Anh Anish Ahmed cho biết dân làng và thậm chí cả gia đình anh từng cười nhạo khi anh bắt đầu sử dụng súng cao su (slingshot) để bắn những quả "bom hạt giống" tự chế lên không trung nhằm giúp tái tạo rừng xanh cho tiểu bang quê hương của mình.
Theo anh Ahmed, một nhà hoạt động vì môi trường người Ấn Độ, ý tưởng về "bom hạt giống" đã được nung nấu trong tâm trí anh từ thuở thiếu thời, khi anh bất chợt phát hiện một chú chim họa mi đậu trên cành cây bên ngoài ngôi nhà của mình đang nhâm nhi trái quả.
"Tôi thấy con chim đang ăn quả ổi và những hạt giống rơi xuống đất", anh nói. "Tôi nghĩ rằng những hạt giống như vậy được tưới bằng nước mưa sẽ tự động phát triển thành cây vào một ngày nào đó. Tôi cảm thấy rằng có thể trồng hàng nghìn cây ở những vùng đất cằn cỗi và khó tiếp cận bằng phương pháp tương tự".

Anh Anish Ahmed sử dụng súng cao su để bắn những quả “bom hạt giống” tự chế, giúp đưa hạt giống tới những vùng đất cằn cỗi và khó tiếp cận. Ảnh: E-Pao
Ngày nay, nhà môi trường học 32 tuổi đến từ Manipur, một tiểu bang ở Đông Bắc Ấn Độ, đã tham gia vào các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên trong hơn một thập kỷ, và đã tìm cách hiện thực hóa ý tưởng do chú chim họa mi đó gợi ý.
Anh Ahmed sử dụng súng cao su để "khai hỏa" những quả "bom hạt giống" có kích thước bằng viên bi, được tạo thành từ đất sét, phân và hạt giống, vào không trung để giúp tái tạo màu xanh cho tiểu bang của mình.
Phương pháp của anh là kết quả của nhiều năm thử nghiệm cẩn thận với hạt giống và các loại đất khác nhau để cố gắng tạo ra một loại "bom hạt giống" có hiệu quả lớn nhất khi chúng được ném đi xa.
"Tôi đã mất hơn 6 năm nghiên cứu để tìm ra loại đất phù hợp để làm loại bom hạt giống có thể vỡ ra sau khi chạm đất", anh Ahmed, sống tại một ngôi làng xa xôi ở Kwakta thuộc quận Bishnupur, cho biết. "Tôi đã trồng hơn 1,2 triệu quả bom hạt giống trong hơn một thập kỷ".




Anh Ahmed mất nhiều thời gian và công sức mới tìm ra loại đất phù hợp để chế tạo những quả “bom hạt giống” có thể tự vỡ ra khi chạm đất. Ảnh: E-Pao
Nhưng hành trình đi đến thành công không hề dễ dàng. Ban đầu ý tưởng độc đáo của anh Ahmed đã bị những người xung quanh chế giễu.
"Dân làng và thậm chí cả gia đình tôi thường cười nhạo tôi và gọi đó là điều lố bịch", anh nói. "Nhưng tôi đã không bỏ cuộc. Tôi đã thử nhiều kỹ thuật khác nhau và cuối cùng đã thành công".
Nhà hoạt động vì môi trường này coi phương pháp của mình đặc biệt hiệu quả và phù hợp với đặc điểm địa phương. "Chúng tôi sống ở một tiểu bang được bao quanh hoàn toàn bởi núi non và các ngôi làng nằm ở vị trí rất xa xôi", anh cho biết.
"Rất khó khăn và hầu như không thể tiếp cận được một số khu vực do không có kết nối đường bộ phù hợp. Trong trường hợp như vậy, súng cao su và bom hạt giống là giải pháp thay thế tốt nhất để cứu môi trường".
Khu vực này đặc biệt cần được giúp đỡ. Theo dữ liệu từ Global Forest Watch (GFW), một ứng dụng nguồn mở để theo dõi các khu rừng trên toàn cầu theo thời gian thực, quá trình đô thị hóa ngày càng tăng đã khiến nơi này mất 75% diện tích cây xanh từ năm 2001 đến năm 2023.
"Mất thảm thực vật là mối lo ngại nghiêm trọng vì nó dẫn đến biến đổi khí hậu và các mối nguy hiểm khác", nhà môi trường học Tuhin Subhra Mandal nói với trang iNews của Anh.
"Chúng tôi nhận thấy rằng các tiểu bang ở Đông Bắc đất nước – vốn trước đây vẫn tương đối mát mẻ trong những mùa hè nóng nực – đã bắt đầu trở nên nóng và ẩm hơn. Điều hòa không khí đang được lắp đặt trong các ngôi nhà".
Ông Mandal lo ngại về tình hình này và muốn nhiều người hơn nữa noi gương anh Ahmed. "Chúng ta cần những nhà môi trường nhiệt huyết như anh Anish đứng ra và làm việc vì mục tiêu bảo tồn môi trường, vì diện tích rừng đang nhanh chóng biến mất là mối đe dọa lớn đối với sự sống còn của chúng ta", ông Mandal cho biết.
Việc gieo hạt giống bằng súng cao su nhanh hơn so với phương pháp truyền thống, anh Ahmed cho biết.
"Có thể trồng khoảng 80-100 cây non theo cách truyền thống, khá tốn thời gian. Nhưng súng cao su có thể giúp ném 8.000-10.000 hạt giống chỉ trong một ngày. Chúng tôi khai hỏa bom hạt giống vào mùa gió mùa để chúng có thể tiếp cận được nguồn nước tự nhiên để phát triển", anh nói.
Anh đang yêu cầu chính quyền tiểu bang hỗ trợ nhiều hơn cho dự án của mình. "Ước mơ của tôi là biến những vùng đất cằn cỗi rộng lớn thành màu xanh và tôi cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà chức trách để thực hiện sứ mệnh của mình".
Minh Đức (Theo iNews, E-Pao)