Loa di động “tấn công” từ nhiều phía
Ghi nhận của PV cho thấy, tại nhiều khu vực, loa di động đang là nỗi ám ảnh của người dân. Ông Nguyễn Văn Đồng, sinh sống tại TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cho biết: “Chúng tôi thật sự sợ hãi với tình trạng loa karaoke di động, mọc lên rất nhiều. Họ hát thâu đêm suốt sáng, chúng tôi vô cùng bức xúc và nhức đầu nhưng không biết làm gì”.
“Chúng tôi có gọi công an khu vực thì họ cũng giải quyết không xuể. Cứ thế, tình trạng này càng ngày càng phát triển, tạo ra tiếng ồn không thể nào chấp nhận được”, ông Đồng cho biết thêm.
Trong khi đó, để thuê hoặc mua các loại loa di động này không khó khăn gì, dù ở bất cứ đâu, chỉ cần bỏ ra từ một đến vài ba triệu đồng là đã có “loa xịn” để hát karaoke từ sáng đến tối. Theo tìm hiểu của PV, đây đa phần là hàng của Trung Quốc sản xuất. Nếu thuê thì có giá khoảng 500.000 đồng cho 5 giờ.
Liên hệ với điểm cho thuê loa karaoke trên đường Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM, PV được giới thiệu có thể thuê đủ loại loa với công suất khác nhau. Khi thuê chỉ cần trả đúng số tiền và để lại giấy CMND hoặc giấy tờ tùy thân khác thì có thể dễ dàng nhận loa.
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu, hệ thống các siêu thị, trung tâm điện máy, cơ sở buôn bán các loại điện máy… cũng nhập hàng loạt loại loa di động.
Ông Trần Bình Minh, quản lý một cửa hàng điện máy tại quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết: “Thời gian gần đây, người dân có nhu cầu mua loa di động tăng nhiều, đa phần, tập trung vào phân khúc từ 2 đến 5 triệu đồng/cái”.
“Loại này tích hợp nhiều tính năng, dễ xài lại có thể kết nối với các thiết bị khác, đặc biệt là chiếc điện thoại thông minh, do đó, được người dân lựa chọn nhiều”, ông Minh cho biết thêm.
Việc quá dễ dàng để sở hữu các máy karaoke này dẫn tới tiếng ồn khủng khiếp, tra tấn người dân cả ngày và đêm. Nhiều người đứng ra can ngăn đã mãi không còn cơ hội quay về. Thực tế, đã có nhiều vụ việc xô xát giữa các bên xuất phát từ tiếng ồn của loa di động, thậm chí dẫn tới nhiều vụ án mạng xảy ra.
Mới đây, tại khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Phước - một giáo viên đã bị đâm tử vong khi ngăn cản nhiều người đang hát karaoke bằng loa di động.
Cụ thể, thấy phía dãy nhà trọ đối diện hát quá to, gây ồn ào nên ông Phước đã sang nhắc nhở. Tuy nhiên, nhóm người này không đồng ý, hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát. Tại đây, 2 đối tượng đã dùng dao đâm vào người khiến ông này gục tại chỗ và chết trên đường đi cấp cứu.
Không thể quản lý “hát rong”?
Bên cạnh những vụ án đau lòng đã xảy ra, tiếng ồn từ các loại loa này có thể gây ra nhiều loại bệnh tật nguy hiểm.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Thế, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cho biết: “Những tác động về âm thanh quá lớn sẽ dẫn đến nhiều biểu hiện về tâm sinh lý, bệnh lý, đồng thời ảnh hưởng đến hiệu quả lao động, nhất là đối với những cư dân đô thị”.
“Cụ thể, tiếng ồn quá lớn có thể gây tổn thương phần tai trong, dây thần kinh thính giác bị teo lại hoặc có thể gây ra bệnh tâm thần. Đặc biệt là với trẻ em, tiếng ồn có thể khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến việc học từ ngữ ngay từ những năm tháng đầu đời”, bác sĩ Thế cho biết thêm.
Đối với loại hình “hát rong” này, tưởng chừng như dễ dẹp, thế nhưng, để quản lý loại hình này lại rất khó khăn.
Theo đại diện sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Bình Dương, hiện pháp luật quy định các địa điểm kinh doanh karaoke không được hoạt động từ 24h đêm đến 8h sáng hôm sau.
Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo các huyện/thị phối hợp tăng cường xử lý các tụ điểm hát karaoke tại khu dân cư, quán cà phê và hát karaoke bằng loa di động gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép. Tuy nhiên việc xử lý là rất khó, mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở.
Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao tỉnh BR-VT cho biết: “Thời gian qua, tình trạng loa di động hát karaoke gây bức xúc trong nhân dân. Người dân chỉ cần một chiếc loa và chiếc điện thoại cùng micro thì có thể hát thâu đêm suốt sáng.
Mỗi lần họp HĐND tỉnh là chúng tôi bị chất vấn rất nhiều về tình trạng này, tuy nhiên vẫn chưa có phương án để xử lý. Từ chiếc loa di động hát karaoke đã có rất nhiều hệ lụy kéo theo và nhiều vụ án mạng cũng đã xảy ra, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định để quản lý loại hình này”.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh BR-VT mới đây, bà Ninh Thị Thu Hương, cục Văn hóa cơ sở (bộ VH-TT&DL) cho biết: “Hiện, Bộ đang xây dựng Nghị định về quản lý karaoke, trong đó có bàn đến nội dung quản lý loa di động. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu và đưa vào quản lý loại hình này”.
Tuy nhiên, dù không phải là lĩnh vực quản lý nhưng NSND Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng cục Nghệ thuật Biểu diễn (bộ VH-TT&DL) cho rằng, vấn đề này hoàn toàn có thể quản lý được.
“Lãnh đạo tỉnh hoàn toàn có thể can thiệp được, bởi đây là loại hình hát rong nhưng phải có độ ồn đảm bảo, có giờ và có khu vực hoạt động, do đó hoàn toàn có thể điều chỉnh được”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh: “Tốt nhất là nên giao cho đội Quản lý trật tự đô thị để quản lý tình trạng này. Bởi đây là loại hình hát rong, không cần ai phải cấp phép và địa phương có thể quản lý được. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý thì đôi khi cán bộ còn né tránh”.