Một nhóm nghiên cứu được Đại học Cincinnati tài trợ và được dẫn dắt bởi vợ chồng nhà khảo cổ học Jack Davis và Sharon Stocker đã phát hiện ra một ngôi mộ cổ, niên đại từ năm 3.500 đến 1.500 trước Công nguyên, gần thành phố cổ Pylos, phía tây nam Hy Lạp.
Trong cuộc khai quật kéo dài 6 tháng đầu tiên vào năm 2015, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra bộ xương của một người đàn ông trưởng thành còn nguyên vẹn. Qua kiểm tra, họ xác định đây là thi hài của một chiến binh Hy Lạp cổ đại, qua đời vào khoảng năm 30 - 35 tuổi.
Người này được gọi là "chiến binh Griffin", xuất phát từ việc một tấm bảng ngà được phát hiện trong mộ cổ có khắc hình sinh vật thần thoại Griffin.
Điều khiến các nhà khảo cổ choáng ngợp là việc khai quật được nhiều đồ vật giá trị bao gồm vũ khí, trang sức, áo giáp và các đồ tạo tác bằng vàng, bạc, đồng.
“Điều thực sự gây bất ngờ là không có đồ gốm nào được phát hiện bên trong ngôi mộ cổ. Tất cả các cốc, bình và chậu mà chúng tôi tìm thấy đều bằng vàng, bạc và đồng”, nhà khảo cổ Sharon Stocker chia sẻ và nói thêm rằng, dường như "chiến binh Griffin" không ưa chuộng những món đồ bằng gốm.
Trong số những đồ vật tìm thấy bên trong mộ có một thanh kiếm đồng, cán làm bằng ngà voi bọc vàng. Những đồ trang sức đúc bằng vàng cùng hàng trăm hạt đá quý như thạch anh tím và ngọc bích nằm rải rác xung quanh hài cốt.
Ngoài vũ khí bằng vàng và những hạt ngọc quý, hài cốt chiến binh được đặt giữa một loạt vật quý khác bao gồm những bức điêu khắc trên ngà voi minh họa quái vật sư tử đầu chim và cuộc chiến với sư tử. Ngôi mộ cũng chứa hàng chục phiến đá quý có nguồn gốc từ đảo Crete khắc hình các nữ thần và con vật.
Đặc biệt, trên ngực và bụng của "chiến binh Griffin" có đặt một chiếc cốc bằng vàng. Ở sát cổ của ông có một sợi dây chuyền 2 mặt tuyệt đẹp được chế tác vô cùng tinh xảo.
Theo các nhà khảo cổ học Jack Davis và Sharon Stocker, ngôi mộ chất đầy báu vật này cho thấy chủ nhân của nó là người giàu có và quyền lực. Nhiều phiến đá quý tìm thấy trong mộ cũng như một số đồ tạo tác khác còn cho thấy dù mang thân phận thế nào, chiến binh cổ đại có mối liên hệ với đảo Crete, quê hương của nền văn minh Minoan.
Không những vậy, ngôi mộ còn vẹn nguyên các báu vật mà không bị những kẻ trộm mộ quấy phá, cướp bóc. Ước tính, kể từ năm 2015, số lượng cổ vật được phục hồi từ ngôi mộ cổ đã lên tới hơn 3.500 món. Các nhà khoa học nhấn mạnh, số cổ vật trên sẽ giúp họ hiểu làm thế nào các nền văn hóa đã phát triển ở đảo Crete.
Minh Hoa (t/h)