Vài năm trở lại đây, nghề nuôi cá Bỗng ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã mang lại lợi nhuận rất cao. Theo đánh giá của Tổng cục thủy sản, nếu việc sản xuất giống thành công thì nhiều hộ dân nơi đây sẽ khởi sắc kinh tế từ nghề này.
Lợi nhuận mà các loại cá Bỗng mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn giống hiện lại phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Người nuôi phải “săn” từng con cá giống một từ những người làm nghề chài lưới đánh bắt trên sông Lô. Mùa mưa là mùa sinh nở của các loại cá trên, tuy nhiên lượng cá bắt được làm giống rất hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu của người nuôi.
Hiện nay, một số lồng nuôi cá bỗng lớn ở Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái cũng đang gặp khó khăn về mặt con giống. Riêng tỉnh Tuyên Quang có hai đơn vị cung cấp cá giống cho những người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận là Trung tâm thủy sản (xã Hoàng Khai, Yên Sơn) và Trại cá Sơn Dương. Từ năm 2010, với mục đích để bảo tồn và phát triển các loài cá quý hiếm, đặc sản tại địa phương, nhiều đề tài dự án về sinh sản nhân tạo, nhân giống các loài cá quý hiếm đã được triển khai trên địa bàn các tỉnh miền núi.
Cá Bống được nuôi khoảng chục năm mới sinh sản
Theo Thạc sĩ Kim Văn Vạn (Trưởng bộ môn Môi trường và Bệnh thủy sản Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho biết: Cá Bỗng là loài cá cùng họ với cá trắm cỏ và chép, được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản nhân giống thành công gần chục năm nhưng không được áp dụng và phát triển vì loài cá này chậm lớn. Ưu điểm của nó là sức đề kháng tốt hơn những loài cá khác, thịt ngon, giá trị dinh dưỡng cao.
Thực tế, lợi nhuận từ nuôi cá Bỗng mang lại rất lớn nhưng nguồn giống ngày càng cạn kiệt do hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Người nuôi phải săn từng con cá giống của những người làm nghề chài lưới trên sông Lô, sông Chảy, hồ thủy điện Tuyên Quang. Những năm trước đây, vào mùa nước đục thường xuất hiện nhiều cá Bỗng nhỏ nhưng do đánh bắt nhiều, tiềm năng cũng giảm dần. Một số lồng cá dọc sông Lô đã phải treo lồng hàng tháng trời do không mua được giống.
Cá Bỗng đẻ rất ít, một con phải nuôi khoảng 10 năm mới bắt đầu sinh đẻ, chúng chỉ đẻ được ở những nơi có nguồn nước suối trong mát và không được nuôi lẫn với những loài cá khác. Tỷ lệ cá con sống sót rất thấp sau mỗi lần đẻ, ví dụ như cá đẻ ra khoảng 100 con thì chỉ sống được 20 - 30 con là nhiều.
Chính vì cá đẻ ít nên ở một số trại cá ở tỉnh Hà Giang đã tìm cách thụ tinh nhân tạo cho cá và nuôi trong các bể ươm để thu được tỷ lệ cá sống sót cao hơn. Hiện, cá Bỗng đang trở thành món ăn đặc sản của nhiều nhà hàng ở khu vực phía Bắc. Một số chủ nhà hàng tiết lộ, món cá Bỗng được rất nhiều người ưa chuộng, vì vị thịt cá Bỗng khác lạ so với những loài cá khác. Mấy tháng nay, lượng cá Bỗng cổ ở Tây Bắc hiếm dần, nhiều người phải lên tận Hà Giang mua cá với giá từ 500 - 700 nghìn đồng/kg.
Trao đổi với PV Người đưa tin, bà Phan Thị Vân, phó viện trưởng Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 cho biết: “Hạn chế khi nhân rộng mô hình nuôi cá Bỗng chính là nguồn cá giống ngày càng khó kiếm do người dân đánh bắt cá ngoài tự nhiên theo kiểu hủy diệt. Vì vậy, rất cần thiết nghiên cứu sinh sản nhân tạo các loài cá quý hiếm này để có thể chủ động cung cấp cá giống cho người nuôi”.
“Cá Bỗng ăn rất nhiều, ăn tạp. Thức ăn của chúng từ lá sắn, cỏ, chuối cho đến gia xúc chết. Có một đặc điểm là ở giai đoạn cá con đến khoảng 2kg cá lớn nhanh như cá trắm cá mè, nhưng khi đạt trọng lượng từ 3kg trở lên thì cực kỳ chậm lớn. Loại cá Bỗng ở Hà Giang chỉ sống được ở nơi có nguồn nước suối trong mát, tốt nhất là nước trong ao phải được thay liên tục. Cả “cá thần” ở Thanh Hóa và cá bỗng ở Hà Giang đều được nuôi để làm thực phẩm và là đặc sản”. TS.Nguyễn Văn Hảo - chuyên gia về Ngư loài học, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản I, nói. |
Cao Tuân