Loài cá rivulus sống ở vùng ngập mặn được phát hiện ở các vùng đầm lầy từ Florida, Mỹ đến Brazil. Chúng có chiều dài không quá 75 cm. Có bề ngoài yếu đuối và chậm chạp, rivulus là loài lưỡng tính (mặc dù khoa học từng tìm thấy một vài con đực) và chúng sinh sản bằng khả năng tự thụ tinh. Các nghiên cứu từ năm 2007 phát hiện ra rằng, loài cá này có thể sống trên mặt đất trong 66 ngày liên tục. Theo báo cáo thời điểm đó của Reuters, chúng được phát hiện sống ở những thân cây gỗ ngập mặn ẩm ướt và thậm chí bên trong các lon bia cũ hay vỏ dừa.
Cá rivulus sống ở vùng nước ngập mặn.
Nghiên cứu mới cho hay, trong những ngày trên cạn, loài cá lưỡng cư này thay đổi mang để thở qua da. Tuy nhiên, một phần khả năng sống trên cạn đáng kinh ngạc của chúng là nhờ sức bật nhảy mạnh mẽ.
Nhóm nghiên cứu quay phim một con rivulus mắc kẹt trên cạn và phát hiện rằng, nó đã dùng đuôi bật lên để di chuyển. Đoạn video cho thấy, khi nằm trên mặt đất phẳng, con cá cong người và dùng sức của đuôi bật lên để di chuyển theo chiều ngang hoặc thẳng đứng.
Cá rivulus sống trong những thân cây ẩm ướt.
Để so sánh, các nhà khoa học quay phim một con cá vược miệng rộng bật khỏi mặt nước. Con cá vược cũng cong người thành hình chữ “C” và đẩy nó khỏi nước theo hướng thẳng đứng nhưng không thể kiểm soát hướng bật.
“Cá vược rất kém trong việc nhảy lên đất liền. Đó là điều đã được dự đoán vì chúng hiếm khi du ngoạn trên mặt đất”, nhà nghiên cứu Benjamin Perlman ở Đại học Wake Forest giải thích. Thông thường, cá vược chỉ nhảy lên mặt đất khi chúng bị trôi dạt vào bờ, bị các loài ăn thịt săn đuổi hoặc khi nhảy lên bắt côn trùng và vô tình rơi xuống đất.
"Trong khi đó, cá rivulus lưỡng cư tỏ ra thích nghi tốt hơn. Khi môi trường nước bị giảm hàm lượng oxy hoặc mức độ hyđro sunfua (một hợp chất gây độc cho cá) tăng cao, cá rivulus có thể chuyển lên sống trên mặt đất và chỉnh hướng nhảy. Kỹ năng nhảy tài tình của cá rivulus cũng giúp chúng thoát khỏi kẻ thù và săn mồi trên mặt đất như dế", Perlman cho hay.
Theo Bưu điện Việt Nam