng quy định về an toàn, về khoảng cách với khu dân cư, độ an toàn các đường dây điện, tuyến cáp, đường dẫn nhiệt... nhưng để thực hiện kiểm tra thường xuyên, đầy đủ các tiêu chí an toàn hay không lại phụ thuộc vào các nhà chức trách".
Chế tài cần mạnh mẽ
PGS. TS Nguyễn Đình Hòe – Giảng viên khoa Môi trường (đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội), Tổng thư ký hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - nhận định, khi Hà Nội chưa phát triển, vị trí công ty hóa chất Đức Giang xây dựng vẫn chưa có dân cư sinh sống nhiều, nhưng nay Hà Nội đã đô thị hóa, nhiều huyện đã lên quận trong đó có Long Biên, dân cư đông đúc. Nên để kho chứa hóa chất ở các khu vực này là không hợp lý.
“Đây cũng là lúc các công ty hóa chất gần khu dân cư nên tìm một vị trí đắc địa khác để di chuyển, tránh nguy cơ gây mất an toàn cho người dân. Hơn nữa, đảm bảo được những tiêu chí về môi trường” - PGS.TS Nguyễn Đình Hòe cho hay.
Cũng theo ông Hòe, đây là thời điểm dư luận nên yêu cầu các công ty hóa chất nên tuân thủ theo quyết định của Bộ. Không thể để các công ty chây ì kéo dài thời gian di chuyển ra khỏi khu dân cư được. Chế tài cần phải mạnh mẽ mới có thể giải quyết triệt để vấn đề.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (viện Sinh học Công nghệ, đại học Bách khoa Hà Nội) - cho hay, vụ cháy kho hóa chất Đức Giang mức độ nguy hại còn cao hơn cả cháy nhà máy phích nước Rạng Đông.
“Nguy cơ mất an toàn cháy nổ tại công ty hóa chất gần khu dân cư là điều ai cũng nhìn thấy. Các cơ quan chức năng cần chế tài mạnh hơn nữa đối với những công ty hóa chất để bị cháy, vì mỗi công ty phải đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh. Tại Hà Nội, sở TN&MT cần đánh giá mức độ nguy hại đối với các công ty hóa chất để công khai trước dư luận, có biện pháp ngăn chặn, giúp người dân có kiến thức phòng tránh” - ông Thịnh đưa lời khuyên.
Lê Liên