Không còn thời ép nghe loa phường
Thế giới phẳng đã thay đổi mọi thói quen của con người nhất là dân đô thị. Thay vì “đói” thông tin, người ta bội thực thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Song dù có thừa đến mấy, người dân vẫn cần biết cộng đồng nhỏ quanh mình đang sống thế nào, có tin tức gì mới. Chính vì vậy mà một thời gian dài công dân tranh cãi có nên bỏ loa phường hay không.
Loa phường biết bao bất cập từ hình thức đến nội dung như âm thanh to quá mức, địa điểm đặt không hợp lý người không cần vẫn phải nghe trong khi người cần không nghe thấy, nội dung truyền thanh không hấp dẫn… nhưng vẫn mang trong mình những giá trị riêng có. Qua loa phường, người dân biết thông tin về lịch tiêm phòng cho trẻ, ngày nhập ngũ của thanh niên khu vực… những điều mà nhịp sống hối hả khiến nhiều người bỏ quên trên bảng tin đầu phố. Loa phường vẫn sẽ hữu ích nếu được thay đổi để phù hợp với đời sống hiện đại. Và không thể đặt loa phường ở đầu phố rồi ép mọi người nghe.
Cuối năm 2017, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm nóng dư luận với kế hoạch xem xét bỏ loa phường. Ông cho rằng trong thời đại kỹ thuật số với môi trường interet phát triển, loa phường đối với nhiều người dân lại trở thành nỗi phiền hà. Ngay sau đó, vấn đề này vgây tranh cãi. Phương án hợp lý là tìm cách thay thế chứ không xóa bỏ loa phường.
Ngay sau đó, MobiFone đã nghiên cứu và cho ra mắt thiết bị thông minh thay thế loa phường. "Loa phường kiểu mới" là một thiết bị có tên M-GATEWAY, hình dáng tương tự modem wifi. Thiết bị đã được lắp đặt thử nghiệm ở phường Thành Công (quận Ba Đình) vào cuối năm 2017..
Thay vì loa phường đặt đó bắt mọi người nghe, tiết bị này được trang bị cho từng gia đình. Cách thức hoạt động của loa phường kiểu mới khá đơn giản. Phát thanh viên đọc bản tin (chủ yếu là tin tức kinh tế - xã hội trên địa bàn phường) sau đó đẩy lên website của phường để pht vào các khung giờ nhất định, mỗi lần phát 15 phút. Đến giờ phát sóng, thiết bị này sẽ thông báo cho từng hộ dân để kết nối.
Bên cạnh đó, thiết bị có tính tương tác cao, nếu gia đình nào không mở phường sẽ nhận được thông báo. Qua đó, phường sẽ theo dõi được lượng thính giả của mỗi bản tin.
Ngoài chức năng chính là phát trực tiếp các bản tin của phường đến từng hộ dân, M-GATEWAY còn có thể kết nối với điện thoại di động để sử dụng các dịch vụ khác như mua thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn internet, điện, nước, truyền hình... Người dân cũng có thể gửi các ý kiến phản ảnh, kiến nghị lên chính quyền thông qua thiết bị này. Đặc biệt, khi lắp đặt thiết bị này, các hộ dân còn được lắp đặt kèm một thiết bị chống trộm. Khi người dân ra khỏi nhà mà quên đóng cửa hay có người đột nhập, thiết bị chống trộm sẽ phát ra tiếng kêu và nhắn tin qua số điện thoại di động đã đăng ký để thông báo cho hộ gia đình.
Sơ đồ hoạt động giải pháp loa phường thông minh của MobiFone
Loa phường thế hệ mới – mảnh ghép của thành phố thông minh
Sau hơn nửa năm thí điểm loa phường kiểu mới, các hộ dân ghi nhận ưu điểm của thiết bị này là nhỏ gọn, dễ lắp đặt, tiếng loa phát ra rõ ràng, tiết kiệm điện. Hơn thế, người dân thích nhất là không còn bị ép nghe loa phường nữa. Bà Nguyễn Thị Nhàn (Thành Công – Hà Nội) chia sẻ: “Ngày trước, tôi bị ốm hay đau đầu mà đúng giờ phải nghe tiếng loa phường là khó chịu lắm. Loa kiểu mới này dễ chịu hơn hẳn, có thể di chuyển trong nhà như điện thoại vậy. Tôi vừa làm việc nhà vừa nghe để cập nhật thông tin phường xã”.
Chị Phương Hoa cùng xóm với bà Nhàn cũng đồng quan điểm. Chị kể: “Gia đình tôi đã từng sống gần những chiếc loa phường nên thấu hiểu nỗi khổ của người dân. Sáng sớm muốn ngủ thêm chút mà cũng khó vì loa cứ đến giờ là mở rất to. Người dân kêu ca xóa bỏ loa phường là phải. Đứng ở góc độ nào đó thì loa phường đang ép người dân phải nghe. Có thiết bị mới như thế này thì tại sao lại phải duy trì hệ thống truyền tải thông tin cũ kỹ đến như vậy nữa”.
Với những gia đình trẻ họ lại đánh giá cao những tính năng đi kèm của thiết bị phát thanh thế hệ mới. Anh Việt Hùng (Thành Công – Hà Nội) cho rằng, những tính năng như đóng tiền điện, nước của thiết bị này rất tiện lợi. Là người yêu thích đồ công nghệ anh Hùng khẳng định: “Nếu thiết bị này được áp dụng toàn thành phố thì nếp sống sẽ trở nên văn minh hơn. Dù chưa được thử chức năng chống trộm nhưng tôi rất thích”.
Bên cạnh những ưu điểm nhìn thấy được, loa phường kiểu mới cũng có một số nhược điểm như khó tiếp cận đối với người cao tuổi, không điều chỉnh được âm lượng tăng giảm theo ý muốn. Phía nhà mạng MobiFone đang trong quá trình nghiên cứu và cải tiến thêm để tìm ra phương án tối ưu nhất cho loa phường.
Thời gian tới đây, MobiFone sẽ tích hợp các dịch vụ tiện ích trên ứng dụng điều khiển loa phường để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân. Chả hạn như thông qua ứng dụng, người dân có thể tra cứu và gọi dịch vụ sửa chữa điện, nước, đồ gia dụng hay dịch vụ chuyển hàng, thu mua phế liệu, giúp việc theo giờ, bác sĩ thú y. Nhà mạng này kỳ vọng, loa phường đời mới sẽ là mảnh ghép không thể thiếu của xu hướng smart home (ngôi nhà thông minh).
Đại diện MobiFone cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng giải pháp truyền thông trong thời đại mới,có thể hỗ trợ và giải quyết ngay các vấn đề mà chính quyền các cấp đang gặp phải trong công tác truyền thông hiện nay, bắt kịp với xu thế xã hội và với người dân. Chúng tôi cho rằng đây không chỉ là một giải pháp truyền thông hữu ích người dân mà còn trở thành một mảnh ghép quan trọng để xây dựng Thành phố văn minh và thông minh trong tương lai”.
Thu Hà