Lộ trình mở rộng BRICS vấp phải “đá tảng”

Lộ trình mở rộng BRICS vấp phải “đá tảng”

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 7, 29/07/2023 16:10

Trong khi Trung Quốc nhiệt tình muốn mở rộng khối, 2 quốc gia thuộc BRICS đang kêu gọi thận trọng về khả năng mở rộng nhanh chóng.

Được thành lập vào năm 2009, BRICS là một tổ chức không chính thức bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Từ viết tắt BRICS được bắt nguồn từ chữ cái đầu tiên của tên các quốc gia bằng tiếng Anh.

Các nước BRICS có tiềm năng tăng trưởng kinh tế đáng kể: Chiếm hơn 32% GDP, gần 30% diện tích lãnh thổ và 40% dân số thế giới, sản xuất gần 1/2 sản lượng lúa mì và gạo trên thế giới, đồng thời sở hữu khoảng 15% trữ lượng vàng của thế giới.

Các quy tắc nghiêm ngặt

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, sẽ được tổ chức ở thành phố Johannesburg của Nam Phi từ ngày 22-24/8, các quốc gia như Ả Rập Xê-út, Iran, Ai Cập, Bangladesh, Algeria, Argentina và Ethiopia đều đã chính thức đăng ký làm thành viên, trong khi các quốc gia khác, bao gồm cả Indonesia, đã được mời tham dự các cuộc họp khác nhau của khối. BRICS hy vọng sẽ giới thiệu một khuôn khổ để kết nạp các thành viên mới trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo vào tháng tới.

Nam Phi, hiện là Chủ tịch của BRICS, cho biết vào tuần trước rằng hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm tới khối do Trung Quốc và Nga dẫn dắt, trong đó có 22 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập.

Tuy nhiên, lộ trình mở rộng BRICS đang vấp phải “đá tảng”. Trong các cuộc đàm phán chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh tại Johannesburg, Ấn Độ và Brazil đã đưa ra những phản đối liên quan đến khả năng gia nhập khối của Indonesia và Ả Rập Xê-út, hãng Bloomberg đưa tin.

Thế giới - Lộ trình mở rộng BRICS vấp phải “đá tảng”

Trụ sở của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) - còn gọi là Ngân hàng BRICS ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Theo Bloomberg, Delhi muốn các quy tắc nghiêm ngặt phải được áp dụng về cách thức và thời điểm các thành viên tiềm năng có thể được kết nạp. Ấn Độ đã đề xuất rằng các quốc gia BRICS nên tìm cách mời các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia có khát vọng dân chủ như Argentina và Nigeria, thay vì Ả Rập Xê-út, Bloomberg cho biết, trích dẫn một quan chức.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thảo luận các vấn đề liên quan đến việc Ả Rập Xê-út gia nhập BRICS với Thái tử Mohammad bin Salman (MBS) của vương quốc này vào tháng trước, vị quan chức cho biết.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ không bình luận. Chính phủ Ả Rập Xê-út không trả lời các yêu cầu bình luận của Bloomberg.

Trong khi đó, Brazil đã đề xuất tầm nhìn của riêng mình về việc mở rộng khối liên quan đến việc tạo ra các danh mục “quan sát viên” và “quốc gia đối tác”, trước khi để các ứng viên trở thành thành viên chính thức, và đang để ngỏ khả năng hỗ trợ Indonesia bắt đầu quá trình này, theo Bloomberg.

Tóm lại, Ấn Độ và Brazil muốn sử dụng Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới để thảo luận về khả năng đưa thêm các quốc gia khác trở thành quan sát viên, nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Sự đồng thuận chính trị

Liên quan đến lập trường của các quốc gia còn lại trong BRICS về việc mở rộng khối, nguồn tin của Bloomberg cho biết, Nam Phi ủng hộ thảo luận về các lựa chọn thành viên khác nhau để đáp ứng điều này, nhưng không nhất thiết phản đối việc mở rộng.

“Cuộc họp của các nhà lãnh đạo BRICS năm ngoái đã cho phép mở rộng thành viên, bổ sung thêm thành viên cho BRICS là sự đồng thuận chính trị của 5 quốc gia BRICS”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một phản hồi với Bloomberg.

Hồi tháng 6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, Trung Quốc coi BRICS là địa điểm hợp tác quan trọng giữa thế giới đang phát triển và các thị trường mới nổi, và Bắc Kinh “hoan nghênh sự gia nhập sớm nhất của các đối tác cùng chí hướng”.

Thế giới - Lộ trình mở rộng BRICS vấp phải “đá tảng” (Hình 2).

Các nhà lãnh đạo tới dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 11 ở thủ đô Brasilia của Brazil, tháng 11/2019: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: Getty Images

Hội nghị Thượng đỉnh này nhằm mục đích giới thiệu các mục tiêu của khối để trở thành một lực lượng kinh tế và chính trị nghiêm túc. BRICS cũng đã thảo luận về khả năng thành lập một loại tiền tệ chung, mặc dù không có tiến bộ đáng kể nào hướng tới mục tiêu đó.

Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này cũng diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, và sau một hồi Nam Phi lo lắng về sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuối cùng, ông Putin đã quyết định dự hội nghị theo hình thức trực tuyến để Nam Phi không phải khó xử khi lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với Tổng thống Nga vẫn đang treo lơ lửng.

Các thành viên BRICS đã từ chối tham gia cùng với G7 trong việc đổ lỗi và trừng phạt Nga về chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, mặc dù Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do BRICS khởi xướng đã đóng băng các dự án của Nga, và Moscow không thể tiếp cận đồng USD thông qua hệ thống ngoại hối chung của khối.

Nga không cứng nhắc về việc mở rộng BRICS, ông Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng – cơ quan cố vấn cho Điện Kremlin, cho biết.

“Nói chung là (Nga) ủng hộ việc mở rộng BRICS, nhưng không nhiệt tình. Chúng tôi sẽ theo ý kiến chung và sẽ không cản trở bất kỳ quyết định nào”, vị chuyên gia nói với Bloomberg.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài RT (Nga) tuần này, trước Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Châu Phi tại St. Petersburg, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor nói rằng các Ngoại trưởng BRICS đã “hoàn thành công việc của họ” và đã quyết định về một “bộ nguyên tắc hướng dẫn rõ ràng mà chúng tôi nghĩ sẽ hỗ trợ các nhà lãnh đạo của chúng tôi khi họ đưa ra quyết định”.

Minh Đức (Theo Bloomberg, RT, TASS)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.